Covid-19: ‘Ván cược’ cuối cùng trong cuộc đua của Tổng thống Trump

(Baonghean.vn) - Tổng thống Mỹ Donald Trump mắc Covid-19. Đó là một thông tin chấn động, gây hoang mang khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã cận kề. Nhưng đối với ông Trump, đây có thể là “ván cược” quan trọng trong cuộc đua năm nay.

“Rung chuyển” cuộc đua vào Nhà Trắng

Hơn bất cứ vị nguyên thủ nào khác, thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump dương tính với SARS-CoV-2 đã ngay lập tức trở thành “tin nóng” trên hầu khắp mặt báo quốc tế. Trong lịch sử Mỹ, chưa bao giờ có một Tổng thống ngã bệnh khi cuộc bầu cử đến rất gần và người đó còn là một ứng cử viên. Đại dịch không liên quan đến chính trị, đảng phái, nhưng việc Tổng thống Trump mắc Covid-19 đã làm “rung chuyển” cuộc đua năm 2020 theo một cách rất cơ bản với câu hỏi “ông ấy sẽ tiếp tục ra tranh cử như thế nào”.

Tổng thống Donald Trump rời Nhà Trắng đến Trung tâm quân y Walter Reed hôm 2/10/2020. Ảnh: Getty
Tổng thống Donald Trump rời Nhà Trắng đến Trung tâm quân y Walter Reed hôm 2/10/2020. Ảnh: Getty

Dưới góc độ y tế, việc ông Trump mắc Covid-19 là điều đáng lo ngại. Là một người lớn tuổi (74 tuổi), thừa cân, cholesterol cao và là nam giới - đó là những yếu tố có thể khiến ông có nguy cơ bị bệnh nặng khi nhiễm SARS-CoV-2. Trong khi các bác sỹ của Tổng thống Mỹ Trump nói rằng ông đang “rất ổn” thì truyền thông Mỹ lại nhận được nguồn tin nói rằng tình hình sức khỏe của ông đáng lo ngại. Rõ ràng có quá nhiều điều cần quan tâm thời điểm này.

Ông Trump hiện đã phải cách ly khỏi Nhà Trắng, chuyển đến khu điều trị quân y Walter Reed, ngoại ô Thủ đô Washington. Điều này có nghĩa các hoạt động tranh cử như vận động cử tri, diễn thuyết trực tiếp trong thời gian tới sẽ phải gác lại, bao gồm cả những chuyến thăm các bang chiến trường chủ chốt như Wisconsin, Pennsylvania và Nevada. Theo kế hoạch, cuộc tranh luận trực tiếp thứ 2 giữa ông và ông Joe Biden, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ sẽ diễn ra vào 15/10. Trong trường hợp sức khỏe không cho phép, hoặc ông Trump vẫn có xét nghiệm dương tính với virus, cuộc tranh luận trực tiếp nhiều khả năng sẽ phải hoãn lại. 

Nhiều người nghĩ đến kịch bản lùi ngày bầu cử trong trường hợp ông Trump không đủ sức khỏe. Tuy nhiên, việc thay đổi ngày bầu cử sẽ phụ thuộc vào các nhà lập pháp Mỹ chứ không phải tổng thống. Việc này sẽ yêu cầu đa số ở cả 2 viện của Quốc hội bỏ phiếu ủng hộ bất kỳ sự thay đổi ngày nào. Tuy nhiên, điều đó khó có thể xảy ra, vì sẽ phải thông qua Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát. 

Tiến sĩ Sean Conley, bác sĩ của Tổng thống Donald Trump, cùng một nhóm bác sĩ được điều động đến Trung tâm quân y  Walter Reed. 	Ảnh: AP
Tiến sỹ Sean Conley, bác sỹ của Tổng thống Donald Trump, cùng một nhóm bác sỹ được điều động đến Trung tâm quân y Walter Reed. Ảnh: AP

Về việc điều hành đất nước, nếu Tổng thống bị ốm quá nặng để thực hiện nhiệm vụ của mình, thì Tổng thống sẽ phải chuyển giao quyền lực cho phó Tổng thống, theo Tu chính án thứ 25 của Hiến pháp Mỹ. Khi khỏi ốm, Tổng thống có thể tiếp quản lại vị trí của mình. Chính vì những xáo trộn có thể xảy ra khi ông Trump nhiễm Covid-19, nên từ tâm lý người dân cho đến giới đầu tư đều có vẻ hoang mang. Thị trường chứng khoán Mỹ và cả châu Á đều đã giảm điểm khi biết tin về cuộc khủng hoảng sức khỏe trong Nhà Trắng.

Trong rủi liệu có may?

Rõ ràng, tin ông Trump nhiễm Covid-19 phủ bóng đen lên chiến dịch tranh cử đang diễn ra ở giai đoạn cao điểm. Bất lợi từ sự cố này được cho là đến từ nhiều phía. Đầu tiên chính là cương lĩnh tranh cử. Có thể thấy trong thời gian qua, ông Trump cố gắng chuyển trọng tâm chiến dịch tranh cử của mình khỏi đại dịch Covid-19, thay vào đó là nhắm tới chủ đề khôi phục kinh tế và bất ổn dân sự, khía cạnh mà ông tin rằng mình nắm lợi thế. Tuy nhiên, giờ đây, dù muốn hay không, chắc chắn cử tri sẽ tập trung vào sức khỏe của Trump, tác động của đại dịch và nhiều vấn đề khác nữa xung quanh Covid-19.

“Rồi đây, người Mỹ sẽ quan tâm đến khía cạnh chăm sóc sức khỏe từ dịch Covid-19 chứ không phải khía cạnh kinh tế”

Matt Gorman - Cố vấn đảng Cộng hòa

Mặc dù Trump được cho là có lợi thế hơn so với Biden về việc xử lý các vấn đề của nền kinh tế, nhưng các cuộc khảo sát gần đây cho thấy nhiều người dân Mỹ đặt niềm tin vào cựu phó tổng thống bởi những quan điểm về xử lý đại dịch và hệ thống chăm sóc sức khỏe. Việc ông Trump nhiễm Covid-19 càng  củng cố thêm quan điểm ông đã thất bại trong xử lý đại dịch - vấn đề vốn là gót chân Achilles chính trị của ông.

Tổng thống Donald Trump tại cuộc vận động tranh cử tại Sân bay Khu vực Fayetteville hôm 19/9/2020. Ảnh: AP
Tổng thống Donald Trump tại cuộc vận động tranh cử tại Sân bay Khu vực Fayetteville hôm 19/9/2020. Ảnh: AP

Tiếp đến, việc không thể trực tiếp đi vận động cử tri, nhất là tại các bang chiến địa sẽ đánh mất cơ hội khơi dậy lòng nhiệt tình của những người ủng hộ - điều vốn là lợi thế của ông Trump từ mùa bầu cử trước. Nói cách khác, ông sẽ phải “nhường sân khấu” cho ông Joe Biden. Đó là chưa kể, việc gây quỹ của ông sẽ bị ảnh hưởng khi không được tiếp xúc trực tiếp với nhà tài trợ, trong khi phía bên kia, ứng cử viên Joe Biden liên tiếp phá kỷ lục về gây quỹ tranh cử. Trong tháng 9, ngân sách chiến dịch của ông Biden là 466 triệu USD, cao hơn ông Trump 141 triệu USD.

Tuy vậy, không có nghĩa, virus SARS-CoV-2 sẽ “chặn” đường đua của ông Trump bởi trong “cái rủi” đôi khi lại có “cái may”. Trước hết là việc truyền thông giờ chỉ tập trung vào ông và sức khỏe của ông, vô hình trung sẽ “quảng cáo” cho chiến dịch của ông ở những góc độ khác nhau. Covid-19 dù chưa bao giờ là một chủ đề “muốn theo đuổi” của đương kim chủ nhân Nhà Trắng nhưng vào thời điểm này nó lại giúp ông “đánh lạc hướng” dư luận khỏi các vấn đề có nguy cơ cản đường ông như hồ sơ thuế hay những bê bối cá nhân khác. 

Trong suốt gần 4 năm làm Tổng thống, ông Trump nổi tiếng là người đưa ra những quyết định bất ngờ, khó đoán và khó lường. Lần này, việc ông Trump nhiễm virus vào thời điểm nhạy cảm cũng làm dấy lên những luồng suy đoán xung quanh câu hỏi, “liệu ông đang ấp ủ chiến lược gì và tung ra vào lúc nào”. Đó là chưa kể, trong trường hợp ông chiến thắng Covid-19 một cách dễ dàng, đó sẽ là câu trả lời rõ ràng nhất cho luận điểm lâu nay của ông là Covid-19 không hề nguy hiểm. Và kể cả trường hợp xấu nhất, ông thất cử, thì lỗi lớn nhất có lẽ thuộc về virus SARS-CoV-2 chứ không phải bản thân ông.

Việc ông Trump nhiễm Covid-19 có thể xem là “biến số” quan trọng của cuộc bầu cử năm nay. Ảnh: Getty
Việc ông Trump nhiễm Covid-19 có thể xem là “biến số” quan trọng của cuộc bầu cử năm nay. Ảnh: Getty

Tiếp nữa, bệnh tật có thể tăng sự cảm thông của cử tri với Tổng thống. Theo khảo sát của Washington Post/ABC News, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan tăng 11 điểm phần trăm tín nhiệm sau vụ ám sát bất thành vào đầu nhiệm kỳ thứ nhất của ông năm 1981. Mức độ ủng hộ dành cho Thủ tướng Anh Boris Johnson, người đã nhiễm Covid-19 hồi tháng 4, cũng tăng 17 điểm so với tháng trước đó… Quả thực, sau khi biết tin ông Trump bị bệnh, người ủng hộ từ cảng Portland ở miền Tây, Ohio miền Đông Bắc đến xung quanh khu điều trị Walter Reed đều tổ chức các cuộc tuần hành ủng hộ và gửi lời chúc đến ông.

Việc ông Trump nhiễm Covid-19 có thể xem là “biến số” quan trọng của cuộc bầu cử năm nay, thậm chí là một điều “bất ngờ tháng 10” thường diễn ra trong các mùa bầu cử Mỹ. Vì vậy, hãy cùng chờ xem “ván cược” mới này sẽ là “cơn ác mộng” hay là cơ hội bứt phá của ông Donald Trump?

Tin mới