Công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng: Đồng hành, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị

(Baonghean.vn) - Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, công tác này phải bám sát, đồng hành, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Đây là lưu ý của lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ tỉnh Nghệ An trong nhiệm kỳ mới.

Thi hành kỷ luật đảng viên tăng

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng trong toàn Đảng bộ Nghệ An được quan tâm và thực hiện đạt kết quả cao. Cấp ủy các cấp đã hoàn thành đúng tiến độ các cuộc kiểm tra, giám sát theo chương trình, kế hoạch đề ra, chất lượng ngày càng được nâng lên; thực hiện đảm bảo thời gian, phấn đấu rút ngắn thời gian thẩm tra, xác minh và làm việc tại cơ sở nhằm không gây ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, đơn vị được kiểm tra, giám sát. Nội dung các cuộc kiểm tra, giám sát được xây dựng khá toàn diện, bao quát.

Đồng chí Bùi Thanh An - Uyr viên BTV Tỉnh ủy, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh uyr cùng đoàn công tác kiểm tra một số dự án trọng điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Ảnh: Thành Duy
Đồng chí Bùi Thanh An - Ủy viên BTV, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy cùng đoàn công tác kiểm tra một số dự án trọng điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Ảnh: Thành Duy

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung kiểm tra, giám sát ở các lĩnh vực dễ phát sinh sai phạm và dư luận xã hội quan tâm. Như năm 2018, kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với ban thường vụ và các đồng chí bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND tại một số huyện; năm 2019 đã kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, điều hành và sử dụng ngân sách Nhà nước tại TP. Vinh; năm 2020 kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Quy định của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân đối với ban thường vụ và các đồng chí bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND một số địa phương;…

Cấp ủy các cấp đã gắn kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng với kiểm tra, giám sát đảng viên là người đứng đầu; người được phân công phụ trách. Qua kiểm tra, giám sát đã nhắc nhở, chấn chỉnh các thiếu sót, khuyết điểm và xử lý nghiêm đối với những tập thể, cá nhân vi phạm. Cụ thể, cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 65 tổ chức Đảng (khiển trách 58, cảnh cáo 7), giảm 25,29% so với nhiệm kỳ 2010-2015, trong đó, có 26 đảng ủy, ban thường vụ đảng ủy cơ sở và 39 chi bộ, chi ủy bị thi hành kỷ luật.

Tuy nhiên, số đảng viên bị thi hành kỷ luật trong nhiệm kỳ 2015-2020 tăng so với nhiệm kỳ trước. Cụ thể, cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 3.834 đảng viên (khiển trách 2.970, cảnh cáo 723, cách chức 91, khai trừ 50), tăng 116,12% so với nhiệm kỳ 2010-2015, trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thi hành kỷ luật 6 đảng viên; ban thường vụ huyện ủy và tương đương thi hành kỷ luật 413 đảng viên; đảng ủy cơ sở thi hành kỷ luật 2.041 đảng viên;… Trong số các đảng viên bị thi hành kỷ luật có 479 trường hợp là cấp ủy viên các cấp. Bên cạnh đó, UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật 1.372 đảng viên (khiển trách 800, cảnh cáo 318, cách chức 44, khai trừ 210 đảng viên), tăng đến 180,57% so với nhiệm kỳ 2010-2015, trong số này có 265 trường hợp là cấp ủy viên các cấp bị thi hành kỷ luật.

Đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho thấy, nhiệm kỳ 2015-2020, việc xử lý kỷ luật đảng viên tăng nhiều so với nhiệm kỳ trước; cơ bản được xem xét, quyết định đúng thẩm quyền, áp dụng hình thức phù hợp, bảo đảm đúng phương châm, nguyên tắc, thủ tục, có tác dụng giáo dục, răn đe; giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình; đã kết hợp xử lý kỷ luật Đảng với kỷ luật hành chính, đoàn thể và bồi hoàn về vật chất.

Kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính tại thị trấn Hòa Bình (Tương Dương). Ảnh tư liệu: Lê Thanh
Kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính tại thị trấn Hòa Bình (Tương Dương). Ảnh tư liệu: Lê Thanh
Số liệu từ Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Nghệ An cho biết: Nhiệm kỳ 2015-2020, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 9.166 lượt tổ chức Đảng, 19.062 đảng viên; giám sát 10.058 lượt tổ chức Đảng, 13.101 lượt đảng viên. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kiểm tra 51 lượt tổ chức và 99 lượt đảng viên; giám sát 45 lượt tổ chức và 128 lượt đảng viên. UBKT các cấp kiểm tra 4.297 đảng viên, 2.314 tổ chức Đảng khi có dấu hiệu vi phạm; giám sát chuyên đề 6.225 lượt tổ chức và 8.777 lượt đảng viên. 

Cấp tỉnh về kiểm tra cấp xã

Vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng nhiệm kỳ 2015-2020; triển khai phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020-2025. Dự và chỉ đạo hội nghị, đồng chí Hoàng Văn Trà - Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương ghi nhận và đánh giá cao kết quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ tỉnh Nghệ An trong suốt nhiệm kỳ. Đặc biệt, nhận thức của cấp ủy, UBKT các cấp, đội ngũ cán bộ, đảng viên về công tác kiểm tra, giám sát ngày càng tốt lên.

Số lượng các cuộc kiểm tra tăng lên, chất lượng được nâng cao. Đặc biệt, điều quan trọng theo Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương là hiệu quả của công tác kiểm tra đã phục vụ tốt cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đảng bộ, cơ quan, đơn vị, địa phương. “Công tác kiểm tra phải bám sát, đồng hành, phục vụ nhiệm vụ chính trị. Nghệ An đã làm được việc đó” - Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương đánh giá,

“Chúng ta làm tốt công tác kiểm tra bao nhiêu thì tạo được môi trường phát triển tốt, thu hút đầu tư tốt, cạnh tranh lành mạnh”.

Đồng chí Hoàng Văn Trà - Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương cũng lưu ý, Nghệ An cần thực hiện tốt hơn công tác giám sát thường xuyên; đồng thời tăng cường giám sát chuyên đề đối với những vấn đề nhạy cảm, bức xúc trên các lĩnh vực như: quản lý đất đai, đầu tư công, công tác cán bộ… nhưng chưa đến mức phải kiểm tra dấu hiệu vi phạm; chủ yếu sau giám sám tự rà soát, tự sửa và báo cáo lên. Tuy nhiên, lãnh đạo UBKT Trung ương cũng lưu ý, khi giám sát chuyên đề với một tổ chức cụ thể thì phải giám sát cả những người đứng đầu, lúc đó mới ra vấn đề được.

Lãnh đạo xã Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn) kiểm tra, trao đổi công việc với cán bộ chuyên môn. Ảnh: Thành Duy
Lãnh đạo xã Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn) kiểm tra, trao đổi công việc với cán bộ chuyên môn. Ảnh: Thành Duy

Bên cạnh đó, tỉnh cần thực hiện tốt hơn công tác kiểm tra dấu hiệu vi phạm; muốn vậy, trước hết là phải chủ động; nếu cần thiết có thể thực hiện kiểm tra cách cấp, tức là UBKT Tỉnh ủy có thể xuống tận xã để kiểm tra. “Nhiệm kỳ vừa rồi, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thực hiện kiểm tra cách cấp đối với Đảng bộ Công an Đồng Nai, Thành ủy Trà Vinh…; qua đó cho thấy kết quả là tính lan tỏa cao; kiểm tra một nơi thì nhiều nơi chấn chỉnh, củng cố ngay, đồng thời cũng nhắc nhở cấp ủy cấp trên trực tiếp phải quan tâm đến công tác kiểm tra, nếu không cấp trên sẽ xuống kiểm tra”, đồng chí Hoàng Văn Trà chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn thực hiện phương pháp kiểm tra các cấp của UBKT Trung ương.

Định hướng cho công tác kiểm tra, giám sát của Đảng nhiệm kỳ mới, tại hội nghị, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh quan điểm, công tác kiểm tra của Đảng phải gắn liền với công tác tổ chức, tư tưởng, thậm chí là công tác dân vận, vì suy cho cùng sau kiểm tra phải tạo được sự thống nhất, đoàn kết trong nội bộ, củng cố niềm tin của nhân dân, đây mới là kết quả cao nhất, cần hướng đến. Mặt khác, cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát thông qua xây dựng chương trình sát với thực tiễn; giám sát phải mở rộng; kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, nhất là những lĩnh vực tác động mà có liên quan đến quyền hạn cán bộ, đảng viên, tổ chức; đồng thời, cần tăng cường kiểm tra dấu hiệu vi phạm, nhất là đối với diện cấp ủy cùng cấp và cấp ủy quản lý.

Tin mới