Cụ thể hóa mục tiêu xây dựng thành phố Vinh thành trung tâm vùng Bắc Trung Bộ

Cụ thể hóa mục tiêu xây dựng thành phố Vinh thành trung tâm vùng Bắc Trung Bộ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Trong những năm qua, thành phố Vinh luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương và của tỉnh về định hướng phát triển. Đặc biệt, tại Nghị quyết số 26-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị đã xác định: “Xây dựng thành phố Vinh thành trung tâm vùng Bắc Trung Bộ về tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hoá, thể thao, giáo dục - đào tạo; cùng với thị xã Cửa Lò phát triển thành cực tăng trưởng kinh tế và mũi nhọn tăng trưởng của tỉnh”.

Kinh tế phát triển đúng hướng

Cụ thể hoá Nghị quyết 26, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 52 vào năm 2015 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vinh đến năm 2030, tầm nhìn 2050, đồng thời ban hành một số Quyết định phê duyệt Đề án phát triển thành phố Vinh thành trung tâm kinh tế, văn hoá vùng Bắc Trung Bộ. Đây chính là tiền đề để thành phố Vinh triển khai nhiều quy hoạch, chương trình, đề án quan trọng. Để rồi sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 26, nhiều thành tựu nổi bật, quan trọng đã được thành phố đạt được.

Một góc thành phố Vinh về đêm. Ảnh: Hải Vương
Một góc thành phố Vinh về đêm. Ảnh: Hải Vương

Với diện tích hơn 100km2 và dân số khoảng 500.000 người, hàng năm đóng góp hơn 30% ngân sách, thành phố Vinh đã trở thành đầu tàu, trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh. Giá trị sản xuất năm 2021 của thành phố đạt 55.511 tỷ đồng, tăng hơn nhiều so với năm 2013 là 26.979 tỷ đồng; tổng thu ngân sách đạt 5.579 tỷ đồng; năng suất lao động đạt 202 triệu đồng/người/năm, tăng hơn gấp đôi so với năm 2013 là 99 triệu đồng/người/năm…

Ngoài việc tập trung phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn thành phố đang được thực hiện một cách đúng hướng. Hiện nay ngành nông, lâm, ngư nghiệp đang giảm dần tỷ trọng, năm 2021 giá trị sản xuất đạt 433 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực này giai đoạn 2014-2020 là -1%, năm 2021 tăng 1%.

Biểu đồ về tỷ lệ thu tiền sử dụng đất ở thành phố Vinh năm 2021. Ảnh: Lâm Tùng

Biểu đồ về tỷ lệ thu tiền sử dụng đất ở thành phố Vinh năm 2021. Ảnh: Lâm Tùng

Hiện tại, tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm 29,4% trong tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế trên địa bàn thành phố trong giai đoạn 2013-2021.

Trong 4 nhóm ngành thì nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất, riêng năm 2021 đã đóng góp cho nền kinh tế của thành phố 16.423 tỷ đồng. Hiện nay, năng lực sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố đã được nâng cao về quy mô sản xuất cũng như lợi thế cạnh tranh như: may mặc, sản xuất và chế biến thực phẩm, sản xuất đồ uống, chế biến gỗ, linh kiện điện tử…

Ngoài công nghiệp, ngành dịch vụ trên địa bàn thành phố phát triển khá nhanh và đa dạng, nhất là các lĩnh vực thương mại, du lịch, tài chính ngân hàng, viễn thông, vận tải. Năm 2021 giá trị sản xuất dịch vụ thương mại đạt 24.174 tỷ đồng với hơn 6.430 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Trong đó, xu thế các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển nhanh, các ngành dịch vụ thương mại và xây dựng chiếm tỷ trọng cao, các ngành sản xuất chiếm tỷ trọng thấp.

Thành phố Vinh xác định phát triển theo hướng đô thị thông minh, vừa hiện đại nhưng vẫn giữ được những nét đặc trưng của văn hoá xứ Nghệ. Ảnh: Thành Cường
Thành phố Vinh xác định phát triển theo hướng đô thị thông minh, vừa hiện đại nhưng vẫn giữ được những nét đặc trưng của văn hoá xứ Nghệ. Ảnh: Thành Cường

Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn thành phố đã có 38 tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng hoạt động hiệu quả, an toàn, vững chắc. Chất lượng các sản phẩm dịch vụ ngày càng đa dạng, phong phú, từng bước hỗ trợ có hiệu quả cho các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tính đến hết năm 2021, nguồn vốn huy động toàn địa bàn đạt 175.467 tỷ đồng; tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 242.614 tỷ đồng, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ về huy động và dư nợ, đứng thứ 6 cả nước về huy động vốn và thứ 4 về dư nợ cho vay.

Theo đồng chí Phan Đức Đồng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vinh thì hiện nay, thành phố luôn xác định phát triển khoa học – công nghệ là khâu đột phá để phát triển nông nghiệp hiện đại và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật, đầu tư đổi mới thiết bị máy móc, công nghệ đi đôi với bảo vệ môi trường. Chính điều này đã giúp năng lực sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng nhanh đáng kể, quy mô các cơ sở sản xuất công nghiệp được mở rộng, nhất là các ngành công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, sản xuất đồ uống, vật liệu xây dựng.

Hào thành cổ Vinh được cải tạo từ nguồn vốn vay ODA. Ảnh: Nhật Lân
Hào thành cổ Vinh được cải tạo từ nguồn vốn vay ODA. Ảnh: Nhật Lân

Nâng cao chất lượng cơ sở vật chất hạ tầng

Bên cạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từ năm 2013 đến nay, thành phố cũng đã quan tâm đến việc xây dựng hạ tầng. Đã nâng cấp được gần 500km đường giao thông nông thôn các loại. Đặc biệt, những năm vừa qua, thành phố đã tập trung đầu tư các công trình trọng điểm về thoát nước, chống ngập úng và xử lý nước thải trên địa bàn. Thành phố đã hoàn thành các hợp phần của dự án World Bank và các công trình thoát nước quan trọng như kênh Bắc, hồ điều hoà cuối kênh Bắc, hào thành cổ Vinh, nhà máy xử lý nước thải Hưng Hoà… Hoàn thành dự án chống úng ngập cục bộ trọng điểm trên địa bàn thành phố; xây dựng các hệ thống mương thoát nước có khẩu độ lớn dọc các trục đường chính.

Nhiều công trình cải tạo hạ tầng quan trọng đang được thực hiện trên địa bàn thành phố Vinh. Ảnh: Tiến Đông

Nhiều công trình cải tạo hạ tầng quan trọng đang được thực hiện trên địa bàn thành phố Vinh. Ảnh: Tiến Đông

Chưa kể đến việc nhiều trục đường chính trên địa bàn thành phố như đường Trần Phú, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Phạm Đình Toái, Đại lộ Vinh – Cửa Lò… đã được nâng cấp, xây dựng mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đã hình thành hệ thống dịch vụ ngân hàng, các trung tâm thương mại dịch vụ, hạ tầng du lịch tương đối phát triển, đáp ứng được nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Từ đó mà nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế có tiềm lực, thương hiệu, uy tín đã đầu tư các dự án trên địa bàn như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn T&T, Công ty CP Eurowindow Holding, Tập đoàn Ecopark…

Trong giai đoạn 2010-2020 thành phố cũng đã vận động và thực hiện thành công Dự án phát triển đô thị loại vừa tại Việt Nam - Tiểu dự án phát triển đô thị Vinh có tổng mức đầu tư hơn 168 triệu USD, từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới. Hiện nay, thành phố đang tích cực phối hợp hoàn thành thủ tục đầu tư dự án hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Vinh, sử dụng nguồn vốn ODA từ nhà tài trợ Ngân hàng Thế giới với tổng mức đầu tư 194,5 triệu USD. Dự án này có 4 hợp phần, tập trung vào đầu tư thoát nước, vệ sinh môi trường, chống ngập, nâng cấp cải tạo sông Vinh, cải thiện hoạt động của các nhà máy xử lý nước thải…

Phố đi bộ, một trong những điểm nhấn phát triển kinh tế đêm của thành phố Vinh. Ảnh: Thanh Phúc
Phố đi bộ, một trong những điểm nhấn phát triển kinh tế đêm của thành phố Vinh. Ảnh: Thanh Phúc

Cũng theo Bí thư Thành ủy Phan Đức Đồng, thời gian tới, thành phố Vinh tiếp tục ưu tiên nguồn vốn để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng thành phố ngày càng xanh, sạch, đẹp. Đồng thời tăng cường liên kết vùng, kết nối thành phố Vinh với các địa phương trong vùng và cả nước, thúc đẩy giao thương hàng hoá. Tổ chức gặp gỡ, đối thoại thường xuyên với các doanh nghiệp, doanh nhân để nghiên cứu các phương án, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội. Thành phố cũng xác định sẽ tập trung phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh…

Có thể thấy rằng, sau 9 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, thành phố Vinh đã có bước phát triển khá toàn diện. Tuy nhiên nếu so với mục tiêu “phát triển Vinh trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá của vùng Bắc Trung Bộ” theo tinh thần của Nghị quyết 26 thì còn khoảng cách xa, sức lan toả, ảnh hưởng của thành phố Vinh đối với các tỉnh, thành phố trong khu vực còn hạn chế.

Phối cảnh quy hoạch ven Đại lộ Vinh - Cửa Lò, một trong những cực phát triển trong tương lai của thành phố Vinh. Ảnh: Tư liệu

Phối cảnh quy hoạch ven Đại lộ Vinh - Cửa Lò, một trong những cực phát triển trong tương lai của thành phố Vinh. Ảnh: Tư liệu

Chính vì thế, để Vinh có thể trở thành đầu tàu trong các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội thì cần phải phát huy được lợi thế so sánh của thành phố Vinh về lịch sử, địa lý, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, kinh tế đối ngoại làm nền tảng phát triển. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, tạo đột phá trong xây dựng thành phố văn minh. Có vậy thì mục tiêu xây dựng thành phố Vinh thành đô thị hiện đại, văn minh, hội nhập quốc tế gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá xứ Nghệ mới có thể trở thành hiện thực.

Tin mới