Cử tri sẽ theo dõi, trông chờ kết quả thực hiện những nội dung mà đại biểu nêu tại kỳ họp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Nhiều cử tri cho rằng, phiên chất vấn, trả lời chất vấn đã giúp người dân hiểu rõ hơn về tình hình thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Cử tri sẽ theo dõi, trông chờ kết quả thực tế, đề nghị các cấp ngành thực hiện sớm nhất các giải pháp đã nêu tại kỳ họp.

Giúp cử tri hiểu rõ hơn tình hình

Cử tri Trần Văn Quân (Nghi Lộc) cho biết, theo dõi sát diễn biến của Kỳ họp HĐND tỉnh họp lần này, đặc biệt là diễn biến tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn của các đại biểu đã giúp ông hiểu rõ hơn về tình hình triển khai, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Điều này cho thấy Đảng, Nhà nước đã luôn quan tâm, ưu tiên phát triển vùng đồng bào còn khó khăn bằng cách dành những chương trình, dự án và nguồn vốn đầu tư.

Tuy nhiên, qua báo cáo trước lúc diễn ra chất vấn, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, Nghệ An hiện nay vẫn chưa tự cân đối được nguồn chi, đang còn phải nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương nên rất khó khăn. Vì vậy, nguồn vốn bố trí để đối ứng của địa phương còn bị động. Bên cạnh đó tỉnh còn phải ưu tiên bố trí kinh phí phòng chống bão lụt, hoặc một số nhiệm vụ trọng tâm khác nên nguồn lực địa phương đối ứng được huy động, lồng ghép từ nhiều nguồn khác nhau ví như nguồn chi địa phương chi thường xuyên, xây dựng giao thông, thuỷ lợi…

Đại biểu nêu câu hỏi sát, đúng

“Tôi rất tâm đắc với các câu hỏi của những đại biểu như Đinh Anh Dũng ở Kỳ Sơn, Trần Thị Thanh Huyền ở Thanh Chương, Lê Thị Thêu ở Tân Kỳ… vì họ đã nêu những câu hỏi phản ánh đúng thực tế đang diễn ra, là vấn đề người dân đang quan tâm. Đồng thời đây cũng là vấn đề cử tri đang chờ trông và quan sát xem các cấp, ngành sẽ giải quyết như thế nào. Nhất là việc thực hiện các quy định về cơ chế quản lý, phân cấp, phân quyền trong thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia ở vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Người dân cũng như cán bộ chính quyền những địa phương này sẽ cần nhiều hơn sự hướng dẫn, hỗ trợ từ các cấp, ngành” - cử tri Vi Thị Tâm ở huyện Con Cuông bày tỏ.

Cử tri Lê Thị Thêu (Tân Kỳ) nêu câu hỏi chất vấn tại phiên họp. Ảnh: Thành Cường

Cử tri Lê Thị Thêu (Tân Kỳ) nêu câu hỏi chất vấn tại phiên họp. Ảnh: Thành Cường

Cử tri Lưu Văn Ba ở huyện Quỳnh Lưu thì cho rằng, đại biểu Quế Thị Trâm Ngọc ở huyện Quỳ Châu đã nêu câu hỏi nhiều người quan tâm, đó là việc địa phương nghèo không có tiềm lực, khi có dự án nhưng lại không bố trí được vốn đối ứng trong năm, thì năm tiếp theo có bị trừ số vốn dự án cấp hay không, nếu cắt thì sẽ ảnh hưởng đến tổng thể thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh như thế nào. Có một đại biểu cũng nêu câu hỏi khá hay, đó là “làm thế nào để bố trí được đủ vốn đối ứng trong năm và đấu thầu dự án kịp thời, đúng quy định trong khi vốn giải ngân chậm, đến tháng 11 nhưng chưa có” - ông Ba nêu.

Trông chờ các cấp ngành thực hiện hiệu quả các giải pháp

Theo dõi câu trả lời của đại biểu là lãnh đạo các sở, ngành, một số cử tri cho biết, với các phần trả lời nêu giải pháp khắc phục các hạn chế, khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, cử tri trông chờ và sẽ theo dõi các cấp ngành thực hiện như thế nào.

Cử tri Lương Văn Long ở huyện Quế Phong cho biết, phần trả lời của Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thanh Hải đã nêu rõ về tình trạng hiện các địa phương Nghệ An đang gặp nhiều khó khăn về bố trí vốn đối ứng các chương trình mục tiêu quốc gia vì là tỉnh đất rộng, người đông, đồng bào vùng miền núi có hơn 1,2 triệu người, địa hình khí hậu khắc nghiệt.

Các huyện miền núi Nghệ An thường xảy ra mưa lũ, gây thiệt hại về đường giao thông nên cần số kinh phí lớn để sửa chữa. Trong ảnh: Cảnh tan hoang ở bản Sơn Hà, xã Tà Cạ (Kỳ Sơn) sau lũ quét. Ảnh tư liệu: Hoài Thu

Các huyện miền núi Nghệ An thường xảy ra mưa lũ, gây thiệt hại về đường giao thông nên cần số kinh phí lớn để sửa chữa. Trong ảnh: Cảnh tan hoang ở bản Sơn Hà, xã Tà Cạ (Kỳ Sơn) sau lũ quét. Ảnh tư liệu: Hoài Thu

Cử tri Long cũng bày tỏ thêm, để khắc phục, ông Trịnh Thanh Hải nêu giải pháp cơ bản là bám vào mục tiêu tổng quát để định lượng mục tiêu cấp vốn hàng năm cho từng dự án. Năm 2022 đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn sự nghiệp đối ứng của tỉnh là 302 tỷ đồng, trong đó vốn địa phương phải đối ứng là 30,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực trạng các địa phương vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản khó có khả năng bố trí vốn đối ứng nên chủ yếu tỉnh sẽ đảm nhận. Cách bố trí lồng ghép được tính toán từ nguồn đã bố trí cho các chương trình dự án đề án đã được phê duyệt trước đây mà có cùng mục tiêu, nhiệm vụ, cùng địa bàn… và tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương.

Thêm vào đó, cử tri cho rằng, cùng với ý kiến trả lời của ông Nguyễn Xuân Đức - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, vốn đối ứng cho 3 Chương trình mục tiêu quốc gia Sở sẽ phối hợp với Sở Tài chính để ưu tiên bố trí, nhất là từ các nguồn có thể vận dụng được. Cử tri Long nói: “Cử tri sẽ theo dõi xem các cấp ngành sẽ thực hiện các giải pháp, biện pháp đã được đại biểu nêu, trả lời tại phiên họp này. Dù biết rằng để thực hiện được không phải dễ và phải có sự phối hợp nhịp nhàng, tích cực, hiệu quả từ trên xuống dưới, nhưng cử tri rất mong chờ sang năm 2023 các vướng mắc sẽ không lặp lại”...

Tin mới