Công thức nhận biết hàng giả, hàng nhái

(Baonghean) - Mỗi dịp Tết đến Xuân về, thị trường vào mùa sôi động nhất trong năm, cũng là dịp bùng nổ nạn sản xuất và phân phối hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Mỗi dịp Tết đến Xuân về, thị trường vào mùa sôi động nhất trong năm, cũng là dịp bùng nổ nạn sản xuất và phân phối hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Trên thị trường, nhất là hàng tiêu dùng, các hàng hóa thường được nhập từ nhiều nơi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, khiến người tiêu dùng khó phân biệt được hàng thật, hàng giả và dễ bị ảnh hưởng đến cả túi tiền, lẫn sức khỏe…
Một sản phẩm đáng tin cậy thì thông tin sản phẩm, thông tin doanh nghiệp phải đầy đủ và rõ ràng. Bởi vậy phân biệt hàng giả-thật bằng mã số ngày càng thông dụng. Trên trang mạng đang phổ biến cách phân biệt hàng giả qua công thức tính mã vạch là: “Tổng lẻ cộng tổng chẵn nhân ba cộng số cuối cùng phải là 0”.
Theo nguyên tắc “Mỗi doanh nghiệp sản xuất thì chỉ được cấp duy nhất 1 mã số doanh nghiệp và mỗi sản phẩm cũng chỉ có duy nhất 1 barcode cho hết vòng đời sản phẩm”. Barcode là một dạng mã vạch phải đăng ký và được cấp phép bởi tổ chức mã số mã vạch GS1, bao gồm các chữ số, trong đó thể hiện các thông tin liên quan đến sản phẩm, bao gồm: mã quốc gia, mã doanh nghiệp, mã sản phẩm và cuối cùng là mã kiểm tra. Mã vạch có 2 loại gồm 8 con số và mã vạch gồm 13 con số; trong đó, 3 chữ số đầu tiên của mã vạch chỉ quốc gia xuất xứ hàng, ví dụ nếu 3 chữ số đầu là 893 thì hàng này được sản xuất ở Việt Nam, còn nó là 690, 691, 692, 693 là của Trung Quốc, 880 là của Hàn Quốc, 885 là của Thái Lan, 000-019 là của Mỹ…  
Nồi cơm điện nhái thương hiệu Toshiba bán trên phố Quang Trung (TP.Vinh). Ảnh: Việt Phương
Nồi cơm điện nhái thương hiệu Toshiba bán trên phố Quang Trung (TP.Vinh). Ảnh: Việt Phương
Doanh nghiệp, cá nhân nào đó có thể làm hàng giả, hàng nhái nhưng thường không dám làm giả mã vạch của hàng thật, vì nếu làm vậy, công ty sản xuất hàng thật sẽ kiện ra tòa vì tội ăn cắp, sao chép mã vạch với các mức phạt rất nặng, đặc biệt khi quốc gia đó có thể chế tư pháp mạnh, độc lập và khó  “chạy án”…
Để nhận biết hàng thật giả, theo công thức chung tính mã vạch nêu trên, ta lấy tổng của các con số hàng chẵn nhân với 3, rồi cộng với tổng với các chữ số hàng lẻ (trừ số thứ 13 ra, số thứ 13 là số để kiểm tra, đối chiếu), sau đó cộng với số cuối cùng, nếu tổng có đuôi là số 0 là hàng thật, còn nếu khác 0 là giả! 
Ví dụ: Kiểm tra mã vạch của Hàn Quốc có phải là hàng thật không qua mã vạch gồm 13 con số cụ thể sau: 8809013350421
Tổng các con số hàng lẻ (trừ số cuối cùng) : A=8+0+0+3+5+4 = 20
Tổng các con số hàng chẵn: B=8+9+1+3+0+2=23
C=A + Bx3 = 20+ 23x3= 109
D= C + 1 (con số 1 ở vị trí 13 cuối cùng) = 109+1=120; 
Kết quả 120 này có đuôi bằng 0. Vậy đây là hàng thật.
Ngoài ra, hàng thật, hàng tốt luôn có chất lượng, màu sắc, độ cứng, mềm, đàn hồi và mùi hương đặc trưng theo quy chuẩn được người sản xuất công bố công khai và người mua có thể phân biệt bằng cách quan sát, so sánh và thậm chí đề nghị dùng thử.
Để chống nạn hàng giả, hàng nhái, bảo vệ người tiêu dùng và đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, cần có sự nhận thức đúng đắn, thống nhất và sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, sự chủ động của các cơ quan chức năng và người dân tạo áp lực buộc doanh nghiệp và người kinh doanh coi việc bảo đảm quyền của người tiêu dùng, quyền cho người dân và khách hàng vừa là mục tiêu, vừa là động lực và giải pháp quyết định sự phát triển kinh doanh bền vững của  mình và xã hội.
Một mặt, Nhà nước cần tăng cường năng lực thể chế chính thức và phi chính thức, nhà nước và ngoài nhà nước, từ trung ương đến địa phương; Kiện toàn bộ máy và phân công rõ ràng, trách nhiệm cá nhân cụ thể, tăng cường kết nối và phối hợp chặt chẽ với nhau, đẩy mạnh tuyên truyền, thanh tra kiểm tra, thành lập và giới thiệu các tổng đài, số điện thoại nóng, các trang tin, kịp thời nhận diện, thông báo và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh  nghiệp làm ăn chân chính. 
Mỹ phẩm nhập lậu bị lực lượng QLTT Nghệ An thu giữ. Ảnh: Việt Phương
Mỹ phẩm nhập lậu bị lực lượng QLTT Nghệ An thu giữ. Ảnh: Việt Phương
Mặt khác, người dân cũng cần nhận thức đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của mình, vượt qua tâm lý ngại khiếu nại, ngại thủ tục, thời gian giải quyết lâu, chi phí cao…để chủ động khiếu nại, tố cáo, phổ biến thông tin và thực thi quyền người tiêu dùng, tạo áp lực xã hội và thị trường đủ mạnh, cho phép ngăn chặn và trừng phạt nghiêm khắc các hành vi sai trái của doanh nghiệp và người kinh doanh cố tình vi phạm pháp luật và coi thường lợi ích xã hội.
Bên cạnh đó, các hiệp hội và mỗi doanh nghiệp cần đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội của mình hướng về cung cấp thông tin về hàng hóa của mình đầy đủ, công khai và thuận lợi cho người dùng biết, bảo đảm quyền người tiêu dùng, coi đó là động lực cho sự phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp và đất nước…

Tin mới