Cú bay xuyên gầm cầu của tiêm kích MiG-17 Liên Xô năm 1965

Một phi công Liên Xô đã có màn trình diễn khó tin khi đưa tiêm kích MiG-17 chui lọt gầm cầu chỉ cao 30 m thời Chiến tranh Lạnh.

cu-bay-xuyen-gam-cau-cua-tiem-kich-mig-17-lien-xo-nam-1965

Bức ảnh tái hiện khoảnh khắc chiếc MiG-17 bay xuyên gầm cầu. Ảnh: War History.

Giai đoạn Chiến tranh Lạnh chứng kiến nhiều pha biểu diễn khó tin của các phi công chiến đấu của cả Mỹ và Liên Xô nhằm thể hiện kỹ năng vượt trội so với đối thủ, trong đó có cú bay xuyên gầm cầu của chiếc tiêm kích MiG-17 vào ngày 4/6/1965, theo War History.

Đó là một buổi chiều đầy nắng, rất nhiều người dân và các sĩ quan quân sự đóng quân ở thành phố Novosibirsk, Liên Xô đi dạo và tắm nắng dọc bờ sông Obi chảy qua thành phố.

Đột nhiên họ nhìn thấy một chiếc tiêm kích phản lực màu trắng bạc hạ thấp độ cao xuống mặt sông và thực hiện động tác biểu diễn không tưởng khi bay xuyên qua gầm một chiếc cầu chỉ cao khoảng 30 m so với mặt sông.

Theo RIA Novosti, phi công điều khiển chiếc MiG-17 là Valentin Privalov đã bay với vận tốc 700 km/h. Trong khi mọi người trên bờ sông đang sợ hãi trước nguy cơ chiếc máy bay đâm thẳng vào cây cầu dành cho đường sắt cắt ngang trước mặt, Privalov đã đưa tiêm kích bay vọt lên cao, để lại phía sau một cột nước trắng do tác động từ động cơ.

Truyền thông Nga khi đó cho rằng phi công Privalov đã tự ý trình diễn động tác này mà không theo bất cứ mệnh lệnh nào từ chỉ huy, nhằm chứng tỏ kỹ năng điêu luyện và giành được sự ngưỡng mộ từ công chúng.

Sau vụ việc, Privalov bị bắt và đối diện với nguy cơ bị kỷ luật nặng, thậm chí là tiêu tan sự nghiệp. Tuy nhiên Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô khi đó là nguyên soái Rodion Malinovsky quyết định không trừng phạt Privalov, đồng thời biến hành động của anh trở thành một biểu tượng quảng bá cho sức mạnh của quân đội.

Privalov sau đó được gửi đến đào tạo ở căn cứ không quân Kubinka ở thủ đô Moscow, vốn dành cho những phi công ưu tú thuộc các đội bay biểu diễn của không quân Liên Xô. Phi công này kết thúc sự nghiệp trên cương vị phó giám đốc trung tâm kiểm soát không lưu hàng không dân dụng Nga.

Bức ảnh chụp khoảnh khắc Privalov bay qua gầm cầu do một sinh viên chụp lại ngay lập được các báo của Liên Xô và Mỹ đăng tải. Tuy nhiên, một số chuyên gia quốc tế cho rằng bức ảnh chỉ được dựng lại nhằm minh họa cho sự kiện, bởi hành động của phi công Liên Xô là bất ngờ và không được báo trước.

 Theo VNE 

TIN LIÊN QUAN

Tin mới