Cuộc chiến ở 'xứ sở hoa hồng'

(Baonghean) - Theo kết quả sơ bộ, Đảng Công dân vì sự phát triển của Bulgaria (GERB) của cựu Thủ tướng Boyko Borisov đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra ngày 26/3. Chiến thắng của ông Borisov có tư tưởng thân phương Tây được cho là sẽ định hình lại mối quan hệ giữa nước này với Nga cũng như phương Tây thời gian tới đây. Nhưng lộ trình này không hề đơn giản, khi bản thân người dân và chính trường Bulgaria vẫn đang chia rẽ trong vấn đề này.

Cựu Thủ tướng Bulgaria Boyko Borisov dù chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua, nhưng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thành lập chính phủ liên minh. 	(Nguồn: Reuters)
Cựu Thủ tướng Bulgaria Boyko Borisov dù chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua, nhưng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thành lập chính phủ liên minh. (Nguồn: Reuters)

Chiến thắng chưa phải tất cả

Với kết quả không quá chênh lệch, Đảng Công dân vì sự phát triển (GERB) của cựu Thủ tướng Boyko Borisov đã giành chiến thắng trước Đảng Xã hội chủ nghĩa Bulgaria (BSP) của nhà lãnh đạo Kornelia Ninova trong cuộc bầu cử Quốc hội sớm diễn ra ngày 26/3, lần lượt là hơn 32% và hơn 28%. Nếu kết quả được công nhận, nhiều khả năng ông Borisov sẽ là Thủ tướng mới của Bulgaria. 

Điều được dư luận quan tâm nhất trong cuộc bầu cử Bulgaria lần này, đó là ông Boyko Borisov vốn là người có quan điểm nghiêng về phương Tây và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Mặc dù trong tuyên bố của mình, ông Borisov khẳng định rằng, kết quả cuộc bầu cử một lần nữa khẳng định Đảng của ông vẫn là đảng cầm quyền được tín nhiệm nhất hiện nay. Thế nhưng, việc thành lập được Chính phủ mới từ đó định hình lại mối quan hệ với phương Tây của ông Borisov lại là lộ trình không hề đơn giản.

Thể hiện là trong tuyên bố mới nhất, dù thừa nhận thất bại nhưng lãnh đạo Đảng Xã hội đối lập bà Kornelia Ninova đã tuyên bố sẽ không liên minh với đảng của cựu Thủ tướng Borisov. Trong khi đó, các đảng có số phiếu vượt ngưỡng 4% đủ điều kiện liên minh hầu hết lại có tư tưởng dân túy hoặc cực đoan dân tộc.

Dẫn chứng nữa là cuộc bầu cử gần nhất hồi năm 2014, phải mất tới hơn 1 tháng, liên minh cầm quyền mới được thành lập. Không chỉ vậy, dư luận chắc hẳn vẫn chưa quên tháng 11 năm ngoái, ông Borisov cũng đã phải đệ đơn từ chức Thủ tướng vì liên minh cầm quyền của ông đã không còn giữ được thế đa số trong Quốc hội. Động thái này diễn ra sau thất bại của cựu Chủ tịch Quốc hội Tsetska Tsacheva của đảng Công dân vì sự phát triển châu Âu của Bulgaria (GERB) - đảng lớn nhất trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Borisov lúc đó, trước ứng viên Rumen Radev do Đảng Xã hội chủ nghĩa Bulgaria đối lập hậu thuẫn.

Cử tri hoang mang?

Có thể nói, các kết quả bầu cử Tổng thống và Thủ tướng chỉ trong vòng mấy tháng qua đã cho thấy một đất nước Bulgaria đang tồn tại nhiều chia rẽ và khủng hoảng chính trị. Nếu như cuộc bầu cử Tổng thống năm ngoái, một ứng viên theo trường phái thân Nga thắng cử; thì trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua, Đảng của cựu Thủ tướng Borisov có tư tưởng thân phương Tây lại giành chiến thắng.

Nhìn lại thời điểm cuối năm ngoái sau khi có kết quả bầu cử Tổng thống, giới quan sát cho rằng, thất bại ứng viên Tsetska Tsacheva của đảng cầm quyền Công dân vì sự phát triển châu Âu của Bulgaria là có nhiều lý do. Đó là vì người dân vẫn chưa hài lòng với những bước tiến chậm chạp trong cuộc chiến chống tham nhũng của đảng cầm quyền cũng như thất vọng về mối quan hệ giữa Bulgaria và Liên minh châu Âu. Trong khi đó, Bulgaria vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng từ Nga, đồng thời chịu nhiều tổn thất do những biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào Nga. 

Vì vậy, với cam kết cải thiện quan hệ với Nga, ông Rumen Radev đã giành được sự ủng hộ của cử tri nước này để trở thành Tổng thống Bulgaria. Thế nhưng chỉ vài tháng sau, cựu Thủ tướng Boyko Borisov theo trường phái thân phương Tây lại giành chiến thắng. Tất nhiên lộ trình thành lập chính phủ liên minh sẽ còn rất nhiều khó khăn, nhưng kết quả này cho thấy, cử tri Bulgaria đang thực sự hoang mang.

Ông Boyko Borisov khi đang đương chức Thủ tướng Bulgaria được Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker chào đón tại Brussels, Bỉ. (Nguồn Politico)
Ông Boyko Borisov khi đang đương chức Thủ tướng Bulgaria được Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker chào đón tại Brussels, Bỉ. (Nguồn Politico)

Nga hay phương Tây?

Có thể nói, thực trạng Bulgaria - quốc gia nghèo nhất Liên minh châu Âu những năm qua đã khiến cử tri nước này chưa thực sự đặt niềm tin vào đảng phái chính trị nào. Sau nhiều năm gia nhập Liên minh châu Âu, gần 1/4 dân số Bulgaria vẫn sống dưới mức nghèo theo quy chuẩn chính thức của EU, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tới 20%. Một số cử tri cũng phàn nàn rằng, các chính khách đang dành quá nhiều thời gian cho các cuộc tranh giành quyền lực và làm giàu bản thân, chứ chưa thực sự quyết tâm giải quyết những khó khăn của đất nước.

Là một quốc gia nằm trong chiến lược tranh giành ảnh hưởng của cả Nga và phương Tây, Bulgaria mặc dù là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và khối NATO nhưng cũng có nhiều lợi ích phụ thuộc vào Nga. Bởi vậy, các đảng phái tại Bulgaria hiện cũng đang phân rẽ theo hai hướng: thân phương Tây hay thân Nga. Nếu ngả theo châu Âu và NATO, Bulgaria sẽ được đảm bảo về mặt an ninh nhưng lại bị thiệt hại nhiều về kinh tế. Thậm chí, với chiến lược “châu Âu đa tốc độ” mà các nhà lãnh đạo EU đang ấp ủ, Bulgaria còn có nguy cơ bị rơi vào tình thế “công dân hạng hai”. 

Ngược lại, nếu ngả theo Nga, Bulgaria sẽ bớt thiệt hại về kinh tế do nới lỏng các biện pháp trừng phạt với Nga. Thế nhưng, điều này lại sẽ khiến EU và NATO bực bội và đưa ra những điều khoản khắt khe hơn nữa với Bulgaria. Với thực tế như vậy, các nhà lãnh đạo các đảng phái tại Bulgaria sẽ phải mất rất nhiều thời gian để trung hòa mối quan hệ phức tạp với cả Nga và phương Tây. Có như vậy, cuộc khủng hoảng kinh tế - chính trị tại “xứ sở hoa hồng” mới không còn kéo dài.

Phương Hoa

TIN LIÊN QUAN

Tin mới