Cuộc biểu tình Thái Lão 12/9/1930

“Không có lẽ chúng ta cứ ngồi mà chịu chết, phải cùng nhau đứng lên thôi!…”. Những đoàn người cứ dồn tới, hòa nhịp với tiếng nói của chị Nguyễn Thị Phia(1). Lời diễn thuyết đã gọi đông thêm những đoàn người. Ấy là nông dân từ các nơi: Phố Đông, Phố Tứ, Quảng Xá, Nam Kim (huyện Nam Đàn), Làng Đào, Thịnh Quả (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh); Long Xuyên, Xuân Trạch, Mai Sơn, Đông Châu (thuộc tổng Phù Long , Hưng Nguyên)… Tất cả cứ nườm nượp, rầm rập đi tới. Tiếng bước chân vang động. Người người mãi dồn đến, đứng kín vùng sân và cả bãi cỏ trước đền Phố Đông.

Dứt lời diễn thuyết là tiếng reo hò cùng trống, mõ rộn khắp các làng, xã: Trung Cần, Dương Liễu, Hoành Sơn, Đông Sơn (thuộc tổng Nam Kim, huyện Nam Đàn)… thúc giục dân cày, trai tráng cùng lên đường. Thật, không một ngõ xóm nào là không được đánh thức.

Vốn có sự chuẩn bị từ trước, các thuyền lớn, thuyền bé của hai làng thủy cư là Vạn Cồn và Vạn Sét đều được huy động để chở hết những ai không quen bước qua cầu. Và, sát bờ Bắc nơi ấy là ga xe lửa Yên Xuân.

Khoảng từ cuối giờ Sửu đến đầu giờ Dần ngày 12/9/1930, trời vừa sáng rõ, thì đồng bào đã sang bên tả ngạn sông Lam, đứng tràn mặt đê. Tiếng trống thúc mạnh hơn cả những lúc nước lụt dâng khiến đê sắp vỡ.

Rồi người và người, từ dưới Núi Thành đi lên, từ trên Chợ Liễu đi xuống bà con cứ ùn ùn tiếp đến.Tất cả trùng trùng tiến vào ga Yên Xuân, nơi cách trung tâm Vinh 9 cây số theo đường hỏa xa. Ở đó, lúc đang đêm, do viên cai tổng Phù Long báo, viên xếp ga đã gọi điện báo ra Tòa Công sứ Pháp. Vì thế, rạng ngày đã có thêm một toán lính kéo vào nhưng chúng không làm gì được. Vì lúc ấy, bà con đi biểu tình đã đứng chật cả sân ga, đứng lên cả đường tàu và mặt đê. Lại một phụ nữ đứng lên diễn thuyết(2):

– Bà con có biết, sống ở hai bên bờ sông Cả này, đã bao đời, ông cha ta cày ruộng, nuôi tằm, buôn vải, gánh bộ, đốt than, cuốc mỏ, cật lực lam lũ mà vẫn đói nghèo. Gần đây vì bọn đế quốc Pháp tìm hết mánh khóe, nạo xương, róc tủy, làm chúng ta thêm mất ruộng, mất nhà, chết đói, chết rét. Ta cứ ngồi mà chịu như thế này thì rồi sẽ mất cả giống nòi.

Tiếng quần chúng đồng thanh thét lớn:

– Đả đảo đế quốc Pháp và Nam triều phong kiến chế độ!

– Tăng tiền lương, giảm giờ làm

– Miễn sưu, hoãn thuế, quân cấp công điền thổ!…

Bức tượng lực lượng Tự vệ đỏ Nghệ An 1930 - 1931 (Ảnh chụp tại Bảo tàng XVNT).
Bức tượng lực lượng Tự vệ đỏ Nghệ An 1930 - 1931 (Ảnh chụp tại Bảo tàng XVNT).

Khi các lời hô ấy vừa dứt thì chuyến tàu khách từ Vinh cũng chạy vào. Theo lệnh của Tòa Công sứ Vinh, bọn quản lý hỏa xa đã cho tàu chạy sớm nửa giờ nhưng những người đi biểu tình vẫn kịp tung nhiều truyền đơn vào trong các toa xe. Bọn lính kia đành đứng im cho quần chúng hành động. Viên xếp ga buộc phải cho cắt dây điện thoại rồi bị cuốn theo đoàn biểu tình.

Từ đó, đoàn kéo đi như một cơn bão lớn, cuốn phăng những trở ngại dọc đường, kéo lên Chợ Vực rồi theo đường hàng tổng, qua các làng: Phúc Hậu, Phù Xá, Thông Lãng, Hoàng Cần mà đi ra Thái Lão để rồi xuống Phủ lỵ ở Cầu Đước.

Đoàn biểu tình đi uy nghi, rầm rộ. Nhiều người đang làm giữa ruộng, liền cầm cả cuốc, cào đi theo, khi quần còn xắn cao và chân bê bết bùn. Những tiếng gọi: “miễn sưu”, “hoãn thuế”, “tăng tiền lương” đã lôi cuốn càng lúc càng đông quần chúng vào ngày hội đấu tranh.

Tòa công sứ Vinh.
Tòa công sứ Vinh.

Người cầm cờ tiên phong đã đi đến Cầu Mưng mà cuối đoàn mới bước qua Chợ Cần. Cứ thế, tất cả rầm rập tiến bước về xuôi, nhằm vượt qua Phủ đường ở Cầu Đước mà xuống Tòa sứ Vinh.

Các khẩu hiệu của dân cày đề ra như vậy vốn là những quyền lợi thật thiết thân của công nông, thật chẳng có gì là quá đáng. Thế nhưng, ở dưới Vinh bấy giờ, Công sứ Mác-ty, Tổng đốc Phạm Bá Phổ, Chánh mật thám Rô-be, Giám binh Pơ-tí… đều hốt hoảng, nhốn nháo, lo tìm kế thoát thân sau khi đã sai thêm lính đi đàn áp cuộc biểu tình. Đích thân Mác-ty điện cho Phủ Toàn quyền (Pháp) biết về một cuộc biểu tình có rất đông quần chúng không hề mệt mỏi tham gia như vậy.

Khi đoàn người biểu tình không có súng đạn trong tay vừa kéo đến cánh Đồng Quan của làng Thái Lão (nơi có khu Tưởng niệm bây giờ), thì một tốp 3 chiếc máy bay lao tới ném bom.

Khói đạn bốc mù trời hòa cùng đất cát, cỏ cây, có cả một phần xương thịt của những người tay không đi biểu tình. Một tội ác tày trời của đế quốc Pháp đối với đồng bào yêu tự do, mong sống yên ổn trên bờ sông Lam!

Hiện trường Thái Lão sau cuộc biểu tình ngày 12/9/1930. Ảnh chụp lại tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.
Hiện trường Thái Lão sau cuộc biểu tình ngày 12/9/1930. Ảnh chụp lại tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.

Anh Nguyễn Năm, một chỉ huy Nông hội đỏ bị thương nặng, máu từ ngực làm ướt cả tấm áo nâu. Anh vươn tay trao chiếc gậy và nắm cơm đùm trong lá chuối của mình cho người bên cạnh. Nhìn bà con xung quanh, nhìn những bạn điền cùng chung cảnh cơm tấm, áo vá mà nói trong hơi thở cuối:

– Tất cả hãy tiến lên, cứ tiến lên mà giết cho hết lũ giặc nước !

Đoàn biểu tình nghe theo. Trong hàng quân, nhiều người mang thêm chiếc gậy hoặc ngọn mác của người vừa ngã xuống với ý thức trách nhiệm nặng nề hơn. Cuộc đấu tranh lại có thêm những khẩu hiệu mới:

“Đả đảo đế quốc Pháp tàn sát cuộc biểu tình”,

“Kiên quyết trả thù cho những người đã thiệt mạng vì bom giặc”.

Cùng lúc ấy toàn thị xã Vinh – Bến Thủy nổi báo động. Tại nhiều nơi, cả Tòa sứ, Dinh tổng đốc, Trại giám binh đều nhốn nháo. Lính lê-dương, khố đỏ, khố xanh, khố vàng, lính lệ, với mọi thứ vũ khí, tất cả đều được bọn chỉ huy điều động để bảo vệ công sở, thành quách! Chúng sai một đạo quân đi ngược lên phủ lỵ, nhập vào bọn lính đã có sẵn ở đấy, hòng chặn đoàn biểu tình từ xa. Nhưng khi bà con mình chưa bước tới thì bọn chỉ huy đã chạy vào làng trốn biệt. Còn binh lính thì bị đoàn người đi tranh đấu gạt ra hai bên đường, đứng run lẩy bẩy. Đoàn biểu tình vẫn tiến.

Mộ các liệt sỹ Xô viết Nghệ Tĩnh hy sinh ngày 12/9/1930. Ảnh: Tư liệu
Mộ các liệt sỹ Xô viết Nghệ Tĩnh hy sinh ngày 12/9/1930. Ảnh: Tư liệu

Bỗng, các đồng chí chỉ huy của ta nghe báo cáo là, Tri phủ Hưng Nguyên Phạm Hữu Văn đã bỏ phủ đường kéo theo vợ con và mấy viên nha lại chạy xuống Vinh, tìm chỗ ẩn nấp sau bệ súng máy của bọn lính lê-dương.

Nhận được những tin tức đó, anh Lũ(3) đứng ngay lên trên một mô đất cao, với mái tóc cắt gọn và màu da rám nắng, tuyên bố trịnh trọng, nghiêm trang:

– Kẻ thù đã bỏ công sở này mà chạy. Chúng nó, bọn thực dân Pháp và quan lại Nam triều giấu mặt nhưng trốn sao được trách nhiệm, xóa sao được tội ác. Món nợ máu này, đời đời dân ta bắt chúng nó phải trả. Chúng ta sẵn sàng chịu mất mát trong đấu tranh để đi đến thắng lợi cuối cùng là buộc thực dân, phong kiến: Trả xưởng máy cho thợ thuyền, trả ruộng đất cho dân cày, tự do cho mọi con người lao khổ. Đây chỉ mới là trận đầu. Đường đấu tranh còn nhiều gay go, quyết liệt nhưng kẻ địch nhất định phải đền nợ máu. Cuộc cách mạng của ta nhất định thành công. Đề nghị bà con chúng ta trở về, chuẩn bị cho các trận chiến ngày mai”.

Chiều 12/9, dưới sự lãnh đạo của một số chi bộ đảng, hội viên Thanh niên cộng sản Đoàn và Tự vệ đỏ đang tập trung giúp các gia đình chôn cất những người vừa ngã xuống thì một tên cựu cai tổng phản động, muốn lập công đã tức tốc đi xuống tỉnh báo là quần  chúng lại biểu tình. Thế là bọn giặc Pháp lại đến ném bom!

Ngày 12/9/1930 ấy, với sự tàn sát man rợ của đế quốc Pháp, 217 đồng bào ta hy sinh và 125 người bị thương.

Các liệt sĩ Thái Lão đã ngã xuống vì độc lập của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Cùng lúc ấy, Chính quyền Xô-viết được thành lập ở nhiều vùng nông thôn trong hai tỉnh Nghệ – Tĩnh.

Một góc thị trấn huyện Hưng Nguyên.
Một góc thị trấn huyện Hưng Nguyên.

(1) Chị có bí danh là Lam, quê làng Trung Cần, tổng Nam Kim, đảng viên của chi bộ ghép thuộc hai tổng: Phù Long (Hưng Nguyên) và Nam Kim  (Nam Đàn).

(2) Theo những người tham gia biểu tình lúc ấy nói lại thì đó là chị Nguyễn Thị Quang Thái, em ruột chị Minh Khai (quê ngoại ở làng Đào, Đức Thọ, Hà Tĩnh).

(3) Chắt Lũ, tức Lê Xuân Đào, là người tổ chức và lãnh đạo cuộc biểu tình này, nhưng về mặt công  khai, trước quần chúng, chi bộ Đảng chọn Nguyễn Ngọc Ngoạn làm  Tổng chỉ huy. Đồng chí Ngoạn lúc đó là người đang được Chi bộ Đảng cộng sản theo dõi để kết nạp.