“Cuộc cách mạng” thay đổi toàn diện hệ thống tổ chức của Bộ Công an

(Baonghean.vn) - Đây là một trong những ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận của tổ Đại biểu Quốc hội các tỉnh Nghệ An, Bắc Kạn, Trà Vinh.
Chiều 7/6, dưới sự chủ trì của đại biểu Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, tổ đại biểu Quốc hội các tỉnh Nghệ An, Bắc Kạn, Trà Vinh đã thảo luận về dự án Luật Chăn nuôi và dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi).
Toàn cảnh phiên thảo luận tổ đại biểu các tỉnh Nghệ An,
Toàn cảnh phiên thảo luận tổ đại biểu các tỉnh Nghệ An, Bắc Kạn, Trà Vinh. Ảnh: Diệp Anh
Thảo luận về dự án Luật CAND (sửa đổi), đa số các ĐBQH đều tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn CAND trong công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; khắc phục những chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, địa bàn, đối tượng quản lý.
Đồng thời việc sửa đổi này nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý để sắp xếp lại tổ chức bộ máy công an phù hợp, đồng bộ, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo hướng: “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở” làm cơ sở cho việc điều chỉnh, sắp xếp, bố trí lực lượng và từng bước thực hiện tinh giản biên chế…
Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Anh Tuấn
Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Anh Tuấn
Tuy nhiên, một số đại biểu cũng cho rằng, trong quá trình sửa đổi, bổ sung nội dung dự thảo Luật cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng, có lộ trình phù hợp, bảo đảm tính khả thi, tính ổn định và phát triển, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài. Đồng thời, bảo đảm sự đồng thuận cao trong xã hội, hạn chế tối đa những tác động bất lợi đối với cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân và công an xã hiện nay.
Đánh giá về dự thảo luật, ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng đây là “cuộc cách mạng” từ trước đến nay, thay đổi toàn diện hệ thống tổ chức của Bộ Công an. Với 6 tổng cục, 126 cục, giờ không còn tổng cục, bỏ cấp trung gian, 126 cục nhập lại còn 60 cục, trong khi chức năng nhiệm vụ của lực lượng công an không hề thay đổi, biên chế không đội lên, tất cả chế độ, chính sách vẫn giữ nguyên. Bộ Công an chỉ tổ chức lại lực lượng cho tinh gọn, đúng với thực tiễn yêu cầu chiến đấu của lực lượng công an trong giai đoạn mới, đây thực sự là bước tiến mới và Bộ Công an tiên phong đầu tiên ‘‘Sửa Luật CAND cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mới là tất yếu khách quan, là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay để nhanh chóng ổn định tổ chức’’, đại biểu Cầu nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu có ý kiến tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Anh Tuấn
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu có ý kiến tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Anh Tuấn
Mặt khác, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cũng bày tỏ đồng tình quan điểm: ‘‘Làm gì thì làm dứt khoát không đội thêm biên chế, không làm thêm gánh nặng cho ngân sách nhà nước và phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Như vậy mục tiêu cải cách tổ chức bộ máy mới đạt yêu cầu đề ra’’.
Bày tỏ ủng hộ chủ trương chính quy công an cấp xã, Trưởng Đoàn ĐBQH   tỉnh Nguyễn Đắc Vinh cho rằng: Hiện nay, có rất nhiều xã phát triển, nên chính quy hóa lực lượng an ninh ở đó và có nguyên tắc: Tổng quân số công an không đổi, không vượt biên chế, chỉ sắp xếp trong lực lượng đó nhưng theo hướng các địa bàn trực tiếp được chính quy hóa dần lên. Trưởng Công an chính quy, phải được đào tạo hiểu luật pháp, bảo đảm nội dung giải quyết an ninh trật tự trên địa bàn tốt hơn… ‘‘Song, cần có tính toán, có lộ trình, và giải quyết tốt các vấn đề thực tiễn nảy sinh’’, ông Vinh đề nghị.
Các đại biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Anh Tuấn
Các đại biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Anh Tuấn
Thảo luận về dự án Luật Chăn nuôi, đa số các ĐBQH cho rằng, việc xây dựng luật là cần thiết, phù hợp với chiến lược ngành chăn nuôi, phát triển theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, tái cơ cấu ngành chăn nuôi, thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững.
Ngoài ra, phải đáp ứng được yêu cầu quản lý thực tế sản xuất, kinh doanh ngành chăn nuôi, phù hợp với nền kinh tế thị trường, tạo hành lang pháp lý cho người sản xuất, kinh doanh hiểu biết, dễ thực hiện và cơ quan quản lý thực hiện hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm…
Nhiều đại biểu nhấn mạnh, mục tiêu của chúng ta là đạt tới một nền sản xuất chăn nuôi đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu, bảo đảm tất cả sản phẩm chăn nuôi phải được truy xuất nguồn gốc, không để như hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền nêu ý kiến tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Anh Tuấn
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền nêu ý kiến tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Anh Tuấn
Liên quan đến quản lý chất thải chăn nuôi ở cơ sở chăn nuôi trang trại, dự thảo Luật quy định, cơ sở chăn nuôi trang trại phải áp dụng các kỹ thuật, công nghệ phù hợp để thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi nhằm bảo vệ môi trường, sinh thái, an toàn dịch bệnh.
Theo ĐBQH Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An), dự thảo Luật mới chỉ quy định về xử lý chất thải chăn nuôi ra môi trường nhưng lại chưa có quy định về xử lý chất thải này để tái sử dụng. Từ thực tế địa phương, Tập đoàn TH đã làm rất tốt vấn đề này, ĐB Nguyễn Thanh Hiền đề nghị cần bổ sung quy định về nội dung này trong dự thảo Luật, để vừa bảo đảm xử lý được môi trường vừa tận dụng được nguồn năng lượng từ việc xử lý chất thải.

Tin mới