Cụ ông 94 tuổi đi bỏ phiếu từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên

"Tôi có vinh dự được tham gia đi bầu cử tại cuộc Tổng tuyển cử lần đầu tiên năm 1946. Nếu tính cả ngày mai nữa, tôi sẽ có đủ 14 lần tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội" - cụ Lê Văn Đáp khoe.

Được bỏ phiếu từ khóa Quốc hội đầu tiên

Vừa chuẩn bị bộ quần áo tươm tất và đôi giày để diện cho ngày đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 -2021, cụ ông Lê Văn Đáp không giấu nổi sự háo hức.

Cụ ông Lê Văn Đáp háo hức trước lần đi bỏ phiếu bầu ra thứ 14.
Cụ ông Lê Văn Đáp háo hức trước lần đi bỏ phiếu bầu ra thứ 14.

"Tôi nhận được lời mời của Tổ trường dân phố và Bí thư chi bộ nói ngày mai đến khu vực bỏ phiếu sớm để đại diện cho người cao tuổi bỏ lá phiếu đầu tiên. Được trân trọng như vậy mình phải chuẩn bị chu đáo để làm tốt trách nhiệm công dân" - cụ Đáp nói.

Cụ Lê Văn Đáp sinh năm 1922, quê ở Quảng Ngãi, hiện đang sinh sống tại Phòng 505, nhà E5, tập thể Thanh Xuân Bắc, Hà Nội. Cụ là lão thành cách mạng gần 80 năm tuổi Đảng, năm nay bước sang tuổi 94 nhưng cụ vẫn còn khỏe mạnh.

Cụ Đáp cho biết, tại cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 cụ có vinh dự khi lần đầu tiên được cầm lá phiếu thực hiện quyền làm chủ của mình. Nói về ký ức của 70 năm trước cụ Đáp không giấu nổi sự xúc động.

"Từ thân phận là người dân của một dân tộc bị nô lệ, khi được cầm lá phiếu để chọn ra những người đại diện cho mình, cảm giác lúc ấy mừng lắm, khó có thể tả được. Cảm giác của ngày đó lại ùa về mỗi lần tôi có dịp đi bỏ phiếu như thế này" - cụ Đáp tâm sự.

Cụ Đáp nhẩm tính: Ngày mai đi bỏ phiếu xong, cụ sẽ có tất cả 14 lần được đi bầu cử đại biểu Quốc hội.

Cụ Đáp cho biết, từ hôm Tổ bầu cử phường Thanh Xuân Bắc gửi cho bản tóm tắt lý lịch của các ứng viên ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, cụ đã dành thời gian nghiên cứu kỹ đặc điểm và khả năng của từng người, với mong muốn làm sao lựa chọn được người tiêu biểu.

"Tôi mong mình và cử tri lựa chọn ra được những người đại biểu phải có lý tưởng, toàn tâm cho công việc, quan trọng hơn nữa là phải có tiếng nói và hành động quyết liệt trước những vấn đề bức xúc của xã hội".

Theo Dân Việt

TIN LIÊN QUAN

Tin mới