Công điện về ứng phó với diễn biến phức tạp của mưa lũ tại Nghệ An

(Baonghean.vn) - Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh vừa có công điện số 14/CĐ-BCH ngày 30/10/2020 về việc ứng phó với tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp.
Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện nay lũ trên sông Cả tại Nghệ An đang lên. Mực nước đỉnh lũ sông Cả lên mức báo động 2 và có khả năng tiếp tục lên. Do chịu ảnh hưởng của lưỡi áp cao lục địa được tăng cường, kết hợp với rìa phía Bắc rãnh áp thấp có trục ở vào khoảng 14 - 17 độ vĩ Bắc; Trên cao, áp cao cận nhiệt đới hoạt động mạnh và lấn về phía Tây nên ở Nghệ An trời nhiều mây, rải rác mưa vừa, mưa to, có nơi đặc biệt to và dông.
Nhiều tuyến đường bị ngập lụt đã được cắm biển cảnh báo. Ảnh tư liệu Thành Duy
Nhiều tuyến đường bị ngập lụt đã được cắm biển cảnh báo. Ảnh tư liệu Thành Duy
Để chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp, Ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh Nghệ An đề nghị Chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ huy PCTT - TKCN các huyện, thành phố, thị xã; Bộ chỉ huy quân sự tỉnh; Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh; Công an tỉnh; Ban chỉ huy PCTT - TKCN các sở: Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và PTNT, Công Thương, Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc các Công ty Thủy lợi; Thủy điện trên địa bàn tỉnh; Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An các đơn vị liên quan tập trung triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Thực hiện nghiêm túc nội dung Công điện số 1490/CĐ-TTg ngày 27/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn cấp ứng phó với bão số 9; Công điện số 33/CĐ-TW ngày 30/10/2020 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai - Ủy ban QG ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN; Công điện số 39/CĐ-UBND ngày 27/10/2020; Công điện số 40/CĐ-UBND ngày 28/10/2020  của UBND tỉnh Nghệ An về việc tập trung ứng phó với bão số 9.

Nếu trời tiếp tục mưa to, nguy cơ sạt lở ở miền núi rất cao. Trong ảnh: Sạt lở núi ở Tri Lễ, Quế Phong ngày 30/10.
Nếu trời tiếp tục mưa to, nguy cơ sạt lở ở miền núi rất cao. Trong ảnh: Sạt lở núi ở Tri Lễ, Quế Phong ngày 30/10.

Triển khai kiểm tra, rà soát hệ thống đê điều, hồ đập nhất là các điểm xung yếu và sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống, sự cố ngay từ giờ đầu; Chủ động bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết khi mưa lũ, nhất là qua các ngầm, tràn để bảo đảm an toàn;

Đối với các địa phương ở hạ lưu các nhà máy thủy điện, ven sông cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ và kế hoạch xả lũ của các hồ thủy điện; triển khai ngay phương án phòng, chống lũ theo cấp báo động, bằng mọi biện pháp thông báo kịp thời thông tin mưa lũ đến người dân sinh sống hoặc có các hoạt động trên sông, ven sông để chủ động phòng, tránh.

Thanh Mỹ, Thanh Chương là một trong những điểm ngập lụt nghiêm trọng nhất trong ngày 30/10. Ảnh tư liệu CTV
Thanh Mỹ, Thanh Chương là một trong những điểm ngập lụt nghiêm trọng nhất trong ngày 30/10. Ảnh tư liệu CTV

Đối với dân cư ở các khu vực ngoài bãi sông, vùng ngập lũ, dưới chân núi có nguy cơ sạt lở chủ động tổ chức sơ tán người và tài sản để bảo đảm an toàn; Nghiêm cấm người dân vớt củi, đánh bắt cá,… trên sông, suối khi đang có mưa lũ để tránh thiệt hại về người;

Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh sẵn sàng lực lượng, phương tiện tối đa để chủ động cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu;

Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An và các phương tiện thông tin đại chúng tăng thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến của mưa lũ để các cấp chính quyền và người dân biết, chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về BCH PCTT và TKCN tỉnh (qua Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh) khi có tình huống đột xuất để xử lý kịp thời./.

Tin mới