Cuộc chiến khẩu trang: Khi lợi ích là trên hết!

(Baonghean) - Thế giới đã có hơn 1 triệu người mắc Covid-19, kéo theo cơn khủng hoảng về các thiết bị y tế, dẫn đến cuộc chiến giành giật quyết liệt khẩu trang, mặt nạ phòng độc, găng tay… trên phạm vi toàn cầu, bất chấp cả các mối quan hệ đồng minh. Điều này không chỉ đặt ra câu hỏi về giá trị của các mối quan hệ quốc tế trong khủng hoảng mà còn cho thấy nhiều “lỗ hổng” khi thế giới phải chống chọi với cơn “đại địa chấn”.

“Góc tối” của tình thân hữu

Trong những ngày qua, không phải dầu mỏ, vàng hay chứng khoán mà khẩu trang và các thiết bị y tế mới là thị trường sôi động nhất trên khắp thế giới. Sự thay đổi “cái nhìn” của các nước từ châu Âu tới Mỹ với khẩu trang - vật dụng bảo hộ y tế trong đại dịch Covid-19 là nguyên nhân chính khiến cho mặt hàng này trở nên “đắt hàng”.

Xã hội các nước phương Tây từ chỗ xem việc đeo khẩu trang là “bất thường”, thì nay đã buộc phải công nhận khẩu trang là một trong những biện pháp quan trọng giúp ngăn ngừa virus phát tán rộng rãi trong cộng đồng. Cũng chính bởi thế, trong khoảng một tuần trở lại đây, ngoài các thiết bị đặc biệt như máy thở, các bộ kit xét nghiệm, mặt hàng được nhắc đến nhiều nhất ở Mỹ và châu Âu chính là khẩu trang. Tất nhiên, các quốc gia này không có đủ nguồn dự trữ và các nguyên liệu để sản xuất hàng triệu chiếc mỗi ngày.

Nhu cầu về khẩu trang đã tăng mạnh trong những tuần gần đây. Ảnh: SCMP
Nhu cầu về khẩu trang đã tăng mạnh trong những tuần gần đây. Ảnh: SCMP

Theo thống kê, số khẩu trang tính đến cuối tháng 3 của Mỹ chỉ đáp ứng được 1% nhu cầu tại nước này. Tình trạng khan hiếm tương tự diễn ra tại nhiều nước châu Âu. Vì thế, họ buộc phải tìm đến các thị trường châu Á - vốn là nơi cung cấp chủ yếu khẩu trang cho thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh, Trung Quốc và các nước châu Á cũng đang rất cần khẩu trang để đối phó với dịch bệnh đồng thời khả năng sản xuất chưa thể phục hồi như trước đại dịch, rõ ràng, sự chênh lệch giữa “cầu” và “cung” trở nên rất lớn.

Tình trạng khan hiếm khiến các thương vụ mua bán trở thành các vụ “giành giật”, bất tuân quy luật thị trường. 

Từ đó mới có chuyện các thương vụ mua bán trở thành các vụ “giành giật”, bất tuân quy luật thị trường. Điển hình là chuyện Đức “tố” Mỹ “nẫng tay trên” một lô hàng hơn 200.000 chiếc khẩu trang được mua từ một công ty của Mỹ đặt tại Trung Quốc. Andreas Geisel, người đứng đầu cơ quan nội vụ của Berlin cho rằng, có thể vì Chính phủ Mỹ đã cấm xuất khẩu mặt hàng khẩu trang. Tuy nhiên, ông vẫn yêu cầu Washington tuân thủ các quy tắc thương mại quốc tế.

Không rõ vụ việc này có khiến mối quan hệ giữa hai đồng minh Mỹ - Đức trở nên căng thẳng hơn hay không nhưng dư luận và báo chí Đức đều bày tỏ sự phẫn nộ ra mặt. Nhiều tờ báo Đức gọi hành động của Mỹ là “cướp biển thời hiện đại” hay cách hành xử của Washington theo kiểu “miền Tây hoang dã”. Sau vụ việc này, truyền thông châu Âu cũng đồng loạt đưa tin một số quan chức Pháp cáo buộc Mỹ đã “ẵm” một lô hàng khẩu trang mà Pháp đã đặt Trung Quốc trước bằng việc đưa ra giá cao hơn nhiều lần.

Lô khẩu trang được cho là đã bị chặn tại một sân bay Thái Lan và sau đó chuyển hướng sang Mỹ. Trong ảnh: các hộp mặt nạ FFP-2 đang được giao cho quân đội Đức. Ảnh: AFP
Lô khẩu trang được cho là đã bị chặn tại một sân bay Thái Lan và sau đó chuyển hướng sang Mỹ. Trong ảnh: Các hộp mặt nạ FFP-2 đang được giao cho quân đội Đức. Ảnh: AFP

Ngay cả trong nội bộ châu Âu, những “hành động không đẹp” liên quan đến khẩu trang và thiết bị y tế cũng được báo chí nhắc đến những ngày này. Romania bị chỉ trích vì đã quyết định chặn một số bưu kiện được chuyển đến Italy trong đó có 10.000 mặt nạ y tế, 17.000 khẩu trang, 400 khẩu trang sử dụng một lần, 45 bộ quần áo bảo hộ y tế. EU sau đó đã buộc phải can thiệp để tránh xảy ra các xung đột về ngoại giao. Pháp, được cho cũng từng có hành động không đẹp khi trưng dụng 4 triệu khẩu trang quá cảnh của Công ty Mölnlycke (Thụy Điển). Số khẩu trang này dự kiến được chuyển cho Tây Ban Nha và Italy. Chưa hết, Bộ Thương mại Tunisia cũng cáo buộc Italy thu giữ trái phép một lô hàng nước sát khuẩn trên đường đến Tunisia từ Trung Quốc.

Tất cả những sự việc này đều cho thấy, “từ dịch Covid-19, những “góc tối” trong các mối quan hệ quốc tế đã dần lộ sáng. Các quốc gia trở nên hỗn loạn, nỗi lo sợ, hoang mang về dịch bệnh khiến các đồng minh, thân hữu lâu nay bỗng chốc quay lưng, sẵn sàng “ra tay” vì lợi ích của riêng mình.

Gia tăng ngờ vực

Đại dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu chững lại, những cuộc giành giật khẩu trang mà báo chí gọi tên là “cuộc chiến khẩu trang” càng làm nổi bật những ngờ vực cơ bản giữa Mỹ và châu Âu và trong chính nội bộ các nước ở “lục địa già”. Kể từ khi đại dịch bùng phát, thế giới đã chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc, kiểu “mạnh ai, nấy làm” giữa các đồng minh xuyên Đại Tây Dương và giữa các nước trong EU với nhau. Từ chuyện thiếu hợp tác, chia sẻ giữa các nước châu Âu trong cuộc chiến chống Covid-19, cho đến việc Mỹ khiến châu Âu “không kịp trở tay” bởi chính sách cấm đi lại từ châu Âu đến Mỹ từ giữa tháng 3.

Công nhân sản xuất găng tay y tế tại một nhà máy ở Trung Quốc. Ảnh: AFP
Công nhân sản xuất găng tay y tế tại một nhà máy ở Trung Quốc. Ảnh: AFP

Những câu chuyện này có thể khiến nhiều người trong cuộc cảm thấy “sốc” và hụt hẫng nhưng đó hoàn toàn không phải chuyện bất ngờ. Thực tế, mối quan hệ đồng minh Mỹ - Âu “đi xuống” trong nhiều năm qua, thể hiện ở các khía cạnh từ chính sách an ninh, kinh tế, cho đến sự khác biệt trong cách tiếp cận các giá trị chung, truyền thống. Còn bản thân Liên minh châu Âu cũng đang tồn tại nhiều con “sóng ngầm” trong lòng khối. Và khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 lần này được xem là một “phép thử” nữa cho mối quan hệ Washington và Brussel cũng như tình đoàn kết giữa các nước trong EU.

Covid-19 đang nổi lên là một thách thức an ninh phi truyền thống, nó khác hẳn với một cuộc khủng hoảng kinh tế hay các vụ tấn công khủng bố mà Mỹ và châu Âu từng đối mặt và từng “kề vai sát cánh”. Nói cách khác, khi virus tấn công, cả Mỹ và các nước châu Âu đều chịu rủi ro như nhau, mối đe dọa như nhau, vì thế chọn cách tự bảo vệ mình hay cùng nhau đối phó là câu chuyện đang được thể hiện một cách rõ nét những ngày qua.

“Cuộc chiến khẩu trang” có lẽ cũng chỉ là một ví dụ điển hình cho cái gọi là “lợi ích riêng là trên hết”.

“Cuộc chiến khẩu trang” hiện nay giữa các nước có lẽ cũng chỉ là một ví dụ điển hình cho cái gọi là “lợi ích riêng là trên hết”. Trong tương lai khó có thể biết những điều gì sẽ xảy ra khi nguy cơ từ các vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng khó lường nhưng lại có các tác động mạnh mẽ. Trong bối cảnh như vậy, rõ ràng, việc các quốc gia hành xử theo kiểu “dân túy” sẽ làm cho môi trường quốc tế trở nên bất ổn hơn. Một nhà chính trị châu Âu phải nhấn mạnh rằng, “nếu chỉ duy trì mối quan hệ đồng minh trong lúc mọi thứ đều ổn thì mối quan hệ ấy chẳng có ý nghĩa gì”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump khuyên người dân dùng khăn che mặt vì thừa nhận không có đủ khẩu trang. Ảnh: ABC
Tổng thống Mỹ Donald Trump khuyên người dân dùng khăn che mặt vì thừa nhận không có đủ khẩu trang. Ảnh: ABC

Quả thực, trong trường hợp dịch bệnh hiện nay, rõ ràng, thái độ hoài nghi lẫn nhau giữa các quốc gia sẽ gây cản trở những nỗ lực chung trong việc đương đầu và giải quyết thiệt hại do loại virus chưa từng được biết tới gây ra.

Ở một khía cạnh khác, sự tranh giành không khoan nhượng giữa các quốc gia bất chấp quan hệ thân thiết cũng đặt ra câu hỏi về hệ lụy của việc phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung bên ngoài và các nước trước nay vẫn chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến sinh tử. Theo các nhà quan sát, sản phẩm y tế hay các lĩnh vực nhạy cảm khác cần được xem là vấn đề an ninh quốc gia. Dịch Covid-19 lần này cũng là cơ hội để các quốc gia nhìn nhận những “lỗ hổng” trong cuộc chiến chống lại những cơn cơn địa chấn toàn cầu mà bất kỳ nước nào cũng là nạn nhân./.

Tin mới