Cử tri huyện Con Cuông phản ánh những chậm trễ trong hỗ trợ di dời xây dựng thủy điện Chi Khê

(Baonghean.vn) - Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 5/5, đoàn đại biểu Quốc hội gồm các ông: Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Trần Nhật Minh - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội chuyên trách đã có cuộc tiếp xúc cử tri tại 3 xã: Lạng Khê, Châu Khê, Cam Lâm (huyện Con Cuông).
Dự cuộc tiếp xúc cử tri có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam huyện Con Cuông.Ảnh: Thanh Quỳnh
Dự cuộc tiếp xúc cử tri có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Con Cuông. Ảnh: Thanh Quỳnh

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri, ông  Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội thông báo dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV dự kiến họp tập trung tại Nhà Quốc hội từ ngày 23/5 đến 17/6/2022; xem xét 5 dự án luật, 4 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến vào 6 dự án luật; xem xét quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng của đất nước.

Đại biểu Quốc hội cũng báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV và tại địa phương trong thời gian từ kỳ họp thứ hai đến nay; báo cáo tóm tắt kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri huyện Con Cuông tại các kỳ họp trước.

Ảnh: Thanh Quỳnh
Ông Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thông tin đến cử tri những nội dung quan trọng trong kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Thanh Quỳnh

Cử tri huyện Con Cuông bày tỏ vui mừng và đánh giá cao kết quả hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh trong thời gian qua, mong muốn các ĐBQH tỉnh tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia phát biểu ý kiến tại các kỳ họp, nhất là đối với những vấn đề quan trọng của đất nước, những vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội, góp phần đáp ứng yêu cầu và mong đợi.

Đồng thời, cử tri cũng nêu một số ý kiến, kiến nghị về các vấn đề của địa phương. Cụ thể, cử tri Vi Đình Tuyển – Chủ tịch MTTQ xã Lạng Khê phản ánh tình trạng thiếu cầu dân sinh trên địa bàn xã Lạng Khê nói riêng, huyện Con Cuông nói chung. Hiện toàn huyện có 13 xã, thị trấn với 6 xã, thị trấn giáp sông Lam nhưng hiện tại chưa có cầu cứng nào nối hai bờ sông ngoại trừ một cầu đang thi công. Thực trạng này khiến cho nhiều bà con dân bản gặp khó trong quá trình di chuyển, thông thương, tiêu thụ nông sản. Đặc biệt vào mùa mưa, nước sông Lam dâng cao khiến cho các vùng dân cư hai bên sông gần như bị cô lập. Vì vậy, các cử tri mong muốn các cơ quan ban ngành cùng chính quyền địa phương cần có phương án xây dựng hệ thống cầu dân sinh, đặc biệt là cầu cứng bắc qua sông Lam.

Sông Lam chảy qua địa bàn các xã huyện Con Cuông. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn.
Sông Lam chảy qua địa bàn các xã huyện Con Cuông. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn.

Đồng thời, cử tri phản ánh tình trạng sạt lở hai bên bờ sông Lam khiến cho người dân sinh sống tại các khu vực này hết sức hoang mang, lo lắng. Trước tình trạng này, cử tri mong muốn cần có hệ thống đê chống sạt lở tại sông Lam để bảo đảm an toàn cho người dân sinh sống ven sông. Đặc biệt, sông Lam đoạn qua bản Boong thuộc xã Lạng Khê. Đây là bản có hơn 90% là bà con đồng bào Thái, với tổng diện tích tự nhiên trên 550 ha. Trong đó có nhiều diện tích trải dài bên sông Lam đang đối mặt với tình trạng sạt lở gây ảnh hưởng đến đất sản xuất và đất thổ cư của bà con. 

Cử tri Lương Thị Xu Ly (xã Cam Lâm) trình bày những vấn đề  Ảnh: Thanh Quỳnh
Cử tri Lương Thị Xu Ly (xã Cam Lâm) trình bày những vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh địa phương. Ảnh: Thanh Quỳnh

Cử tri xã Châu Khê phản ánh, xã có diện tích rừng lớn nhưng người dân không thể ổn định cuộc sống từ rừng. Bởi thực hiện chủ trương quản lý bảo vệ rừng theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP thì người dân được chi trả từ 200.000 đến 400.000 đồng mỗi năm và dịch vụ môi trường rừng từ 90.000 đồng đến 15.000 đồng mỗi hecta/năm. Vì vậy, cử tri mong muốn được tăng mức hỗ trợ này để bà con đảm bảo cuộc sống. Đặc biệt, đối với các diện tích rừng nghèo, không có giá trị kinh tế  cần tạo điều kiện cho người dân canh tác các loại cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao nhằm hướng đến các sinh kế bền vững.

Cử tri xã Cam Lâm phản ánh về tiến độ xây dựng công trình đập thủy lợi tại bản Cam (xã Cam Lâm) quá chậm trễ. Công trình được khởi công từ năm 2011 nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó thì rơi vào tình trạng “đắp chiếu”. Điều này khiến cho các cử tri rất bức xúc bởi đây là công trình quan trọng nhằm hỗ trợ sản xuất cho người dân, đặc biệt vào mùa nắng hạn.

Hội nghị ghi nhận 13 lượt phản ánh, kiến nghị của cử tri trên địa bàn 3 xã Lạng Khê, Châu Khê, Cam Lâm (huyện Con Cuông). Ảnh: Thanh Quỳnh
Hội nghị ghi nhận 13 lượt phản ánh, kiến nghị của cử tri trên địa bàn 3 xã Lạng Khê, Châu Khê, Cam Lâm (huyện Con Cuông). Ảnh: Thanh Quỳnh

Cử tri Lô Văn Dũng (bản Bãi Gạo, xã Châu Khê) phản ánh tình trạng chậm đền bù liên quan đến dự án thủy điện Chi Khê sau khi tiến hành cao trình 38. Theo đó, bản Bãi Gạo có 15 hộ thuộc diện di dời và thu hồi đất trên 30% được thủy điện đền bù, các đối tượng này đa phần là hộ nghèo và là đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua kể từ khi ban hành chính sách hỗ trợ này cho đến nay thì toàn bộ các hộ dân trên vẫn chưa được hưởng chế độ hỗ trợ nào.

Cũng liên quan đến dự án thủy điện này, cử tri Ngô Thành Tài - Bí thư Chi bộ bản Khe Choăng phản ánh tình trạng ô nhiễm nguồn nước trong quá trình thủy điện tích nước. Theo đó, nhiều năm qua nguồn nước sinh hoạt phục vụ cho 30 hộ dân trong bản thường xuyên bị vẩn đục, ô nhiễm khiến cho người dân vô cùng bức xúc. Tình trạng này không chỉ diễn ra tại bản Khe Choăng mà còn tác động đến nhiều vùng bản lân cận.
Ngoài ra, nhiều cử tri phản ánh đến các vấn đề liên quan đến: tình trạng xuống cấp trầm trọng của hệ thống giao thông, đặc biệt là các tuyến đường liên bản, liên xã; chế độ phụ cấp cho cán bộ thôn, bản còn thấp; tình trạng gặp khó cho đầu ra cho các sản phẩm chè, mía, sắn của bà con nông dân địa phương..
Ảnh: Thanh Quỳnh
Ông Trần Nhật Minh - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại diện đoàn ĐBQH tỉnh giải trình, làm rõ một số kiến nghị của cử tri trong thẩm quyền. Ảnh: Thanh Quỳnh

Phát biểu kết luận tại buổi tiếp xúc cử tri, ông Trần Nhật Minh - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội chuyên trách ghi nhận những ý kiến, đề xuất, kiến nghị tâm huyết của cử tri, liên quan đến sự phát triển của địa phương nói riêng, toàn tỉnh nói chung.

Tại hội nghị, nhiều phản ánh của cử tri đã được đại biểu quốc hội và đại diện các sở, ngành, chính quyền địa phương giải trình, làm rõ. Đối với các ý kiến thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp, chuyển tải đầy đủ đến Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng Trung ương, địa phương xem xét, giải quyết theo quy định./.

Tin mới