Cuba sẽ ra sao khi Raul Castro thôi chức Chủ tịch?

(Baonghean.vn) - Chủ tịch Cuba Raul Castro theo kế hoạch sẽ từ nhiệm trong tuần này, sau khi đảm nhiệm 2 nhiệm kỳ 5 năm. Câu hỏi dư luận quan tâm hiện nay là sẽ có những thay đổi gì dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Miguel Diaz-Canel, ứng viên thay thế chính thức duy nhất, sau 6 thập niên điều hành đất nước của nhà Castro.
Ông Raul Castro. Ảnh: Reuters
Ông Raul Castro. Ảnh: Reuters

Kể từ cuộc cách mạng năm 1959, nhà Castro đã lên nắm quyền lãnh đạo tại quốc gia xã hội chủ nghĩa này. Sau khi ông Fidel nghỉ hưu vào năm 2008, người em Raul tiếp quản công việc. Giờ đây, khi nhà lãnh Raul tuyên bố sẽ thôi nhiệm, người kế nhiệm được đích thân Đảng Cộng sản Cuba chọn ra là Diaz-Canel gần như chắc chắn sẽ thay thế vị trí Chủ tịch khi tiến hành bỏ phiếu vào ngày 19/4.

Diaz-Canel sẽ đối mặt với những khó khăn về kinh tế, cũng như thách thức của việc duy trì quan hệ với Tổng thống Mỹ Donald Trump, người hồi năm ngoái đã đưa ra những động thái làm đảo ngược sự ấm lên trong quan hệ ngoại giao giữa 2 bên đạt được dưới thời chính quyền Barack Obama.

Không thay đổi chính sách

Tuy ông Castro sẽ không còn nắm quyền điều hành trực tiếp, nhưng ông vẫn tiếp tục tham gia vào lĩnh vực chính trị. Castro sẽ tiếp tục cương vị người đứng đầu Đảng Cộng sản cầm quyền cho đến năm 2021, là người đứng trong “hậu trường” để định hình các chính sách của đất nước.

“Ông vẫn ở vị trí dẫn dắt đảng và sẽ kiểm soát tình hình”, Zbigniew Ivanovsky - người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu chính trị thuộc Viện nghiên cứu Mỹ Latinh của Học viện Khoa học Nga nhận định.

Bởi vậy, ít có khả năng nhà lãnh đạo mới của đất nước Cuba sẽ chèo lái quốc gia này theo một đường hướng mới, như lưu ý của Giáo sư nghiên cứu Mỹ Latinh và Iberia tại Đại học Paris IV-Sorbonne Salim Lamrani.

Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Cuba xếp thứ 23 trong bảng xếp hạng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên cả những quốc gia phát triển như New Zealand (40) và Hàn Quốc (58). Tỷ lệ biết chữ của Cuba cũng xếp thứ 3 thế giới.

“Sẽ không có bước ngoặt nào trong chính sách của Cuba bởi người dân của đảo quốc này muốn duy trì hình mẫu xã hội của Castro”, Lamrani nói. “Người Cuba muốn bảo vệ nền độc lập của mình cùng tất cả những thành quả xã hội, chẳng hạn như giáo dục và chăm sóc y tế miễn phí, văn hóa cho toàn dân, an ninh mà Cách mạng Cuba đã mang lại”.

 Diaz-Canel có thể thúc đẩy nền kinh tế Cuba?

Trong khi người dân Cuba được tiếp cận miễn phí dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục, cũng như được trợ cấp thực phẩm và nhà cửa, thì hàng hóa tiêu dùng lại khá khan hiếm. Mức lương ở Cuba chỉ vào khoảng 20 USD/tháng, và chỉ có 173.000 chiếc xe hơi tại quốc gia 11 triệu dân này. Tăng trưởng kinh tế chững lại trong những năm gần đây, sau đợt tăng ban đầu khi ông Raul Castro đưa ra một số cải cách thị trường tự do vào năm 2011. Diaz-Canel sẽ cần phải nỗ lực hướng tới việc sửa chữa nền kinh tế còn trì trệ của Cuba - nhưng khó có thể tìm thấy sự nới lỏng trừng phạt từ phía Washington.

“Cuba cần cải thiện tình hình kinh tế, ngay cả khi trở ngại chính cho sự phát triển của Cuba là các đòn trừng phạt kinh tế của Mỹ”, Lamrani nói. “Cuba cũng cần phải đối mặt với chính sách thù địch của chính Trump, người đã hủy đi những bước tiến nhỏ mà Barack Obama đã đạt được, và quay trở lại chính sách đối đầu”.

Từ năm 1962, Mỹ đã duy trì lệnh cấm vận thương mại toàn diện với Cuba. Sau các nỗ lực của Barack Obama nhằm bình thường hóa quan hệ với Cuba, Tổng thống Trump thậm chí còn siết chặt hơn các đòn trừng phạt vào tháng 11 năm ngoái, và cấm hầu hết người Mỹ tới thăm đảo quốc này.

Thiếu đi thương mại tự do với Mỹ, Cuba sẽ cần phải cải thiện sản xuất nông nghiệp để có thể tự cung tự cấp. Hiện Cuba đang nhập khẩu 80% thực phẩm, vì thế chắc chắn Diaz-Canel có việc cần phải làm.

“Nền kinh tế của Cuba có thể nói là đang trải qua giai đoạn quá độ, với các doanh nghiệp nhỏ cùng thương mại quy mô nhỏ đang phát triển tích cực”, Zbigniew nhận xét. Giống như Lamrani, ông gọi kinh tế là một trong những thách thức chính của Diaz-Canel. “Nhìn chung, dư luận chia thành 2 phía: Một bộ phận xã hội và ban lãnh đạo đảng tin rằng cần phải thúc đẩy các cải cách, trong khi giới bảo thủ hơn tin rằng không cần phải vội và đó sẽ là sự chệch hướng khỏi chủ nghĩa xã hội”.

Xe tăng của lực lượng vũ trang Cuba gần địa điểm xảy ra sự kiện Vinh Con lợn ngày 19/4/1961. Ảnh: Reuters
Xe tăng của lực lượng vũ trang Cuba gần địa điểm xảy ra sự kiện Vịnh Con lợn ngày 19/4/1961. Ảnh: Reuters
Mỹ sẽ tìm cách xâm lược tiếp?

Các quan hệ với Mỹ sẽ chủ yếu phụ thuộc vào lập trường của Washington, chuyên gia Lamrani cũng lưu ý. Ông nói: “Cuba luôn thể hiện thiện chí có quan hệ bình thường và hòa bình với Mỹ miễn là các quan hệ này dựa trên sự bình đẳng về chủ quyền, có qua có lại và không can thiệp và các công việc nội bộ”.

Với La Habana, các quan hệ với Mỹ xoay quanh 2 vấn đề hệ trọng. Cuba muốn Mỹ rút căn cứ hải quân tại Vịnh Guantanamo, và gỡ bỏ cấm vận thương mại đã áp đặt. Lập trường của Washington lại là Cuba phải tiến hành “dân chủ hóa” và thực hiện rộng rãi các cải cách thị trường tự do. Ivanovsky tỏ ra thận trọng cho rằng cả 2 bên sẽ không ai có thể đạt được điều họ mong đợi: “Khả năng cao nhất, các quan hệ sẽ duy trì ở mức như hiện nay, khi các vấn đề then chốt vẫn không được giải quyết”.

Chính phủ Mỹ đã có nhiều nỗ lực hòng công khai hoặc bí mật lật đổ chính quyền Castro kể từ cuộc cách mạng năm 1959. Năm 1961, CIA đã tài trợ và dựng lên sự kiện Vịnh Con lợn, trong đó những kẻ đào thoát khỏi chế độ của Castro tìm cách tiến hành đảo chính với sự giúp đỡ quân sự của Mỹ.

Một người dân đi qua bức tường có dòng chữ
Một người dân đi qua bức tường có dòng chữ "Fidel sống mãi" tại Santiago de Cuba. Ảnh: Reuters

Cuộc xâm lược đã hoàn toàn thất bại và là một nỗi hổ thẹn lớn về mặt ngoại giao đối với Washington. Theo giới chức Cuba, kể từ đó, Fidel Castro đã tránh thêm được hàng trăm âm mưu ám sát. CIA bị cho là đã mua chuộc một người tình cũ để đầu độc Castro, “động tay động chân” vào một điếu xì gà để khiến nó phát nổ trong miệng ông Castro, và có thời điểm còn gửi tới nhà lãnh đạo Cuba một cốc sữa lắc bị tẩm độc.

Theo Lamrini, Mỹ hiện khó có khả năng tiến hành thêm sự can thiệp thiếu cẩn trọng nào nữa, mà thay vào đó sẽ chọn một cách tiếp cận ít mang tính trực tiếp hơn. “Chính quyền Trump sẽ cố gắng lật đổ xã hội Cuba”, Lamrani phỏng đoán. “Nhưng kết quả sẽ giống như những chính quyền khác mà thôi: thất bại hoàn toàn”.

Tin mới