Cử tri Đô Lương: Cần có chính sách về đầu ra cho nông nghiệp

(Baonghean.vn) - Đó là kiến nghị của cử tri tại hội nghị tiếp xúc với đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Đô Lương sáng 22/11. 

Tham gia tiếp xúc cử tri gồm các đại biểu HĐND tỉnh: Hoàng Viết Đường - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Lan - Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh; Lê Đình Lý - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, cùng đại biểu HĐND huyện Đô Lương. Ảnh: Mai Hoa
Tham gia tiếp xúc cử tri gồm các đại biểu HĐND tỉnh: Hoàng Viết Đường - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Lan - Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh; Lê Đình Lý - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, cùng đại biểu HĐND huyện Đô Lương. Ảnh: Mai Hoa

Chậm giải quyết nhiều bất cập

Vấn đề nhiều cử tri bức xúc, cho rằng đã kiến nghị nhiều lần mà chưa được quan tâm giải quyết, đó là một số chức danh như Phó Chủ tịch Hội người cao tuổi xã, Phó Bí thư chi bộ khối xóm, chi hội phó các đoàn thể, mặc dù đều được bầu qua các đại hội, nhưng Nhà nước chưa có quy định, chế độ gì; hiện nay mỗi xã trích ngân sách địa phương chi hỗ trợ theo nhiều mức 400, 500, 700 nghìn đồng/người/ tháng, tạo sự mất cân bằng về chính sách, gây tâm tư trong đội ngũ.

Cử tri nhiều địa phương kiến nghị HĐNĐ tỉnh cần nghiên cứu ban hành chính sách cho đội ngũ này, tạo sự công bằng, thống nhất trong toàn tỉnh.

Đề cập đến tình trạng buông lỏng trong công tác quản lý rừng, ông Nguyễn Đình Nhị - Chủ tịch UBMTTQ xã Giang Sơn Tây nêu thực tiễn trên địa bàn xã, tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất rừng diễn ra tự do, người dân bức xúc.

Cũng đề cập đến vấn đề quản lý, bảo vệ rừng, ông Đặng Văn Toàn - Chủ tịch UBND xã Đại Sơn, đề nghị tỉnh cần quy định thu phí trồng rừng, bởi thực tế người trồng rừng hiện chưa phải nộp nguồn phí nào, trong khi xảy ra cháy rừng lại huy động toàn dân và toàn lực lượng tham gia chữa cháy, bảo vệ rừng.  

Ông Nguyễn Bá Tân - Chủ tịch UBND xã Tân Sơn kiến nghị tỉnh không nên bỏ chính sách hỗ trợ máy cày đa chức năng, bởi hiện nay nhu cầu của người dân đang còn rất lớn, nhất là làm đất màu. Ảnh: Mai Hoa
Ông Nguyễn Bá Tân - Chủ tịch UBND xã Tân Sơn kiến nghị tỉnh không nên bỏ chính sách hỗ trợ máy cày đa chức năng, bởi hiện nay nhu cầu của người dân còn rất lớn, nhất là làm đất màu. Ảnh: Mai Hoa

Nhiều cử tri cũng phản ánh bất cập về cơ chế, chính sách hỗ trợ xi măng xây dựng nông thôn mới đang còn "cào bằng" giữa xã khó khăn - thuận lợi, xã có quy mô nhỏ cũng như quy mô lớn; tỉnh còn nợ chế độ thưởng cho xã về đích nông thôn.

Đó còn là các bức xúc về dự án đầu tư hệ thống thủy lợi đầu tư tại xã Tân Sơn từ năm 2006 đang dang dở, ảnh hưởng đến việc lấy nước phục vụ sản xuất của địa phương; phí bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp khai thác đá trên địa bàn xã Trù Sơn không được trích lại cho địa phương để tu bổ, sửa sang đường giao thông; thất thoát đầu tư công đang còn quá lớn…

Có chính sách hỗ trợ đầu ra cho nông nghiệp

Cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh sáng nay được tổ chức theo chuyên đề, tập trung vào 2 dự thảo Nghị quyết được trình tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XVII tới.

Tham gia góp ý vào dự thảo Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Công Thắng - Bí thư Đảng ủy xã Thượng Sơn cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, khi mà chăn nuôi lợn đang phát triển mạnh, cung vượt cầu, bình quân mỗi người dân tiêu thụ 3 con lợn thì HĐND tỉnh không nên ban hành chính sách hỗ trợ giống lợn nái hậu bị.

Cũng liên quan đến dự thảo nghị quyết này, ông Nguyễn Bá Tân - Chủ tịch UBND xã Tân Sơn kiến nghị,tỉnh không nên bỏ chính sách hỗ trợ máy cày đa chức năng, bởi hiện nay nhu cầu của người dân còn rất lớn, nhất là làm đất màu.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nguyễn Hồng Xuân cho rằng, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn đang còn quá nhỏ lẻ và có những chính sách không đến được với người dân. Ảnh: Mai Hoa
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nguyễn Hồng Xuân cho rằng, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn còn quá nhỏ lẻ và có những chính sách không đến được với người dân. Ảnh: Mai Hoa

Trong khi đó, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nguyễn Hồng Xuân cho rằng, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn còn quá nhỏ lẻ và có những chính sách không đến được với người dân; đơn cử như trong dự thảo nghị quyết lần này có chính sách hỗ trợ làm nhà lưới trên 1.000 m2 và không quá 200 triệu đồng/đối tượng hỗ trợ thì người nông dân không đủ khả năng để làm.

Ông Thái Đình Linh - Chủ tịch MTTQ xã Hòa Sơn và nhiều ý kiến cũng đề xuất HĐND tỉnh, thay hỗ trợ phát triển sản xuất như lâu nay sang hỗ trợ tiêu thụ, giải quyết đầu ra cho sản phẩm; khi sản phẩm đầu ra được khơi thông, bán chạy thì tất yếu sẽ thúc đẩy sản xuất.

Liên quan đến dự thảo Nghị quyết quy định về nội dung và mức chi kinh phí đảm bảo hoạt động giám sát phản biện, xã hội của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An, nhiều cử tri cũng đề nghị HĐND tỉnh cần quy định mức kinh phí hoạt động mang tính thống nhất toàn tỉnh; đồng thời làm rõ cấp nào chịu trách nhiệm chi ngân sách để đảm bảo hoạt động.

Ông Hoàng Viết Đường - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đã lần lượt trả lời các kiến nghị mà cử tri đề cập.
Ông Hoàng Viết Đường - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh lần lượt trả lời các kiến nghị mà cử tri đề cập. Ảnh: Mai Hoa

Thay mặt các đại biểu HĐND tỉnh, ông Hoàng Viết Đường - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh lần lượt trả lời các kiến nghị mà cử tri đề cập. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng thông tin, chủ trương sắp tới của Trung ương sẽ khoán kinh phí hoạt động cho các tổ chức đoàn thể, khi có chủ trương này sẽ được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh, chắc chắn sẽ khắc phục bất cập đang đặt ra.

Ông Hoàng Viết Đường cũng tiếp thu nhiều kiến nghị xác đáng của cử tri liên quan đến chính sách hỗ trợ làm nhà lưới trên 1.000 mét vuông, tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ máy cày đa chức năng.

Riêng kiến nghị hỗ trợ giải quyết đầu ra cho sản phảm nông nghiệp, ông Đường đề nghị cử tri, từ thực tiễn ở cơ sở tiếp tục kiến nghị cụ thể cho các cấp hướng hỗ trợ giải quyết đầu ra như thế nào để đảm bảo phù hợp, hiệu quả nhất./.

Mai Hoa

TIN LIÊN QUAN

Tin mới