Cửa hàng tiện lợi sắp bị doanh nghiệp ngoại 'nuốt' trọn thị phần

Các doanh nghiệp nước ngoài chiếm đến 70% thị phần ở kênh bán lẻ cửa hàng tiện lợi và một nửa thị phần bán hàng trực tuyến ở Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Công Thương.

Theo báo cáo về tình hình thương mại trong nước của Bộ Công Thương, năm 2016, các doanh nghiệp FDI chiếm 70% thị phần bán lẻ qua cửa hàng tiện lợi; khoảng 50% thị phần qua các hình thức bán hàng trực tuyến, truyền hình, điện thoại…; khoảng 17% thị phần qua trung tâm thương mại, siêu thị; 15% thị phần qua siêu thị mini.

Cửa hàng tiện lợi sắp bị doanh nghiệp ngoại 'nuốt' trọn thị phần ảnh 1

Việt Nam đang lép vế các đối thủ ngoại ở kênh bán hàng cửa hàng tiện lợi.

 » Xóa bỏ tình trạng dịch vụ SMS 'móc túi' người dùng di động

Các doanh nghiệp trong nước chịu áp lực nhiều hơn do sự gia tăng nhanh chóng nguồn hàng nhâp khẩu từ các nước nhờ giá thành rẻ hơn, chất lượng, mẫu mã đa dạng, cũng như sự gia tăng của các nhà cung cấp nước ngoài.

Nhiều chuỗi cửa hàng tiện ích nổi tiếng thế giới như Ilahui (Hàn Quốc), Miniso, Daiso (Nhật Bản), Circle K... đã xuất hiện ngày càng nhiều ở Việt Nam, nhất là các thành phố lớn. 7-eleven sẽ vào Việt Nam trong năm tới. Trong khi tại Việt Nam, xem ra chỉ có Vinmart là có đủ lực để cạnh tranh với các đối thủ ngoại. 

Đối với thhị phần bán lẻ qua trung tâm thương mại, siêu thị và siêu thị mini của các doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 15-17%, doanh nghiệp nội vẫn còn dư địa để phát triển. Tuy nhiên, áp lực đối với doanh nghiệp trong nước ngày càng lớn khi hàng loạt siêu thị lớn rơi vào tay đại gia Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc sau những thương vụ mua bán sáp nhập (M&A).

Năm qua, có thể kể đến các thương vụ đình đám như Tập đoàn TCC của Thái Lan mua lại Metro Cash&Carry với 19 trung tâm trên cả nước và các bất động sản liên quan trị giá 655 triệu euro (tương đương 848 triệu USD). Tập đoàn Central Group của Thái chi 1,05 tỷ USD mua lại hệ thống Big C gồm 33 siêu thị, trung tâm thương mại. Trước đó, năm 2015, Central Group cũng đã chi hơn 100 triệu USD thâu tóm nhà bán lẻ số một trên thị trường điện máy Việt Nam là Nguyễn Kim.

Các tập đoàn lớn như Lotte, Aeon… cũng đều có dự định mở rộng thị phần tại Việt Nam bằng cách tăng thêm trung tâm thương mại hay khu mua sắm.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm qua ước đạt 3,53 triệu tỷ đồng, tăng 10,2% so với 2015. Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2016 ước đạt 2,67 triệu tỷ đồng.
 

Theo Hoàng Dương/baotintuc

TIN LIÊN QUAN

Tin mới