Công ty CP mía đường Sông Con: Xây dựng hàng chục cánh đồng mẫu lớn trồng mía

(Baonghean) -Với sự phối hợp chặt chẽ giữa huyện và doanh nghiệp cùng với nông dân, đến nay, đã có 10 xã của huyện Tân Kỳ thực hiện việc dồn điền đổi thửa, xây dựng mỗi xã một cánh đồng mía tập trung từ 50ha trở lên ứng dụng KHCN.
Nếu như niên vụ 2017- 2018 toàn huyện mới có 250 ha mía trồng thâm canh thì niên vụ 2018- 2019 này đã nâng lên gần 900 ha. Diện tích mía tập trung nhiều ở các xã Tân Xuân, Giai Xuân, Tân Phú, Kỳ Sơn, Tân Hợp, Nghĩa Đồng…
Đồn chí Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khảo sát vùng mía nguyên liệu của Công ty CP mía đường Sông Con. Ảnh: P.V
Đồn chí Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khảo sát vùng mía nguyên liệu của Công ty CP mía đường Sông Con. Ảnh: P.V
Xã Tân Phú (Tân Kỳ) có diện tích trồng mía lớn với 329 ha, rải đều trên 12 xóm. Bà Nguyễn Thị Huệ, cán bộ nông nghiệp xã Tân Phú cho biết: Sau khi huyện có chủ trương xây dựng cánh đồng mía lớn 50 ha, xã đã đi khảo sát và quyết định chọn xóm Thống Nhất làm điểm với diện tích là 80ha, bà con đều đồng tình ủng hộ.
Kết quả bước đầu cho thấy việc trồng cánh đồng mía tập trung đã giúp bà con tiết kiệm được thời gian, chi phí chăm sóc, máy móc  sản xuất là chủ yếu. Chị Lê Thị Hà là 1 trong 79 hộ dân của xóm Thống Nhất, xã Tân Phú tham gia mô hình cánh đồng mía tập trung, chia sẻ: “Nhà tôi có trên 1 ha mía, trước đây trồng rải rác tại một số điểm, nên thời gian chăm sóc bị kéo dài và chất lượng mía không cao. Niên vụ này, thấy xã có mô hình trồng mía tập trung, gia đình tôi đã tham gia ngay, nay đã thấy mía phát triển tốt nhờ được chăm sóc đồng bộ". 
Xã Kỳ Sơn cũng là một trong những địa phương có diện tích mía tập trung vượt kế hoạch đề ra. Để có thành quả đó là sự nỗ lực vận động của chính quyền địa phương và Công ty CP Mía đường Sông Con. Toàn xã hiện có 107 ha mía, trong đó đã hình thành được cánh đồng mía tập trung ứng dụng KHCN 74 ha tại 2 xóm Hùng Cường 1 và Hùng Cường 2.
Bà Tạ Thị Thủy - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn cho biết: Từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2017, nhà máy và địa phương đã làm việc để thống nhất triển khai cánh đồng mía tập trung. Từ tháng 8/2017, xã đã họp dân để quán triệt và lắng nghe ý kiến của bà con. Lúc đầu chỉ có 70 hộ tham gia, một số hộ khác vẫn chưa đồng ý thực hiện chủ trương này. Xã cùng với Nhà máy đường Sông Con trực tiếp vận động bà con, giải thích. Bên cạnh đó, Công ty đã đưa ra những cam kết về chính sách hỗ trợ cho bà con trồng mía, đảm bảo giá thu mua hợp lý, thu hoạch mía đúng thời vụ. Nhờ đó, số hộ dân tham gia đã tăng lên 104 hộ, diện tích trồng mía tập trung toàn xã đạt tỷ lệ 70% so với tổng diện tích mía.
Thực hiện việc đầu tư thâm canh mía theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, các xã ở Tân Kỳ được hỗ trợ thêm kinh phí từ chương trình NTM.
Về phía Công ty CP Mía đường Sông Con đã hỗ trợ nông dân cơ giới hóa các khâu trồng, làm đất, làm cỏ... với mức hỗ trợ 6,5 triệu đồng/ ha, giúp bà con tuyển chọn giống mía mới vào trồng, phân bón. Quá trình chăm sóc, Công ty tiếp tục hỗ trợ làm bằng máy với mức 2 triệu đồng/ha...
Bà con nông dân xóm Thống Nhất, xã Tân Phú (Tân Kỳ) chăm sóc cánh đồng mía ứng dụng KHCN. Ảnh: Quang An
Bà con nông dân xóm Thống Nhất, xã Tân Phú (Tân Kỳ) chăm sóc cánh đồng mía ứng dụng KHCN. Ảnh: Quang An
Ông Nguyễn Công Trung - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Kỳ cho biết: Sau khi có chủ trương xây dựng mỗi xã 50ha mía tập trung ứng dụng KHCN, các địa phương  đủ điều kiện đều nhiệt tình tham gia, vận động bà con chung tay xây dựng với tổng diện tích mía gần 900 ha. Trong đó có những xã có diện tích mía tập trung lớn, vượt kế hoạch đề ra như Giai Xuân 173ha, Tân Xuân 160ha, Tân Phú 80ha, Kỳ Sơn 74ha. Đây là cách làm giúp bà con giảm bớt chi phí đầu vào, giảm thiểu thời gian chăm sóc mà năng suất, chất lượng mía cũng được nâng cao. Năng suất mía đạt xấp xỉ 100 tấn/ ha.
Đối với những xã chưa thực hiện được, chúng tôi sẽ tiếp tục khảo sát để có phương pháp dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mía tập trung trong những niên vụ tới.
Nhờ đầu tư thâm canh đúng quy trình, mở rộng diện tích mía chất lượng cao theo cánh đồng mẫu lớn mà năm nay Tân Kỳ tăng 600 ha Mía so với kế hoạch đề ra. Vùng nguyên liệu của Công ty CP Mía đường Sông Con cũng mở rộng ở nhiều huyện. Diện tích mía năm 2018 của nhà máy đã đạt 7.600 ha, tăng 600 ha so với năm 2017. 
Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Đường Sông Con. Ảnh: Quang An
Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Đường Sông Con. Ảnh: Quang An
Bên cạnh thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cho người trồng mía, Công ty CP Mía đường Sông Con cũng đang tích cực triển khai làm những tuyến đường nội đồng để thuận lợi cho việc vận chuyển mía ở những cánh đồng xa, giao thông khó khăn. Đối với giống mía, công ty cũng đang áp dụng những giống mía năng suất cao, có độ đường ổn định, khả năng lưu gốc tốt như LK 92-11, KK3… vừa giúp nâng cao chất lượng nguyên liệu, đồng thời cũng nâng cao thu nhập cho người trồng mía.

Tin mới