Công ty Cổ phần Mía đường Sông Con: Bám đồng cùng nhà nông phòng trừ sâu bệnh hại mía

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Hiện mía đang vào thời kỳ vươn lóng, tuy nhiên, nhiều diện tích đã xuất hiện rệp xơ bông trắng gây hại trên mía. Để đảm bảo trữ lượng đường, đảm bảo chất lượng mía lưu gốc cho các vụ tiếp theo, hiện, Công ty cổ phần Mía đường Sông Con đang dồn sức cùng người trồng mía tập trung phòng trừ sâu bệnh gây hại ở các vùng nguyên liệu…

50% diện tích nhiễm bệnh rệp xơ bông trắng

Hiện tại mía đang ở giai đoạn vươn lóng, tích đường. Ảnh: Thanh Phúc

Hiện tại mía đang ở giai đoạn vươn lóng, tích đường. Ảnh: Thanh Phúc

Thời điểm này, vùng nguyên liệu mía ở Tân Long (Tân Kỳ) mía đang ở giai đoạn vươn lóng. Những cánh đồng mía xanh, tốt, thân cây mập mạp hứa hẹn một mùa mía bội thu. Vậy nhưng, thời tiết mưa nhiều, nắng ít đã khiến nhiều diện tích mía bị nhiễm rệp xơ bông trắng. Rệp xơ bông trắng có tên khoa học là Ceratovacuna lanigera là một loài dịch hại nguy hiểm không những đối với sinh trưởng và phát triển của cây mía mà còn có ảnh hưởng xấu đến năng suất và chất lượng đường.

Theo ông Nguyễn Sỹ Hải - Trưởng ban Sản xuất nguyên liệu, Công ty CP Mía đường Sông Con phân tích, thì có hai dạng rệp có cánh và không cánh, rệp có cánh tuy chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trong quần thể rệp nhưng có tác hại không kém rệp không cánh vì có thể di chuyển và lây lan từ ruộng này sang ruộng khác, từ vụ trước đến vụ sau. Ảnh hưởng của loài rệp này lên năng suất và chất lượng mía rõ nhất là khi chúng phát sinh thành dịch, trong điều kiện nóng ấm, ẩm độ cao, cây mía đang sinh trưởng mạnh và trong quá trình tích lũy đường đặc biệt là trên những ruộng mía um tùm thiếu ánh sáng.

Thời tiết mưa nhiều, nắng ít đã khiến nhiều diện tích mía bị nhiễm rệp xơ bông trắng. Ảnh: Thanh Phúc

Thời tiết mưa nhiều, nắng ít đã khiến nhiều diện tích mía bị nhiễm rệp xơ bông trắng. Ảnh: Thanh Phúc

Rệp sống tập trung ở lưng lá mía, dọc theo gân lá để chích hút dịch cây, trực tiếp ảnh hưởng đến sinh trưởng của mía, mặt khác, chất bài tiết của rệp là môi trường tốt cho bệnh muội đen phát triển trên lá và thân mía ảnh hưởng đến sự quang hợp của cây khiến cây mía sinh trưởng kém, còi cọc, giảm năng suất và chữ đường, nếu bị hại nặng thì ngọn mía không thể làm giống, mất khả năng nảy mầm, gốc thì không mọc chồi được, ảnh hưởng lớn đến mật độ của vụ mía lưu gốc.

Khi thời tiết trở nên phù hợp hơn để rệp có cánh nhiều sẽ thuận lợi cho sự di trú từ nơi này sang nơi khác, quần thể rệp phát triển mạnh vào giữa và cuối vụ mía thì khả năng lây lan từ ruộng mía lớn sang ruộng mía nhỏ mới vươn lóng là rất lớn. Do đó, thời điểm này, người dân phải thường xuyên kiểm tra ruộng mía, kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ rệp.

Bệnh rệp xơ bông trắng rất nguy hiểm, nếu không được phòng trừ kịp thời thì không những ảnh hưởng đến chất lượng mía, giá thành mía mà còn tác động xấu đến diện tích mía lưu gốc, thiệt hại các mùa vụ sau. Ảnh: Thanh Phúc
Bệnh rệp xơ bông trắng rất nguy hiểm, nếu không được phòng trừ kịp thời thì không những ảnh hưởng đến chất lượng mía, giá thành mía mà còn tác động xấu đến diện tích mía lưu gốc, thiệt hại các mùa vụ sau. Ảnh: Thanh Phúc

Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, đã có trên 2.000/4.500 ha mía nguyên liệu của Công ty CP Mía đường sông Con bị nhiễm bệnh rệp xơ bông trắng ở nhiều mức độ khác nhau và xuất hiện rải rác ở các vùng trồng. “Năm nay, thời tiết thất thường, mưa sớm và dày đặc hơn các năm trước. Ít nắng, nhiều mưa song khí hậu lại oi bức là điều kiện lý tưởng để dịch hại rệp xơ bông trắng bùng phát trên cây mía. Thực tế thì năm nay, rệp xuất hiện sớm, lây lan nhanh hơn các năm trước, nếu không được phòng trừ kịp thời thì không những ảnh hưởng đến chất lượng mía, giá thành mía mà còn tác động xấu đến diện tích mía lưu gốc, thiệt hại các mùa vụ sau…”, ông Nguyễn Sỹ Hải cho biết.

Cán bộ nông vụ bám đồng cùng bà con

Những ngày này, người dân các vùng trồng mía bám ruộng chăm sóc mía: dọn lá mía, phun thuốc phòng trừ và tiêu huỷ lá mía bị bệnh. Ảnh: Thanh Phúc

Những ngày này, người dân các vùng trồng mía bám ruộng chăm sóc mía: dọn lá mía, phun thuốc phòng trừ và tiêu huỷ lá mía bị bệnh. Ảnh: Thanh Phúc

Xác định dịch hại rệp xơ bông trắng gây thiệt hại lớn đến ngành mía đường, đến thu nhập của người dân nên từ đầu vụ, lãnh đạo Công ty CP Mía đường Sông Con đã chủ động phương án phòng trừ dịch bệnh. Theo đó, công ty đã ký hợp đồng với các đối tác chuẩn bị 5 máy bay phun thuốc diệt rệp xơ bông trắng với mức giá ổn định là 2,2 triệu/ha (bao gồm chi phí phun và thuốc trừ rệp, đảm bảo rệp chết trên 95%. Số kinh phí này, nếu người dân chưa có, công ty sẽ hỗ trợ cho vay không tính lãi và thu hồi sau khi thu hoạch mía cây.

Đồng thời, bố trí 17 cán bộ nông vụ thường xuyên bám đồng, kiểm tra từng chân ruộng để phát hiện kịp thời các diện tích nhiễm bệnh; ứng dụng phần mềm quản lý để nhắn tin thông báo về mật độ rệp, mức độ gây hại, diện tích bị bệnh, khoanh vùng các thửa, luống bị bệnh đến người trồng.

Công ty đã ký hợp đồng với các đối tác chuẩn bị 5 máy bay phun thuốc diệt rệp xơ bông trắng với mức giá ổn định là 2,2 triệu/ha. Ảnh: Thanh Phúc

Công ty đã ký hợp đồng với các đối tác chuẩn bị 5 máy bay phun thuốc diệt rệp xơ bông trắng với mức giá ổn định là 2,2 triệu/ha. Ảnh: Thanh Phúc

Mặt khác, phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về việc phòng trừ rệp xơ bông trắng trên cây mía đến tận người dân. Anh Chu Văn Hùng, cán bộ nông vụ vùng nguyên liệu Tân Long, Tân Phú, Nghĩa Hoàn (Tân Kỳ) cho biết: “Đây là thời điểm vất vả nhất của anh em nông vụ. Ngày nào cũng bám đồng, kiểm tra các thửa ruộng, khi phát hiện ra mía nhiễm rệp thì lập tức thông báo đến người dân, cập nhật lên hệ thống của công ty và triển khai ngay các biện pháp phòng trừ”.

Nhờ được tham gia các lớp tập huấn cùng với sự đồng hành của công ty, cán bộ nông vụ nên người dân các vùng nguyên liệu mía nhận thức rõ việc cần thiết phòng trừ dịch hại rệp xơ bông trắng. Những ngày này, người dân các vùng trồng mía bám ruộng chăm sóc mía: dọn lá mía, phun thuốc phòng trừ và tiêu huỷ lá mía bị bệnh.

Tình hình dịch bệnh được cập nhật hàng ngày trên phần mềm quản lý mía nguyên liệu của công ty. Ảnh: Thanh Phúc
Tình hình dịch bệnh được cập nhật hàng ngày trên phần mềm quản lý mía nguyên liệu của công ty. Ảnh: Thanh Phúc

Anh Trần Văn Kiều, chủ hộ trồng mía ở Tân Long (Tân Kỳ) cho biết: “Với diện tích mía nhiều, do đó, chúng tôi phải thuê người tuốt lá để ruộng mía thông thoáng, giảm thiểu rệp xơ gây hại. Đồng thời, để cây mía đón ánh sáng, đạt chiều cao, đường kính lóng và chữ đường cao. Mía đảm bảo chất lượng thì nhà máy mới thu mua với giá cao, mình mới có lãi”.

Đây cũng là giai đoạn mía bắt đầu tích lũy đường nên bà con cũng đồng loạt bổ sung dinh dưỡng kịp thời và đầy đủ cho cây mía. Ngoài bón đạm, lân thì bổ sung thêm kali để cây mía cứng, ít đổ gãy khi mùa mưa bão sắp đến.

Cán bộ, nhân viên nông vụ bám đồng cùng người dân chăm sóc mía. Ảnh: Thanh Phúc
Cán bộ, nhân viên nông vụ bám đồng cùng người dân chăm sóc mía. Ảnh: Thanh Phúc

Niên vụ mía năm nay, vùng nguyên liệu mía của Công ty cổ phần Mía đường Sông Con có diện tích trên 4.500ha, tăng 1.500ha. Theo đánh giá, hiện mía đang phát triển tốt, dự kiến năng suất đạt từ 60-80 tấn/ha. Nếu chăm sóc tốt, đạt trữ đường cao thì giá sẽ cao, trừ mọi chi phí thì bà con còn lãi khoảng 30 - 50 triệu đồng/ha, gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác trên cùng đơn vị diện tích.

Tin mới