Covid-19 và 'kịch bản ác mộng' Bill Gates từng cảnh báo

(Baonghean) - Suốt nhiều năm qua, nhà sáng lập Microsoft đồng thời là nhà từ thiện Bill Gates đã hết lần này lượt khác cảnh báo về những nguy cơ mà dịch bệnh quy mô toàn cầu đặt ra. Thậm chí, hồi năm 2015, ông nhấn mạnh mối đe dọa khủng khiếp nhất mà nhân loại phải đối diện không phải chiến tranh hạt nhân, mà là đại dịch. Tuần này, “kịch bản ác mộng” đang xảy ra ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới dường như đã chứng thực nhận định của ông.

“Danh hiệu” không mong muốn

Một tuần lễ khủng khiếp vừa xảy đến với nhân loại, khi hơn nửa triệu người ở nhiều quốc gia hiện đã mắc phải chủng mới virus Corona (Covid-19), khiến nhiều hệ thống chăm sóc sức khỏe, thậm chí ở cả những quốc gia thịnh vượng nhất cũng trở nên choáng váng và tê liệt. Kèm theo đó, làn sóng lây lan đã buộc nhiều chính phủ nối tiếp nhau ban hành lệnh phong tỏa trên diện rộng, gây gián đoạn cuộc sống thường ngày của hàng tỷ người trên hành tinh.

Tại Mỹ, hôm 26/3, người dân sửng sốt nhận ra, họ đã “vượt” một số “điểm nóng” để nhận lấy “danh hiệu” đáng buồn là quốc gia có số ca nhiễm virus gây bệnh viêm đường hô hấp cấp nhiều nhất thế giới. Hơn 82.000 trường hợp ở nước này đã có kết quả dương tính với Covid-19, cao hơn con số tại đất nước hình chiếc ủng Italy - nơi có số ca tử vong nhiều nhất, và cả Trung Quốc - nơi virus lần đầu tiên được phát hiện hồi tháng 12/2019 tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP

Nỗi sợ hãi về khả năng suy thoái toàn cầu, chứ chưa nói đến khủng hoảng, dần dâng cao, thôi thúc giới lãnh đạo nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) hôm thứ Năm phải tổ chức các cuộc đối thoại trực tuyến để ứng phó với bối cảnh khủng hoảng, đưa ra cam kết về một “mặt trận đoàn kết” nhằm chống dịch bệnh bùng phát, kèm theo đó là một gói bơm tài chính khổng lồ.

Trong tuyên bố được đưa ra, các ông lớn kinh tế toàn cầu khẳng định: “Virus này không hề có biên giới nào cả. Chúng tôi đang bơm hơn 5 nghìn tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu, một phần trong chính sách tài khóa có mục tiêu, các biện pháp kinh tế, cùng các kế hoạch bảo đảm để ứng phó với những tác động xã hội, kinh tế và tài chính của đại dịch này”.

Bên cạnh đó, họ còn đưa ra cam kết hỗ trợ “mạnh mẽ” cho các quốc gia đang phát triển, chính là những địa điểm mà Covid-19 có thể sẽ hoành hành trong thời gian tới sau khi đã khiến lần lượt Trung Quốc và châu Âu điêu đứng. Thế nhưng, theo giới phân tích, sự đoàn kết mà G20 hứa hẹn thực ra khó được như kỳ vọng, bởi 2 nền kinh tế hàng đầu Mỹ - Trung hiện vẫn chưa thôi “lời qua tiếng lại” chỉ trích nhau về cách ứng phó với cuộc khủng hoảng mang tên Corona.

Số người chết vì Covid-19 tại Tây Ban Nha đã vượt qua Trung Quốc. Ảnh: AFP
Số người chết vì Covid-19 tại Tây Ban Nha đã vượt qua Trung Quốc. Ảnh: AFP

Tại Liên minh châu Âu (EU), tình hình cũng chẳng khá hơn là bao, khi mà Italy và Tây Ban Nha - quốc gia có số ca tử vong cao thứ 2 thế giới, đã lên tiếng phản đối bản dự thảo kế hoạch kinh tế của khối nước 26 thành viên, lập luận rằng chừng đó là chưa đủ, quá yếu ớt để có thể ứng phó với tình hình. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte khẳng định mong muốn một phản ứng tài chính “mạnh và đủ” để có thể triển khai “các công cụ tài chính mới mẻ thực sự thích ứng với một cuộc chiến” như hiện nay.

Đỉnh dịch nơi đâu?

Thảng thốt trước sự lan nhanh đến chóng mặt của căn bệnh do virus Corona gây ra tại Italy, Pháp đã có động thái mạnh tay với mong muốn kiềm chế virus và bắt đầu tiến hành phong tỏa từ ngày 17/3. Ấy vậy mà, đến ngày 26/3, quốc gia này đã ghi nhận thêm 365 ca tử vong, con số cao nhất trong 1 ngày. Chưa hết, đáng chú ý là, trong số những nạn nhân kém may mắn, có cả một thiếu nữ 16 tuổi, được cho là trường hợp hiếm gặp ở người trẻ phải “đầu hàng” trước chủng virus đến nay vẫn được đánh giá là gây nhiều nguy hiểm cho người già.

Trong tuyên bố gần đây trước giới báo chí, ông Jerome Salomon - quan chức y tế của Pháp cho rằng, rất khó để tính toán thời điểm dịch đạt đỉnh. Dù vậy, ông vẫn tỏ ra khá lạc quan khi nhận định rằng, những người hiện nay mắc bệnh vốn dĩ đã bị lây nhiễm từ trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực.

“Còn giờ đây, khi mà sự tiếp xúc đã giảm bớt, người dân hạn chế ra ngoài, số ca nhiễm sẽ tăng ít hơn. Vì thế chúng tôi hy vọng tuần tới sẽ có ít người nhiễm bệnh hơn và ít người phải nhập viện hơn”

Ông Jerome Salomon - quan chức y tế của Pháp

Một số nhà khoa học ở Pháp nghiên cứu cách đối phó virus Corona. Ảnh: AFP
Một số nhà khoa học ở Pháp nghiên cứu cách đối phó virus Corona. Ảnh: AFP

Đây không chỉ là nỗi mong chờ của riêng nước Pháp, bởi trong bối cảnh các cơ sở khám chữa bệnh chịu sức ép cao, đã xảy ra tình trạng nhân viên y tế ở các quốc gia phát triển như Italy và Tây Ban Nha phải đưa ra những lựa chọn khắc nghiệt khi đảm nhận trọng trách giữa tâm dịch. Sara Chinchilla - một bác sỹ nhi khoa tại một bệnh viện gần Madrid bộc bạch: “Nếu có 5 bệnh nhân và chỉ còn 1 giường bệnh, tôi sẽ buộc phải lựa chọn ai được điều trị. Những người vốn có thể được cứu sống hiện đang hấp hối bởi chẳng còn chỗ trống trong khu điều trị tích cực”.

Hay như tại Anh, Cơ quan Y tế Quốc gia cũng cho biết, các bệnh viện tại thủ đô London đang đối diện với “những đợt sóng thần liên tiếp” là số lượng lớn bệnh nhân nguy kịch vì Covid-19, dẫu xứ sương mù đã áp lệnh phong tỏa trong tuần này.

Còn với New York - “điểm nóng” virus Corona ở Mỹ, giới chức của bang đang hy vọng sẽ ngăn chặn sự gia tăng số ca nhiễm, bởi thành phố này đã ở trong trạng thái cần tới gấp hai lần số giường bệnh hiện có. Như Thống đốc bang Andrew Cuomo đã cảnh báo, gần như bất kỳ kịch bản nào sát thực tế đều sẽ khiến năng lực của hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện hành bị áp đảo.

Hành động nhanh liệu còn kịp?

Đại dịch đến nay đã nhanh chóng gây ra những tổn thất kinh khủng cho nền kinh tế toàn cầu. Ngay cả nền kinh tế số 1 thế giới như Mỹ tuần trước đã ghi nhận 3,3 triệu người nộp đơn hưởng trợ cấp thất nghiệp - con số kỷ lục từ trước tới nay. Hàng loạt người mất việc trong các ngành nghề, từ thực phẩm tới bán lẻ, vận tải… do gần 1 nửa đất nước này phải đóng cửa các doanh nghiệp “không thiết yếu”. Tất cả mới chỉ là những con số ban đầu, tình hình rất có thể sẽ diễn biến xấu hơn nhiều trong thời gian tới, dẫu Thượng viện xứ cờ hoa đã rục rịch thông qua gói cứu trợ 2 nghìn tỷ USD.

Người dân xếp hàng trong các vòng tròn được vẽ sẵn để giữ khoảng cách khi xếp hàng ngoài hiệu thuốc tại Ấn Độ. Ảnh: AFP
Người dân xếp hàng trong các vòng tròn được vẽ sẵn để giữ khoảng cách khi xếp hàng ngoài hiệu thuốc tại Ấn Độ. Ảnh: AFP

Sự phong tỏa toàn cầu cũng tác động rõ rệt lên dân số “khủng” của Ấn Độ, còn tại Nga người ta đình chỉ mọi chuyến bay quốc tế, thị trưởng thủ đô Moskva lệnh đóng cửa quán cà phê, cửa hàng và công viên. Hàng triệu cư dân Tokyo cũng buộc phải tuân thủ yêu cầu ở trong nhà, chỉ vài ngày sau khi đón nhận tin sốc là hoãn Thế vận hội Mùa hè 2020 sang năm sau. Hầu hết công dân nước ngoài cũng đang bị Trung Quốc “cấm cửa”, khi Bắc Kinh lo sợ các ca bệnh “nhập khẩu” sẽ phá hỏng thành công mà phải chật vật lắm họ mới có được trong công cuộc giảm thiểu số ca lây nhiễm trong nước…

Ảnh hưởng của chủng virus mới còn vượt qua cả bộ phận y, bác sỹ túc trực ở tiền tuyến, vươn tới đe dọa hàng tỷ người hiện đang cố gắng ở trong nhà, có nguy cơ đối diện với điều mà giới chuyên gia gọi là tổn hại tâm lý lâu dài.  

Những ngày qua, tia hy vọng hiếm hoi le lói là khi ở những ổ dịch lớn như Italy hay Tây Ban Nha, số ca nhiễm mới hàng ngày đang có dấu hiệu chững lại. Không thể phủ nhận rằng những con số này là “dấu hiệu đáng khích lệ” như nhận xét của Tổ chức Y tế Thế giới, song cùng với đó cũng cần nâng cao cảnh giác, bởi còn quá sớm để đoán định liệu đại dịch đã đạt đỉnh hay chưa. Chớ chủ quan, coi nhẹ tình hình, bởi nếu mọi chuyện diễn ra như dự báo có phần u ám theo nghiên cứu của Đại học Hoàng gia Anh, 1,8 triệu người trên hành tinh có thể sẽ không còn nhìn thấy ánh mặt trời, kể cả khi nhân loại nỗ lực hành động nhanh nhằm ngăn chặn Covid-19.

Tin mới