Cụ ông sắp được bóc bánh chưng Tết lần thứ 104

(Baonghean) - Đã vượt qua ngưỡng tuổi 100, cụ Lữ Văn Tum còn nhớ được nhiều chuyện, từ những năm tháng tuổi trẻ đến những ngày nhường nhà cửa, nương rẫy cho công trình thủy điện Bản Vẽ. Nơi quê mới, cụ là “cây đại thụ”, chỗ dựa cho con cháu và bà con bản Noòng, xã Ngọc Lâm (Thanh Chương).

Sự xuất hiện của người khách lạ dường như đã làm đứt đoạn dòng suy nghĩ của cụ Lữ Văn Tum. Chúng tôi cất lời: “Chào cụ! Năm nay cụ thọ bao nhiêu tuổi ạ?”.  Cụ Tum thong thả đáp: “Người Thái ta trước đây không tính tuổi, cũng không tính năm, mà tính bao nhiêu lần bóc bánh chưng Tết. Đến nay, tính ra ta đã 103 lần được bóc bánh chưng Tết rồi”.

Cụ Lữ Văn Tum còn khá minh vẫn và có thể tự đi lại trong nhà.
Cụ Lữ Văn Tum còn khá minh vẫn và có thể tự đi lại trong nhà.

Cụ Tum tỏ ra khá minh mẫn, có thể tự đi lại trong nhà không cần chống gậy, có điều cái tai hơi nặng và cái mắt không còn nhìn rõ. Thực ra, lúc đầu chúng tôi chưa tin cụ bước vào độ tuổi ấy, bởi người vùng cao ngày xưa thường nhớ tuổi của mình thường không thật chính xác. Đọc được suy nghĩ của khách, bà Lữ Thị Tấn (SN 1960) - con gái thứ 3 của cụ lục tìm những thứ giấy tờ liên quan của cha mình.

“Khi chuyển nhà từ quê cũ về đây, giấy tờ thứ thì bị rơi ướt, thứ thì thất lạc không tìm thấy, chỉ còn lại mấy thứ này”- bà Tấn nói. Trong số giấy tờ ấy, có 1 thứ chứng minh lời của cụ Tum là tấm Thẻ xã viên HTX mua bán do Hội đồng Trung ương HTX mua bán Việt Nam phát hành năm 1971. Màu thời gian đã in đậm trên tấm thẻ, chỉ còn 2 tờ bìa gấp vào nhau, tờ ruột không còn nên thông tin về họ tên xã viên cũng đã bị mất.

Các thông tin khác như số thẻ, tên HTX mua bán cơ sở, ngày vào hợp tác và chữ ký xã viên không thấy ghi hoặc do gần nửa thế kỷ trôi qua với bao gió bụi thời gian nên nét mực không còn. Thông tin còn lưu lại chỉ còn dòng ghi chỗ ở hiện này là xã Kim Tiến, và tuổi thời điểm ấy là 57. Nếu cộng số tuổi này với  con số 47 (tính từ 1971 đến 2017) thì lời cụ Tum nói đã 103 lần bóc bánh chưng Tết là chính xác. 

 Tấm Thẻ xã viên phát hành từ năm 1971 của cụ Lữ Văn Tum
 Tấm Thẻ xã viên phát hành từ năm 1971 của cụ Lữ Văn Tum.

Cụ Tum chuyện trò vui vẻ và sôi nổi,  kể về cuộc sống từ ngày chuyển về khu tái định cư, về những cái Tết trên quê mới. Hơn 10 năm trước, hay tin bản mình sẽ phải dời về khu tái định cư cách xa hơn 200km, mãi tận Thanh Chương, lúc đầu cụ chẳng ưng tí nào, lo nữa là khác. Vì gắn bó với mảnh đất Kim Tiến bao nhiêu năm, từ ngọn suối, cánh rừng đã thân thuộc.

Nhưng rồi, cán bộ xã, huyện đến vận động, rằng nhường lại núi rừng, bản làng cho nhà nước làm thủy điện để khơi dậy tiềm năng cho quê hương, cụ thấy phải nên đồng ý. Nhớ lắm cái ngày hơn 10 năm trước, ngày dỡ nếp nhà kết thành bè xuôi dòng Nậm Nơn, lúc bè rời bến xuôi dòng, cụ Tum ngồi dõi về cái nền nhà cũ. Bè trôi đã xa, rất xa nhưng vẫn dõi về...   

Năm ấy, cái Tết đầu tiên trên quê mới cảm xúc thật khó tả. Có nỗi nhớ bâng khuâng, da diết cảnh vật quê cũ, có bao lo âu khi cuộc sống còn lắm bộn bề. Không ít người đã nản và về lại quê cũ, nhưng cụ Tum nghĩ khác, cụ biết đây là một cơ hội để thay đổi cuộc sống nên động viên con cháu vững tâm, việc gì lúc đầu cũng khó khăn, vất vả nhưng kiên trì chăm lo rồi sẽ đến ngày thành công.

2.	Niềm vui của cụ Lữ Văn Tum bên con cháu
Niềm vui của cụ Lữ Văn Tum khi con cháu sum vầy.

Giờ đây, mọi thứ đã bắt đầu đi vào nếp, như những cái guồng nước ở vùng cao bắt đầu quay. “Ta không có con trai nhưng có 5 đứa con gái, đứa nào cũng thương bố, thương mẹ, luôn nghe lời ta dạy bảo. Nhiều người nói ta sướng, sướng vì khỏe và sống thọ, sướng vì con cháu thảo hiền”- cụ Lữ Văn Tum chia sẻ. Đến nay, cụ có 12 cháu ngoại, 15 chắt và 6 chít (còn gọi là chút), nghĩa là gia đình cụ hiện nay là ngũ đại đồng đường (5 đời sống cùng 1 nhà).

Thế hệ thứ 5 được sinh ra và đang lớn lên ở quê hương Ngọc Lâm, sẽ gắn bó với miền quê mà những thế hệ trước về đây khai phá. Hiện cụ Tum ở cùng gia đình bà Lữ Thị Tấn, cuộc sống chưa thể nói là đủ đầy, còn bao điều phải lo toan nhưng gia đình luôn vui vẻ và đầm ấm.

 Hỏi về bí quyết trường thọ, cụ Lữ Văn Tum đáp lời: “Nói thật, không có bí quyết nào cả, thời nhỏ nghèo khó và vất vả, lớn lên đi đánh giặc rồi trở về làm rẫy, làm nương, nay sống cùng con cháu. Ta chỉ biết chăm chỉ lao động như con ong xây tổ, luôn yêu thương con cháu, giúp đỡ người khác lúc khó khăn và không uống quá nhiều rượu...”.

Xuân Đinh Dậu 2017 này, cụ Lữ Văn Tum được bóc bánh chưng Tết lần thứ 104, là cái Tết thứ 10 trên quê mới. Không còn sức đi hết từng nhà, cụ Tum sẽ lắng nghe tiếng cồng chiêng và giai điệu mượt mà của khèn bè, nghe câu lăm, điệu xuối để lòng thêm rạo rực, hân hoan. Tuổi đã rất già nhưng tâm hồn vẫn phơi phới xanh tươi, như cây đại thụ trổ lộc non khi Xuân về.

Công Kiên

TIN LIÊN QUAN

Tin mới