Công nghệ VAR và chuyện xung quanh 'mắt thần'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Ở nước ta, trong khi các môn thể thao khác đã khá quen với việc áp dụng công nghệ hỗ trợ trọng tài trong thi đấu như bóng chuyền chẳng hạn, thì bóng đá V-League đang học việc công nghệ.

Quãng nghỉ gần 50 ngày của V-League 2023 nói là để U20 Việt Nam thi đấu tại vòng chung kết châu Á, để tập trung Đội tuyển Việt Nam và U22 Việt Nam chuẩn bị bảo vệ Huy chương Vàng SEA Games 31, nhưng thực chất là để đào tạo đội ngũ trọng tài, tiến tới áp dụng công nghệ VAR trong thi đấu V-League. Đó là điều đáng mừng khi thể thao Việt Nam nói chung, bóng đá nói riêng từng bước bắt kịp xu thế mới trong điều hành bóng đá hiện đại, dù so với thế giới chúng ta luôn đi sau và chậm lại một khoảng cách khá xa.

Màn hình hỗ trợ trọng tài được đặt ở giữa sân vận động, phía sau đường pitch. Ảnh: Getty.

Màn hình hỗ trợ trọng tài được đặt ở giữa sân vận động, phía sau đường pitch. Ảnh: Getty.

Thực tiễn việc áp dụng công nghệ vào thi đấu bóng đá ở các nền bóng đá tiên tiến, cũng như thực tiễn thi đấu của Đội tuyển Việt Nam tại Vòng loại thứ 3 World Cup 2022 vừa qua và cả giải vô địch bóng chuyền quốc gia hiện nay cho thấy nhu cầu cấp thiết của việc làm này. Một lợi thế không nhỏ là những điểm mạnh nhất, những điểm yếu nếu có của công nghệ hỗ trợ trọng tài thời gian qua sẽ giúp chúng ta tránh được những bài học vỡ lòng không đáng có, để thực hiện những gì được cho là tốt nhất nhằm thực sự mang lại hiệu quả, chất lượng thi đấu, đảm bảo khách quan nhất, công bằng nhất có thể cho các đội bóng và cầu thủ.

Nhưng nói cho cùng, công nghệ là máy móc, là khách quan, nhưng xem xét, quyết định lại là con người nên thực tế vẫn xảy ra những sai sót đáng tiếc, ảnh hưởng tới kết quả trận đấu, thậm chí thành tích của một đội bóng trong một mùa giải. Câu chuyện trọng tài VAR và Arsenal ở Giải Ngoại hạng Anh là một minh chứng hùng hồn cho nhận định nói trên.

Khóa học VAR tại trụ sở VPF. Nguồn thanhnien.vn

Khóa học VAR tại trụ sở VPF. Nguồn thanhnien.vn

Trọng tài Lee Mason từng có 15 năm cầm còi ở Giải Ngoại hạng Anh, nhưng với sai lầm không kẻ vạch xác định lỗi việt vị dẫn đến công nhận bàn thắng cho Brentford, cuối cùng đã không tiếp tục được làm việc tại giải đấu sôi động và chất lượng nhất nhì hành tinh này. Không những thế, trước nhiều sai sót mà VAR gây ra, sau trận Arsenal-Brrentford là trận Brighton- Palace, cơ quan chuyên trách công nghệ này đã phải họp khẩn và xử lý rốt ráo mọi việc liên quan. Tuy vậy, tiếng còi quyết định của các trọng tài chính sau khi cẩn trọng tham khảo VAR đã vang lên, Arsenal-ứng viên vô địch vẫn mất 2 điểm đáng tiếc, không thể lấy lại được nên điều cần nhất vẫn là sự công minh của chính con người sử dụng máy móc, công nghệ trong trường hợp này.

Như vậy, nhờ áp dụng công nghệ, mọi quyết định của trọng tài trên sân đã chính xác hơn, công bằng hơn trong nhiều trường hợp. Nhưng không phải mọi việc đã hoàn toàn được xử lý như nhiều người mong đợi. Cảm xúc của cầu thủ, của cổ động viên liên tục bị thử thách khi niềm vui thực sự chỉ đến sau thời gian chờ đợi, tham khảo VAR. Niềm vui ập đến nhưng ngay lập tức nỗi thất vọng cũng ập đến, nếu VAR tìm ra lỗi, nếu VAR buộc tất cả phải dừng lại, phải thay đổi thái độ trong tích tắc. Đội tuyển lừng danh Brasil hồi World Cup 2014 trên sân nhà thi đấu cực hay nhưng thất vọng tràn trề vì VAR vào cuộc, phá nát trận đấu vì các lỗi việt vị mà cầu thủ tấn công mắc phải liên tiếp, như một thói quen lâu nay rất khó bỏ.

Không chỉ trong bóng đá, mà quần vợt hay bóng chuyền cũng có tình trạng tương tự. Trận đấu luôn phải dừng lại để giải quyết quyền khiếu kiện của đội bóng hay các tay vợt. Có khi khiếu kiện là đúng nhờ công nghệ xác định điểm rơi của bóng hay tình huống bóng đã chạm tay hay chưa. Nhưng cũng có khi khiếu kiện là để làm giảm đà hưng phấn của đối thủ mà các huấn luyện viên áp dụng như một phương sách nhằm giúp đội nhà cân bằng trở lại.

Màn hình VAR được lắp đặt trên sân Mỹ Đình. Ảnh: FPT Play

Màn hình VAR được lắp đặt trên sân Mỹ Đình. Ảnh: FPT Play

Để nói rằng, áp dụng công nghệ hỗ trợ trọng tài nói chung, các công nghệ VAR (trợ lý trọng tài video) hay Goal-line là điều cần thiết để các môn thể thao đạt chất lượng cao hơn, giảm thiểu mọi sai sót không đáng có của công tác trọng tài, điều luôn gây bức xúc trong dư luận, luôn để lại nhiều dư vị không đáng có trong đời sống thể thao lâu nay.

Với V-League, sau chuyến tập huấn đang được cho là quan trọng và cần thiết hiện nay, hy vọng mỗi lần VAR vào cuộc là đem lại một kết quả tích cực trong mỗi trận đấu. Hy vọng VAR sẽ không làm lợi cho ai, cũng không làm hại bất cứ ai mà chỉ phục vụ tốt nhất những gì mắt thường không nhìn thấy, những gì xảy ra trong một tích tắc mà người trần mắt thịt cũng không có đáp án chính xác tức thì. Chỉ có công nghệ-mắt thần làm được điều đó, để giúp con người có được kết quả tốt nhất có thể, đưa ra quyết định chính xác nhất sau khi có “mắt thần” hỗ trợ, mách bảo./.

Tin mới