Công khai, minh bạch mới đẩy lùi được hiện tượng "nhiễu" thông tin

Làm sao để hạn chế tình trạng thông tin nhiễu loạn? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội truyền thông số về vấn đề này.
Thời gian vừa qua, dư luận trong nước đang đặc biệt tập trung chú ý vào hiện tượng cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế. Ngay sau khi sự việc xảy ra, cả mạng xã hội và báo chí đều vào cuộc rất nhanh, kịp thời đưa tin về vụ việc đến với dư luận.
Tuy nhiên, do việc xử lý sự cố còn có phần lúng túng và chậm trễ, đặc biệt là phát ngôn về nguyên nhân cá chết của các cơ quan chức năng còn thiếu thống nhất, thậm chí mâu thuẫn đã khiến cho thông tin về vụ việc này ngày càng trở nên nhiễu loạn.
Ông Lê Doãn Hợp.
Ông Lê Doãn Hợp.
PV: Đến thời điểm này có rất nhiều thông tin khác nhau về nguyên nhân gây ra cá chết hàng loạt ở ven biển miền Trung, khiến người dân như lạc vào ma trận thông tin, không biết nên tin vào đâu mới có cơ sở. Nếu sự mâu thuẫn, thậm chí là nhiễu loạn thông tin này tiếp tục kéo dài sẽ gây ra những hệ lụy gì, thưa ông?
Ông Lê Doãn Hợp: Sự việc cá chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân tại các tỉnh ven biển miền Trung từ Hà Tĩnh vào Thừa Thiên Huế là một sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa từng có từ trước đến nay. Nó không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của động vật trên biển mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe, sự sống cũng như kế sinh nhai của hàng triệu người dân tại 4 tỉnh miền Trung, gây bức xúc dư luận xã hội và ẩn chứa nhiều hậu quả khó lường.
Mặc dù các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương đã dốc sức tìm nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ nhưng do việc triển khai còn chậm và lúng túng nên đã vô tình tạo thêm những bức xúc mới không đáng có. Từ sự trả lời của nhà đầu tư đến những phát ngôn của các Bộ, ngành đều thiếu thống nhất, thậm chí là mâu thuẫn khiến người dân nghi ngại, không cảm thấy yên tâm.
Sự cố trên cho thấy, khi sự việc xảy ra tức thì, tạo thành điểm nóng thì cần phải xử lý nhanh, phải đồng bộ, quyết liệt. Bởi để càng chậm thì hậu quả càng lớn, không chỉ là hậu quả kinh tế, xã hội mà còn là hậu quả niềm tin. Kéo dài thêm một ngày là kéo thêm bao nhiêu hệ lụy, trong đó đáng lo ngại nhất là việc người dân mất đi sinh kế, không có việc làm sẽ dễ nảy sinh tiêu cực như bị kẻ xấu kích động, lôi kéo.
PV: Thực tế cho thấy, đây không phải là lần đầu tiên có sự nhiễu loạn thông tin mà hầu như cứ trước mỗi sự kiện chính trị trọng đại của đất nước như đại hội, bầu cử hoặc khi xảy ra những sự việc nóng được dư luận xã hội quan tâm thì ngay lập tức xuất hiện nhiều luồng thông tin khác nhau, kể cả tin đồn thất thiệt, gây nhiễu loạn. Có khi nào sự nhiễu loạn thông tin được bắt nguồn từ việc thiếu thông tin chính thống không, thưa ông?
Ông Lê Doãn Hợp: Thường thì mỗi người đứng ở các vị trí khác nhau, lợi ích khác nhau sẽ có những phát ngôn không giống nhau, thậm chí là mâu thuẫn và đối lập nhau. Do vậy, việc xuất hiện những thông tin trái chiều, không đúng, gây nhiễu loạn thông tin cũng là điều dễ hiểu.Tất nhiên với trình độ dân trí phát triển như hiện nay, không phải cứ đưa lên mạng Internet thông tin gì là người dân đều nghe và tin cậy cả, bởi ai cũng có một bộ lọc của riêng mình. Nhưng rõ ràng, điều này đặt ra vấn đề trách nhiệm từ phía các cơ quan quản lý nhà nước là rất quan trọng.
Khi có những tin đồn thất thiệt, thậm chí xuyên tạc, bịa đặt thì phải kịp thời nói lại để người dân được rõ, không nên né tránh, im lặng quá lâu. Nói cách khác, phải thẳng thắn đấu tranh với những thông tin sai trái nhưng không được áp đặt, không quy chụp bởi thông tin một chiều. Hơn nữa, cái gì mình đúng thì kiên quyết bảo vệ, nhưng không vì thế mà giấu cái sai, cái dở của mình. Càng công khai, minh bạch thì sẽ càng đẩy lùi được hiện tượng “nhiễu” thông tin.
PV: Điều này có nghĩa là cách chúng ta ứng phó với tình trạng nhiễu thông tin hiện nay đang có phần chậm trễ, thưa ông?
Ông Lê Doãn Hợp: Nhìn chung thì chúng ta đã làm khá tốt song ở một số tình huống, sự việc nóng vẫn còn chậm, sức thuyết phục chưa cao, đang nặng về áp đặt một chiều, thiếu mềm dẻo và chậm trễ. Có những việc họ nói cả tháng rồi thì mình mới lên tiếng, khi đó người ta tưởng là đúng rồi, do vậy sức thuyết phục khi chúng ta nói lại không được như mong đợi.
Chính vì phản ứng chậm nên nhiều khi, chúng ta phải chạy theo thông tin không chính thống để giải thích trong khi đáng ra chúng ta phải là người chủ động đưa thông tin kịp thời. Muốn không chậm trễ, không chạy theo sau thông tin thì chúng ta phải chủ động xử lý kịp thời chứ không thể đợi xã hội ồn ào lên rồi mới vào cuộc thì không ổn.
Thực tế, có những thông tin tổn thất làm chúng ta không vui, thậm chí không muốn thông tin nhưng suy đến cùng không có gì thuyết phục dư luận cao hơn là sự thật. Nên tôn trọng sự thật là yêu cầu cần thiết, khách quan.
PV: Trong xã hội chúng ta hiện nay vẫn đang tồn tại một nghịch lý, đó là phần lớn những thông tin người dân và xã hội quan tâm lại thường là những thông tin mà các cơ quan chức năng cho là nhạy cảm. Vậy chúng ta phải giải bài toán này như thế nào để vừa đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân mà không làm ảnh hưởng đến bí mật và lợi ích quốc gia?
Ông Lê Doãn Hợp: Quyền tiếp cận thông tin là một trong những quyền quan trọng của công dân. Người dân có quyền bày tỏ và yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước giải đáp những vấn đề chính đáng mà mình thắc mắc. Thực tế cho thấy, cơ chế bây giờ cho phép các cơ quan, đơn vị có nhiều cách thức hơn để cung cấp thông tin đến người dân như tổ chức họp báo, gặp mặt, trả lời trên báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng.
Do vậy, chúng ta không nên lạm dụng cái gọi là nhạy cảm để né tránh việc cung cấp thông tin chính đáng cho người dân. Càng nhạy cảm càng phải làm rõ hơn, nhanh hơn. Càng nhạy cảm thì càng phải xử lý sớm, có tình có lý, không để lâu sẽ thành bức xúc, thành điểm nóng. Tất nhiên, đối với những vấn đề liên quan đến bí mật, lợi ích quốc gia, không thể công bố công khai thì phải có cơ chế quản lý riêng.
PV: Chúng ta không thể phủ nhận những tiện ích mà mạng xã hội đem lại, đặc biệt là trong tác nghiệp của nhà báo. Tuy nhiên, bên cạnh những thế mạnh đó, mạng xã hội cũng có những hạn chế như nhiều thông tin thiếu sự định hướng, chưa được kiểm chứng, thậm chí là xuyên tạc, sai sự thật, gây ra sự nhiễu loạn thông tin. Vậy theo ông chúng ta nên ứng xử với mạng xã hội như thế nào cho đúng?
Ông Lê Doãn Hợp: Chúng ta đang hội nhập với thế giới nên không thể cấm đoán được thông tin, đặc biệt là những thông tin đa chiều, cuồn cuộn hàng ngày, hàng giờ trên mạng xã hội. Tuy vậy, chúng ta cũng cần phải học cách mà các nước phát triển ứng xử với mạng xã hội để từ đó tìm ra giải pháp quản lý riêng của mình thông qua ba con đường.
Trước hết, phải hoàn chỉnh luật lệ để ủng hộ người nói đúng và ngăn chặn, xử lý người nói sai bằng cả biện pháp hành chính lẫn hình sự nếu người nói sai đó gây ra hậu quả nghiêm trọng. Bên cạnh đó, chúng ta phải nâng cao dân trí để người dân có thể tự phòng vệ chính đáng, biết chắt lọc đúng, sai trước sự nhiễu loạn về thông tin trên mạng xã hội.
Ngoài ra, chúng ta cũng phải chủ động đấu tranh phản bác thông tin xuyên tạc một cách nhanh chóng, đúng và kịp thời. Phải dùng lý lẽ để đấu tranh lại những thông tin không đúng, bởi thực tiễn cho thấy chỉ khi nào có sự minh bạch thì mới chống được sự nhiễu loạn thông tin.
PV: Xin cảm ơn!
TIN LIÊN QUAN

Tin mới