Cùng liên kết hướng tới vì lợi ích người lao động

(Baonghean.vn) - Cùng hướng đến quyền lợi người lao động là mục tiêu, ý nghĩa của sự phối hợp liên kết giữa Liên đoàn Lao động tỉnh, Bảo hiểm xã hội và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

 CHUNG TAY VƯỢT QUA ĐẠI DỊCH

Nhiều ý kiến nhận định, trước những ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đối với đời sống nhân dân, người lao động, tình hình kinh doanh sản xuất, năm 2021 trở thành năm của sự hỗ trợ và đối tượng được nhắc đến nhiều nhất trong các chương trình này chính là người lao động. Để sự quan tâm của Chính phủ, Nhà nước đến được tận tay người lao động, không thể thiếu những chương trình phối hợp giữa Liên đoàn Lao động tỉnh, Bảo hiểm xã hội và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Người lao động làm thủ tục để nhận hỗ trợ từ quỹ BHTN. Ảnh: D.T
Người lao động làm thủ tục để nhận hỗ trợ từ quỹ BHTN. Ảnh: D.T

Đánh giá chương trình phối hợp giữa 3 ngành trong năm 2021, bà Hoàng Thị Thu Hương - Trưởng ban Chính sách Pháp luật - Quan hệ lao động, LĐLĐ tỉnh chia sẻ: “Bên cạnh việc có nhiều gói hỗ trợ từ Nhà nước, tổ chức được triển khai, năm 2021 còn là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, năm đầu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp có hiệu quả của các sở, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở… Những yếu tố đó tạo điều kiện thuận lợi cho chương trình phối hợp công tác giữa LĐLĐ tỉnh, BHXH tỉnh, Sở LĐ-TB&XH đạt được nhiều kết quả, góp phần thúc đẩy việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của các ngành và ổn định an sinh xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà”.

Cụ thể, điểm nhấn trong chương trình phối hợp năm 2021 chính là công tác triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 116/NQ-CP nhằm hỗ trợ cho đơn vị sử dụng lao động và người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Ngay sau khi có hướng dẫn thực hiện, liên ngành BHXH – LĐ,TB&XH - LĐLĐ tỉnh đã triển khai quyết liệt, hiệu quả, kịp thời các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng lao động và người lao động được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ một cách nhanh chóng, kịp thời.

Người lao động Công ty TNHH MLB Yên Thành được động viên tinh thần khi nhận nhiều sự quan tâm và hỗ trợ trong thời điểm dịch bệnh. Ảnh: D.T
Người lao động Công ty TNHH MLB Yên Thành được động viên tinh thần khi nhận nhiều sự quan tâm và hỗ trợ trong thời điểm dịch bệnh. Ảnh: D.T

Nhớ lại giai đoạn khó khăn của doanh nghiệp năm 2021, chị Nguyễn Thị Yến - Chủ tịch Công đoàn kiêm Quản đốc Công ty TNHH MLB Yên Thành cho biết: “Chúng tôi được tiếp cận gói hỗ trợ dành cho doanh nghiệp và người lao động từ rất sớm, thông qua tuyên truyền của công đoàn cấp trên, qua group zalo, facebook. Cán bộ công đoàn các cấp còn nhiệt tình tư vấn, tính toán, hướng dẫn chúng tôi thực hiện các thủ tục liên quan để nhận hỗ trợ. Sự hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg thật sự đã vực dậy về tinh thần và đỡ đần về kinh tế cho người lao động nói chung và doanh nghiệp nói riêng”.

Ông Hoàng Quang Phúc - Trưởng Phòng Quản lý thu BHXH tỉnh Nghệ An ghi nhận: “Trong suốt quá trình triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ, LĐLĐ tỉnh đã hỗ trợ cơ quan rất nhiều về công tác tuyên truyền, đối thoại, phổ biến chính sách, góp phần đưa sự hỗ trợ này đến với người lao động và doanh nghiệp một cách chính xác, kịp thời nhất”.

Từ Nghị quyết 68/NQ-CP đến nay có 7.149 đơn vị sử dụng lao động được giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tương ứng 165.576 lao động với số tiền giảm đến 20/01/2022 là hơn 26,5 tỷ đồng (dự kiến giảm hơn 41,7 tỷ đồng/12 tháng). Tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất cho 17 đơn vị, tương ứng 889 lao động, với tổng số tiền tạm dừng đóng hơn 5,7 tỷ đồng.

Từ Nghị quyết 116/NQ-CP, BHXH tỉnh đã thực hiện giảm mức đóng Bảo hiểm thất nghiệp cho 7.567 đơn vị, tương ứng 180.765 lao động với số tiền được giảm mức đóng Bảo hiểm thất nghiệp là hơn 32,5 tỷ đồng (dự kiến giảm 7.645 đơn vị, tương ứng 188.626 lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm mức đóng Bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 10/2021 đến tháng 09/2022 khoảng 101.347 triệu đồng); giải quyết hưởng hỗ trợ cho 199.950 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 20.203 người đã dừng tham gia với tổng số tiền hỗ trợ từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là hơn 545 tỷ đồng…

Có thể đong đếm số tiền trên bằng giá trị vật chất nhưng sẽ khó lòng đong đếm chúng bằng giá trị tinh thần. Với rất nhiều sự quan tâm, tinh thần trách nhiệm, sự chia sẻ, 3 ngành đã chụm lại thành “hòn núi cao” để đưa Nghị quyết đến với người lao động, là điểm tựa cho người lao động trong thời điểm khó khăn nhất.

XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG LAO ĐỘNG HÀI HÒA LỢI ÍCH

Rất nhiều chương trình phối hợp giữa BHXH - LĐ,TB&XH - LĐLĐ tỉnh đều hướng về mục tiêu xây dựng môi trường lao động hài hòa, đảm bảo lợi ích cho người lao động. Điều này được thể hiện rõ nét trong phối hợp kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật Lao động, Luật BHXH và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, xây dựng, đăng ký nội quy lao động và ký kết Thỏa ước lao động tập thể, phối hợp trong công tác rà soát quản lý đối tượng hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp và giải quyết các vướng mắc về chế độ cho người lao động, an toàn vệ sinh lao động, thực hiện quy chế dân chủ và phòng ngừa, giải quyết đình công.

Lãnh đạo 3 đơn vị ký kết chương trình phối hợp thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT giai đoạn 2021-2025. Ảnh: D.T
Lãnh đạo 3 đơn vị ký kết chương trình phối hợp thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT giai đoạn 2021-2025. Ảnh: D.T

Cụ thể, 3 ngành đã phối hợp tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn thực hiện có hiệu quả Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Công đoàn… và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm chuyển biến nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người lao động và người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh. BHXH tỉnh phối hợp với LĐLĐ tỉnh tổ chức các hội nghị tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT trực tiếp với doanh nghiệp, người lao động tại các huyện miền núi như Thanh Chương, Kỳ Sơn… Trang thông tin của Công đoàn đã tập trung tuyên truyền các thông tin, chính sách mới về tiền lương, BHXH, BHYT một cách đầy đủ, kịp thời.

Năm 2021, ba ngành đã phối hợp xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra giám sát liên ngành về việc thực hiện pháp luật Lao động, Luật BHXH tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Cụ thể, thanh tra liên ngành việc chấp hành các quy định của pháp luật về Lao động - An toàn lao động - BHXH tại 3 công trình xây dựng trên địa bàn thành phố Vinh, rà soát về tình hình nợ đọng BHXH, BHTN trên toàn tỉnh, tham mưu UBND chỉ đạo việc giải quyết nợ tiền lương và BHXH của người lao động tại Công ty cổ phần 423, tổ chức làm việc với 92 đơn vị sử dụng lao động nợ đóng BHXH, BHTN, BHYT với số tiền nợ lớn, thời gian nợ kéo dài, phối hợp trong việc giải quyết các đơn khiếu nại liên quan đến chế độ, chính sách của người lao động trên địa bàn, điều tra, giải quyết chế độ cho 28 vụ tai nạn lao động chết người…

Sự phối hợp giữa 3 ngành đóng vai trò quan trọng trong giải quyết đình công. Trong ảnh, đại diện Công đoàn Nghệ An đàm phán với lãnh đạo Công ty TNHH VietGlory. Ảnh: P.V
Sự phối hợp giữa 3 ngành đóng vai trò quan trọng trong giải quyết đình công. Trong ảnh, đại diện Công đoàn Nghệ An đàm phán với lãnh đạo Công ty TNHH VietGlory. Ảnh: P.V

Đặc biệt, trong tình hình quan hệ lao động phức tạp thời gian gần đây, sự phối hợp 3 ngành đã giúp giải quyết 6 cuộc đình công tại 6 doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV Đông A, Công ty cổ phần May VINATEX Hoàng Mai, Công ty TNHH Việt Glory Diễn Châu, Công ty cổ phần Nam Thuận Nghệ An, Công ty TNHH MTV nhựa Châu Âu, Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam. Kết quả, sau đình công, cơ bản các kiến nghị của người lao động như tiền lương, các khoản phụ cấp, điều kiện làm việc, văn hóa ứng xử trong doanh nghiêp… đã được khắc phục.

“Từ những thông tin mà Sở LĐ,TB&XH và cơ quan BHXH tỉnh cung cấp, chúng tôi có thêm dữ liệu để làm việc với doanh nghiệp, chỉ ra những đúng, sai, tồn tại, hạn chế của doanh nghiệp. Điều này góp phần tạo nên thành công của những các cuộc đối thoại, thương lượng trong các cuộc đình công”,  Ông Nguyễn Chí Công - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết.

Hội nghị đánh giá kết quả chương trình phối hợp công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 giữa LĐLĐ tỉnh, BHXH tỉnh, Sở LĐ,TB&XH. Ảnh: D.T
Hội nghị đánh giá kết quả chương trình phối hợp công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 giữa LĐLĐ tỉnh, BHXH tỉnh, Sở LĐ,TB&XH. Ảnh: D.T

Chia sẻ về những mong muốn về chương trình phối hợp trong năm 2022, ông Hoàng Quang Phúc - Trưởng Phòng Quản lý thu BHXH tỉnh Nghệ An nói: “Thời gian qua, chương trình phối hợp giữa 3 ngành đã phát huy hiệu quả, góp phần thực hiện nhiệm vụ riêng của mỗi ngành và cùng nhau hướng đến những chỉ tiêu chung. Năm 2022, chúng tôi hy vọng 3 ngành sẽ cùng nhau giải quyết tình trạng nợ đọng BHXH – đây là một vấn đề nan giải sau thời gian ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ngoài ra, những chương trình phối hợp khác như kiểm tra liên ngành, tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật, tổ chức đối thoại… cũng cần được cụ thể hóa bằng những chỉ tiêu để có được kết quả tốt nhất”.

Liên quan đến quan hệ lao động, dự kiến, trong năm 2022, LĐLĐ tỉnh sẽ phối hợp với Sở LĐ,TB&XH cùng với các cơ quan liên quan tham mưu xây dựng Đề án "Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định; hạn chế các cuộc đình công không đúng trình tự pháp luật trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2030” và tổ chức Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với công nhân lao động; Sở LĐ,TB&XH sẽ chủ trì phối hợp tham mưu triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động”; phối hợp Khu Kinh tế Đông Nam và các địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh”…

Tin mới