Công nghệ mã hóa: vũ khí mới của khủng bố

(Baonghean.vn) - Nhiều quan chức trong chính quyền Obama khẳng định Nhà nước Hồi giáo (IS) đã sử dụng một loạt công nghệ mã hóa trong hơn 1 năm qua. Một số công nghệ tốt nhất lại là các ứng dụng được cung cấp miễn phí, dễ tiếp cận như Signal, Wickr và Telegram, có chức năng mã hóa tin nhắn từ điện thoại di động.

Những quan chức này ngầm ám chỉ rằng các công nghệ mã hóa khác không an toàn như các băng nhóm khủng bố và tội phạm nghĩ, và rõ ràng họ không muốn chúng đoán được công nghệ nào nằm trong khả năng “thâm nhập” của NSA.

Chú thích: Kênh của IS trên ứng dụng Telegram - một trong những ứng dụng nhắn tin mã hoá
Chú thích: Kênh của IS trên ứng dụng Telegram - một trong những ứng dụng nhắn tin mã hoá "ưa thích" của tổ chức khủng bố này. Ảnh: Internet

2 tuần trước, phiến quân IS đã sử dụng Telegram để tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ bắn rơi máy bay Nga tại bán đảo Sinai khiến 224 người thiệt mạng. Một lần nữa, chúng lại sử dụng ứng dụng này hồi tuần trước để nhận trách nhiệm về vụ thảm sát ở Paris, bằng cả ngôn ngữ Arập, Anh và Pháp. 

Hiện chưa rõ liệu chúng có sử dụng dịch vụ nhắn tin bảo mật của Telegram để mã hóa các cuộc hội thoại riêng tư hay không. Có khả năng những phần tử tấn công Paris đã trực tiếp gặp nhau để lên kế hoạch, đặc biệt là khi một số kẻ từng sống trong cùng một khu vực ở Brussels, Bỉ. Nhưng nếu tồn tại một trung tâm chỉ huy ở Syria hay ở nơi nào khác, sẽ cần đến một hình thức thông tin liên lạc.

IS dùng Telegram để ra tuyên bố nhận trách nhiệm về các vụ tấn công. Ảnh: Internet
IS dùng Telegram để ra tuyên bố nhận trách nhiệm về các vụ tấn công. Ảnh: Internet

Vụ tấn công vừa rồi đã khơi mào lại những tranh luận chua cay giữa giới tình báo Mỹ và Thung lũng Silicon về công nghệ mã hóa “từ đầu này sang đầu kia”. Chỉ 1 tuần trước, vấn đề tưởng như đã tạm thời được dàn xếp, khi Tổng thống Obama cho rằng việc buộc các công ty công nghệ cung cấp chìa khóa giải mã các đoạn hội thoại và dữ liệu đã được bảo vệ là không hiệu quả.

Apple hiện đã đưa công nghệ mã hóa trở thành một phần tiêu chuẩn trong dịch vụ nhắn tin iMessage của hãng. Giám đốc điều hành của Apple, Timothy D. Cook, kiên quyết bảo vệ công nghệ mà theo đó chìa khóa giải mã tin nhắn do người sử dụng ở 2 đầu cuộc hội thoại nắm giữ.

Ông Cook đã tranh luận với ông Obama rằng, chỉ có như vậy mới thuyết phục được khách hàng rằng dữ liệu quan trọng nhất mà họ lưu trữ trong điện thoại  không bị tiếp cận bởi tội phạm an ninh mạng hoặc các quốc gia khác thông qua xâm nhập hoặc bằng trát của tòa án.

Ông Cook cho rằng các điều tra viên có nhiều cách để thu thập manh mối quan trọng từ “siêu dữ liệu” về những người sử dụng điện thoại, từ thông tin trên đám mây Internet hoặc bằng việc xâm nhập thiết bị của mục tiêu.

Tuy vậy, tốc độ của làn sóng mã hóa đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trong giới chức hành pháp và tình báo. Thủ tướng Anh David Cameron hồi cuối năm ngoái đã đe dọa sẽ cấm những công nghệ như vậy, song sau đó ông đã rút lại ý định của mình. 

Ông Michael Morell, nguyên Phó Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho biết: “Tôi nghĩ rằng việc này sẽ mở ra một cuộc tranh luận hoàn toàn mới về an ninh và tính riêng tư”.

Phát biểu với kênh CBS hồi cuối tuần qua, ông nói: “Chúng ta đã có một cuộc tranh luận công khai về Edward Snowden”, cựu nhân viên NSA tiết lộ thông tin về những nỗ lực của cơ quan này nhằm bẻ khóa mã hóa. Ông Morell cho rằng một cuộc tranh luận mới sẽ “nổ ra bởi những điều đã xảy đến ở Paris”.

Không lâu trước sự việc tại Paris, giới chức Bỉ đã khẳng định các phần tử khủng bố của IS che giấu trao đổi thông tin liên lạc thông qua việc sử dụng các công cụ trò chơi trực tuyến như PlayStation 4 của Sony. 

Jan Jambon, Bộ trưởng Nội vụ Bỉ, phát biểu trước công chúng hồi tuần trước: “Thậm chí còn khó theo dõi PlayStation 4 hơn cả WhatsApp”, một hệ thống nhắn tin phổ biến thuộc sở hữu của Facebook.

Các phần tử khủng bố ở Paris được cho là đã trao đổi thông tin qua mạng Play Station Network của Sony. Ảnh: Internet
Các phần tử khủng bố ở Paris được cho là đã trao đổi thông tin qua mạng Play Station Network của Sony. Ảnh: Internet

Các chuyên gia an ninh phản bác rằng ngay cả công nghệ mã hóa từ người dùng đến người dùng cũng bỏ sót nhiều dữ liệu để xác định ai đang trò chuyện với ai, ở đâu và vào thời điểm nào. Matt Blaze, chuyên gia an ninh máy tính thuộc Đại học Pennsylvania khẳng định:

“Mã hóa thực sự có hiệu quả gây khó khăn trong việc tiếp cận nội dung trao đổi thông tin, nhưng không có hiệu quả che giấu sự tồn tại của việc trao đổi thông tin”.

 “Mọi công nghệ mã hóa trên thế giới đều không có tác dụng nếu điểm cuối nắm giữ chìa khóa giải mã bị tấn công. Vì vậy cần lưu ý thêm về ý kiến cho rằng mã hóa khiến các trao đổi liên lạc của bọn khủng bố trở nên hoàn toàn bí mật”.

Ngay cả khi Apple và các hãng khác tại Mỹ bị buộc phải làm yếu đi hệ thống mã hóa trong các dịch vụ của họ, giới chức Mỹ vẫn không có thẩm quyền pháp lý đối với Telegram, dịch vụ nhắn tin của Đức mà IS mới đây đã sử dụng để phát tán các thông cáo của lực lượng này.

Thu Giang

(Theo NYTimes)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới