Công nghệ 5G đóng vai trò như thế nào trong nền kinh tế số?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Theo nghiên cứu của Công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu IHS Markit (Anh), công nghệ 5G sẽ có những tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu, dự báo công nghệ này sẽ tạo ra khoảng 13,1 nghìn tỷ USD và cung cấp hơn 22,3 triệu việc làm mới vào năm 2035.

243 mạng 5G thương mại đã được triển khai trên toàn cầu

5G là thế hệ di động mới nhất đang được nhiều quốc gia trên thế giới triển khai thương mại. Theo số liệu công bố tháng 12/2022 của Hiệp hội các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSA) cho thấy, sau gần 4 năm kể từ khi Hàn Quốc triển khai mạng 5G thương mại đầu tiên trên thế giới vào tháng 4 năm 2019, đến nay trên toàn cầu đã có 243 mạng 5G thương mại và 514 nhà khai thác di động đang đầu vào mạng 5G.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Báo cáo của nhà cung cấp thiết bị viễn thông Ericsson (Thụy Điển) cũng cho thấy, công nghệ 5G đang mở rộng quy mô nhanh hơn bất kỳ thế hệ di động nào trước đây, lưu lượng dữ liệu mạng di động toàn cầu đã tăng gấp đôi trong 2 năm qua, được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng liên tục trong việc sử dụng điện thoại thông minh, băng thông rộng di động và các ngành công nghiệp.

So với các thế hệ mạng 4G, 3G và 2G thì 5G sẽ cung cấp cho người dùng các trải nghiệm hoàn toàn mới như trải nghiệm chơi trò chơi thực tế ảo, tập thể thao cùng huấn luyện viên ảo, tham quan bảo tàng nghệ thuật ảo... Với tốc độ tối đa lý tưởng nhanh hơn gấp 100 lần 4G, mạng 5G được kỳ vọng sẽ mang đến cho người dùng trải nghiệm học tập, mua sắm và làm việc trực tuyến nhanh nhất.

5G hỗ trợ ba loại hình dịch vụ cơ bản của tương tác trao đổi thông tin: băng rộng di động nâng cao (Enhanced Mobile Broadband - eMBB), truyền thông thời gian trễ cực thấp và độ tin cậy cực cao (Ultra-Reliable and Low-latency Communications - uRLLC) và truyền thông máy số lượng lớn (Massive Machine Type Communications mMTC). Ba loại hình dịch vụ này được cung cấp đồng thời trên cùng một cơ sở hạ tầng mạng di động dựa vào công nghệ phân chia mạng (network slicing), một khái niệm mới được đưa vào trong công nghệ 5G.

eMBB chủ yếu tập trung vào tốc độ dữ liệu và băng thông cao hơn cho các ứng dụng dựa trên kết nối internet, với tốc độ tối đa 20Gbps cho đường xuống và 10Gbps cho đường lên. Ứng dụng này cho phép kết nối lấy con người làm trung tâm, bao gồm quyền truy cập vào nội dung, dịch vụ và dữ liệu đa phương tiện. Các trường hợp sử dụng băng rộng di động phổ biến bao gồm kết nối các “điểm nóng” (hotspot), phát triển các ứng dụng thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR), phát trực tuyến luồng video chất lượng UltraHD hoặc 360 độ, tự động hóa trong các ngành công nghiệp,...

uRLLC cung cấp độ trễ cực thấp và hỗ trợ độ tin cậy cực cao, với khả năng đạt được độ trễ 1ms với độ tin cậy 99,999% trên kênh vô tuyến 5G. Điều này cho phép sự truyền tải các gói dữ liệu nhỏ (với kích thước chỉ vài byte) qua kênh vô tuyến trong một giới hạn thời gian xác định với độ tin cậy rất cao, đáp ứng được yêu cầu cho các ứng dụng điều khiển chính xác. Cụ thể, ứng dụng này được sử dụng để xây dựng thành phố thông minh, kết nối giao tiếp giữa đèn giao thông, các phương tiện tự lái và đường cao tốc để điều khiển giao thông; sử dụng trong phẫu thuật từ xa; điều khiển vô tuyến trong các dây chuyền sản xuất công nghiệp và các ứng dụng cực kỳ quan trọng, không cho phép sai sót xảy ra.

mMTC cho phép thu thập đồng thời một khối lượng lớn các gói dữ liệu nhỏ từ một số lượng lớn thiết bị. Trọng tâm của mMTC là cung cấp khả năng kết nối với một số lượng lớn thiết bị, lên đến 1.000.000 thiết bị trên mỗi km2, tuổi thọ pin cho thiết bị đầu cuối có thể vượt quá 10 năm. Thông qua việc sử dụng IoT, mMTC sẽ giảm mức tiêu thụ năng lượng thiết bị và giúp công việc đạt hiệu quả cao hơn.

5G sẽ tác động đến ngành công nghiệp như thế nào?

Một khía cạnh khác của công nghệ 5G mà chúng ta cần quan tâm đó là khả năng của 5G phục vụ trao đổi thông tin tương tác tốc độ cao giữa máy với máy (M2M: Machine-to-Machine) trong hệ sinh thái IoT với độ tin cậy cực cao, độ trễ cực thấp và quy mô kết nối cũng như mật độ mạng IoT lớn. Đây chính là giá trị mà 5G có thể đóng góp hiệu quả để hiện thực hóa xu hướng nhà máy thông minh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trên thực tế, mục tiêu phát triển 5G không chỉ là nâng cao năng lực băng thông rộng của các mạng di động, mà còn là cung cấp kết nối vô tuyến chất lượng cao phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt là trong sản xuất với các dây chuyền tự động hoá và điều khiển bằng rô-bốt.

Các công ty có thể sử dụng các công nghệ 5G công nghiệp để theo dõi hàng hóa và vật liệu trong suốt quá trình sản xuất và mô phỏng các quy trình hoạt động của nhà máy; sử dụng để giao tiếp M2M theo thời gian thực, các ứng dụng thực tế tăng cường cũng như giám sát sản phẩm và dữ liệu tài sản.

Mạng 5G hoàn toàn có khả năng tạo ra giá trị kinh tế xã hội. Đồng thời, tác động của công nghệ 5G sẽ rất lớn đối với các ngành công nghiệp cụ thể. Theo ước tính của Công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu IHS Markit (Anh), mạng 5G dự kiến ​​sẽ tạo ra doanh thu khoảng 13,1 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu và hơn 22,3 triệu việc làm mới vào năm 2035.

Nguồn: IHS Market.

Nguồn: IHS Market.

Trong đó, 5 ngành công nghiệp hàng đầu dự kiến sẽ thu được lợi nhuận lớn nhất nhờ vào công nghệ 5G bao gồm: sản xuất chế tạo (4.771 tỷ USD); thông tin và truyền thông (1.493 tỷ USD); bán sỉ và bán lẻ (1.144 tỷ USD); các dịch vụ công cộng (961 tỷ USD) và xây dựng (730 tỷ USD).

5G và tương lai của nền kinh tế số

Mạng 5G mang lại rất nhiều lợi ích cho nền kinh tế - xã hội cũng như trong nhiều ngành, lĩnh vực như sản xuất, y tế, giáo dục và nông nghiệp. Việc kết hợp các nền tảng kỹ thuật số với mạng 5G sẽ thúc đẩy đổi mới và tạo điều kiện cải thiện chất lượng dịch vụ nhờ vào tốc độ cao mà mạng 5G mang lại.

Với các tính năng nổi bật của công nghệ 5G như độ trễ cực thấp, tốc độ cực cao và cho phép kết nối một số lượng lớn thiết bị, công nghệ mới này sẽ giúp hỗ trợ hiệu quả các ứng dụng mới như IoT, trí tuệ nhân tạo (AI) và thực tế ảo. Ngoài ra, chúng còn cho phép truyền các luồng dữ liệu trong thời gian thực để đáp ứng các dịch vụ như xe tự lái, phẫu thuật từ xa...

Công nghệ 5G sẽ là tiền đề để tất cả các ngành, các lĩnh vực trong nền kinh tế thực hiện chuyển đổi số, sẵn sàng cho Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 5G sẽ giúp xây dựng một xã hội kết nối, tạo thuận lợi cho triển khai các dịch vụ trực tuyến trên nền tảng số tới mọi người dân, mọi tổ chức. Các quốc gia trên thế giới đã và đang nỗ lực phát triển các sản phẩm, giải pháp cũng như tham gia triển khai hạ tầng kết nối số, các nền tảng số, tận dụng và phát huy hiệu quả các lợi ích của công nghệ 5G, góp phần xây dựng hạ tầng số thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Mạng 5G mang đến cho các nhà sản xuất và nhà khai thác viễn thông cơ hội xây dựng các nhà máy thông minh dựa trên các công nghệ thông minh như tự động hóa, AI và IoT. Một số lĩnh vực mà 5G có thể tác động và cải thiện nền kinh tế số bao gồm:

Internet vạn vật (IoT)

5G sẽ là công nghệ hỗ trợ mạnh mẽ giúp gia tăng tốc độ kết nối, đặc biệt là trong kết nối IoT. Ngày nay, với nhu cầu xử lý khối lượng dữ liệu ngày càng cao, các công ty viễn thông bắt đầu đầu tư phát triển mạng 5G và các dịch vụ IoT trong mọi lĩnh vực. Trong thời gian tới, mạng 5G sẽ được áp dụng vào các hoạt động như giám sát từ xa, tự động hóa, kết nối các phương tiện giao thông,...

Những thiết bị IoT giám sát từ xa đảm bảo quá trình vận hành diễn ra theo quy định và được tăng thêm hiệu quả. Với giải pháp theo dõi tài sản, thiết bị IoT giúp các công ty quản lý chặt chuỗi cung ứng, thu thập dữ liệu quan trọng để tổ chức công việc hợp lý hơn, xác định những vấn đề tiềm tàng ảnh hưởng đến sự phát triển. Thêm vào đó, các cơ sở hạ tầng có sử dụng thiết bị IoT như đèn và hệ thống kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm và chất lượng không khí thông minh sẽ giúp giảm thiểu chi phí vận hành cho công ty, thông qua khả năng tự động hóa.

Một ví dụ điển hình về việc sử dụng IoT trong quá trình kiểm tra, giám sát từ xa do Tập đoàn công nghệ IBM (Mỹ) phát triển để giám sát các cây cầu, đường hầm, đường cao tốc và các tuyến đường sắt. Theo đó, giải pháp này sẽ sử dụng dữ liệu IoT thời gian thực được tạo ra từ các cảm biến được đặt trên các công trình cũng như máy ảnh và máy bay không người lái. Dữ liệu của các thiết bị IoT sẽ được đưa vào các mô hình phân tích cụ thể để giúp xác định và đo lường tác động có thể làm ảnh hưởng đến công trình như vết nứt, rỉ rét, ăn mòn và sự rung chuyển.

Các phương tiện được kết nối

Công nghệ 5G sẽ mở ra hướng phát triển mới cho các phương tiện giao thông, cho phép các phương tiện giao thông kết nối với nhau và kết nối với các trang thiết bị hạ tầng đường bộ như đèn tín hiệu giao thông, biển báo …, từ đó hình thành nên mạng lưới giao thông thông minh và an toàn.

Những phương tiện được kết nối 5G có thể nhận được những thông tin quan trọng về các tình trạng giao thông như rào chắn, tắc nghẽn giao thông, vị trí đỗ xe, điều kiện hành trình của xe và nhiều hơn nữa.

Hiện tại, nhiều công ty đang phát triển công nghệ C-V2X (Cellular Vehicle-to-Everything), tích hợp các công nghệ này vào các phương tiện, cơ sở hạ tầng và nền tảng quản lý giao thông, đã giúp giải bài toán về quản lý giao thông, cải thiện mạng lưới giao thông.

C-V2X là một nền tảng thống nhất giữa các phương tiện và hệ thống giao thông thông minh với nhau. C-V2X kết nối từ phương tiện đến phương tiện (V2V), phương tiện tới cơ sở hạ tầng (V2I), phương tiện tới người đi bộ (V2P) và kết nối phương tiện với mạng lưới (V2N). Bằng cách kết nối các phương tiện cá nhân và cho phép phát triển các hệ thống giao thông thông minh hợp tác (C-ITS) nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm, nền tảng này có tiềm năng chuyển đổi các dịch vụ thông tin và an toàn trên đường cao tốc và trong các thành phố để việc đi lại được thuận tiện hơn.

Quản trị quốc gia tốt hơn

Chính phủ các nước có thể phát triển một kiến ​​trúc thành phố thông minh và khung chính phủ điện tử hiệu quả bằng cách sử dụng công nghệ 5G. Thông qua đó, người dân có thể trải nghiệm các dịch vụ công tốt hơn và nhận thông tin theo thời gian thực từ các quan chức chính phủ trong trường hợp khẩn cấp.

Việc triển khai các mạng di động thế hệ tiếp theo như 5G sẽ tạo ra giá trị cho nhiều ngành công nghiệp. Công nghệ này có thể được sử dụng một cách sáng tạo trong nhiều môi trường khác nhau. Các bệnh viện sẽ được trang bị các thiết bị hỗ trợ 5G để tạo điều kiện theo dõi bệnh nhân từ xa và xe cứu thương thông minh kết nối trong thời gian thực.

Ngoài ra, với công nghệ 5G, chúng ta có thể thực hiện các giao dịch tài chính suôn sẻ thông qua ví điện tử và các ứng dụng được kết nối với điện thoại thông minh, ô tô và nhiều thiết bị khác. Các nhà máy sẽ được kích hoạt 5G để kết nối với các thiết bị và hệ thống cảm biến. 5G, kết hợp với AI, điện toán biên, IoT và thực tế mở rộng (XR), có thể cho phép các doanh nghiệp nhận ra toàn bộ lợi ích của những tiến bộ công nghệ này.

Tóm lại, tác động của 5G đối với nền kinh tế sẽ rất đáng kể và nó sẽ tạo thêm động lực cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự tăng tốc của Internet vạn vật. Khả năng truyền dữ liệu một cách nhanh chóng theo thời gian thực và đáng tin cậy của 5G sẽ mang lại lợi ích to lớn cho các cảm biến và bộ điều khiển được lắp đặt trong các phương tiện, máy móc và chuỗi hậu cần trong các ngành công nghiệp./.

Tin mới