Công Phượng - canh bạc của HLV Park Hang-seo

Chỉ có 2 ngày tập luyện ở đội tuyển Việt Nam, cùng 28 phút thi đấu cho đội 1 của Sint Truident, việc Công Phượng được triệu tập còn gây nhiều tranh cãi.
Công Phượng - canh bạc của HLV Park Hang-seo ảnh 1

Từ sau King's Cup 2019 hồi tháng 6, Công Phượng không còn được thi đấu nhiều. Ảnh: Đức Đồng.

Về nguyên tắc, gọi Công Phượng không có gì bất thường - ít nhất là lần này vì thời gian không cho phép HLV Park Hang-seo thử nghiệm. Các cầu thủ đang chấn thương như Trọng Hoàng hay Văn Hậu mà ông còn mạo hiểm, thì trường hợp của Công Phượng sẽ ít rủi ro hơn. Dù không vào sân thường xuyên, anh vẫn phải duy trì cường độ tập luyện ở Bỉ. Môi trường chuyên nghiệp đó chắc chắn sẽ giữ cho anh trạng thái tốt, nhất là khi tập luyện với mong muốn được thi đấu. Khao khát chơi bóng chính là điều HLV Park cần trong trường hợp đưa Công Phượng vào sân ở trận đấu với Thái Lan, một khi tình thế bất lợi.

Đây là đợt trận nằm trong FIFA Day. Theo quy định, số thời gian tối đa mà một cầu thủ có thể tập trung cùng đội tuyển quốc gia chỉ là 4 ngày, bao gồm cả ngày thi đấu. Với FIFA Day, HLV nào cũng sẽ sử dụng tối đa đội hình ở trận đấu gần nhất, nhất là nếu trận đó đội bóng của họ chơi tốt. Nguyên tắc "không thay đổi công thức chiến thắng" là bất di bất dịch đối với các HLV. Từ King’s Cup đến nay, đội tuyển Việt Nam không có đợt tập trung nào để HLV Park Hang-seo thử nghiệm nên việc triệu tập đến 19 gương mặt cũ hồi tháng 6 là dễ hiểu. 

Lấy ví dụ đội tuyển Anh, sau thành công ở World Cup 2018 thì đến trận đầu tiên tại vòng bảng UEFA Nations League gặp Tây Ban Nha, HLV Gareth Southgate giữ đến 17 người có tên trong danh sách đăng ký ở trận tranh giải Ba World Cup với Bỉ cách đó 3 tháng. Nếu cho đó là thời gian nghỉ hè, giữ đội hình là đương nhiên, thì ở trận bán kết Nations League với Hà Lan hồi tháng 6, gần tròn 1 năm so với trận gặp Bỉ, đội hình đội tuyển Anh vẫn còn đến 14 người. Số bị loại chủ yếu là các cựu binh đã luống tuổi. So sánh thì khập khiễng, nhưng cách xây dựng đội ngũ hiện tại của HLV Park Hang-seo gần như tương đồng với Southgate, tất cả đều dựa trên nền móng của một đội bóng U23 trước đây.

HLV Park chỉ có tối đa 5 ngày trước khi chốt danh sách sang Thái Lan và cũng chỉ được sử dụng tối đa 14 cầu thủ thi đấu. Như vậy, ngoại trừ trường hợp buộc phải đổi người do chấn thương, con số 19 người tại King’s Cup đã là thừa. Những nhân tố của HAGL như Tuấn Anh, Xuân Trường hay Công Phượng... hoàn toàn có thể là những dự bị chiến lược. Bởi, nếu HLV Park cần hai hay nhiều phương án cho một trận đấu, thì vẫn phải ưu tiên những người đã quen với các thay đổi cấp thiết đó.

Trước đây, Việt Nam có thói quen tập trung dài ngày, tối thiểu 2 tuần, gọi lên hơn 30 cầu thủ để ráp nối đội hình. Nhưng cách làm đó cũng chẳng đưa bóng đá Việt Nam đi đến đâu. Cựu HLV Alfred Riedl là người phản đối nhiều nhất kiểu tập trung này vì nó chỉ làm cho công việc của ông phức tạp một cách không cần thiết. Góp ý mãi không xong, ông thầy người Áo gần như đóng khung đội hình, khiến nhiều cầu thủ bị gán cho tên gọi "con nuôi Riedl" vì cứ mặc định lên tuyển bất chấp phong độ ra sao. Từng có những bất mãn công khai của tiền vệ Vũ Minh Hiếu và sau này là tiền đạo Lê Công Vinh với HLV Riedl xuất phát từ lý do này. 

Nhưng lần trở lại này của Công Phượng, quả là canh bạc quá lớn của HLV Park Hang-seo. Ông yêu quý Công Phượng, đó là chi tiết không thể bàn cãi. Cũng khó có HLV nào không quý một cầu thủ nghị lực, giàu năng lượng tích cực và... biết vâng lời như thế. Việc HLV dành cho một hoặc hai cầu thủ nào đó những đặc ân trong tính toán chuyên môn, cũng không có gì xa lạ. Hoặc cũng có thể, HLV Park đang cố gắng sửa chữa những sai lầm của bầu Đức khi đưa Công Phượng đi quá xa. Hãy tưởng tượng đến việc Công Phượng không được Sint-Truiden sử dụng từ giờ cho đến cuối năm. Chỉ có những ngày ở đội tuyển quốc gia mới là lúc anh chạm được đến cảm giác thi đấu và tạo ra được sự tiến bộ cho cá nhân. Có thể sẽ không quá lời, nếu nói HLV Park đang "cứu" sự nghiệp của Công Phượng.

Nhưng bản thống kê 28 phút thi đấu từ sau King’s Cup là sự thật. Thế nên, hãy hy vọng Công Phượng đủ phong độ vào sân, tạo được điều đặc biệt trong trận đấu với Thái Lan, cho dù chỉ ở phút cuối để đá quả phạt góc quyết định như Xuân Trường tại King’s Cup. Khi đó ông Park sẽ đúng. Nhưng nếu Công Phượng không vào sân, sự có mặt của anh trên đội tuyển đồng nghĩa với việc đá lấy mất một cơ hội của ai đó. Tai hại hơn, nếu không có kết quả tốt trước Thái Lan, đó sẽ là lúc cần nói đến sự công bằng. Đó cũng nên là lần cuối mà Công Phượng có mặt ở đội tuyển cho đến khi anh có được suất đá chính trên đất Bỉ.

Trường hợp của Công Phượng, vì thế, không còn là chuyện cá nhân mà là vấn đề của đội tuyển - nhất là khi HLV Park đứng trước một trận đấu mà ông buộc phải thành công. Đối thủ ở phía bên kia, HLV Akira Nishino hầu như không có lợi thế nào cả. Thái Lan tập trung 33 người, trong đó có 10 tân binh và ông Nishino chỉ có tối đa 5 ngày vừa để tìm cách thắng Việt Nam, vừa trình diện cho công chúng Thái Lan một diện mạo mới.

Dù kết quả của trận này chưa phải là thảm họa cho đội nào thua trận, nó sẽ giải đáp một vấn đề: Liệu một đội bóng có đẳng cấp thì cần sự thích ứng với hoàn cảnh hay chỉ cần sự ổn định về con người quen thuộc để phục vụ cho lối chơi.

Tin mới