Cuộc chuyển giao quyền lực của nước Mỹ sẽ ra sao?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại Mỹ, sau một cuộc bầu cử tổng thống, cả 2 ứng cử viên đều tuyên bố là “người thắng cuộc”. Tình huống đặc biệt này một lần nữa “kéo” nước Mỹ vào những tháng ngày giằng co, chia rẽ và chưa rõ cuộc chuyển giao quyền lực vào tháng 1 năm tới sẽ ra sao.

Chưa đến hồi kết!

Trưa 7/11 (theo giờ Mỹ), truyền thông Mỹ đồng loạt xướng tên người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống gay cấn nhất trong nhiều thập kỷ, đó là ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden. Vài giờ sau đó, ông Biden có bài phát biểu tuyên bố ông đã giành “chiến thắng rõ ràng” đồng thời vạch ra phương hướng, chính sách khi ông nhận nhiệm sở. Về lý thuyết, diễn biến này đánh dấu cuộc đua đến hồi kết nhưng thực tế lại chưa hẳn vậy.

Người ủng hộ theo dõi bài phát biểu chiến thắng của ông Joe Biden sáng 8/11 (theo giờ Việt Nam). Ảnh: New York Times
Người ủng hộ theo dõi bài phát biểu chiến thắng của ông Joe Biden sáng 8/11 (theo giờ Việt Nam). Ảnh: New York Times

Bên phía đối thủ, Tổng thống Donald Trump cũng tuyên bố chiến thắng! “Tôi đã thắng cử với 71 triệu phiếu bầu hợp pháp”, ông Trump viết trên Twitter. Đương kim Tổng thống cũng khẳng định, “bầu cử còn lâu mới kết thúc”. Các luật sư của ông tiếp tục lên kế hoạch cho một loạt vụ kiện để chống lại cái gọi là “cú hack của đảng Dân chủ”. Không phải chỉ kiện ở một vài hạt, quận mà là tất cả các bang kiểm phiếu sau và cho kết quả sít sao. Rõ ràng, đây là điều chưa từng có tiền lệ. Trong hơn 1 thế kỷ qua, kể từ khi nước Mỹ thông qua Luật Đếm phiếu đại cử tri năm 1887, chưa bao giờ “xứ cờ hoa” gặp chuyện “dở khóc, dở cười” như vậy. 

Thông thường trong các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trước đây, khi 1 ứng cử viên giành được đa số phiếu đại cử tri và bỏ xa đối thủ, họ hoàn toàn có thể tuyên bố chiến thắng kể cả khi chưa có xác nhận chính thức của các bang. Tuy nhiên, với cuộc bầu cử Mỹ năm 2020, khi các tranh cãi nổi lên gay gắt sau ngày bầu cử liên quan đến vấn đề về cách thức bỏ phiếu và “lá phiếu hợp pháp”, việc ông Joe Biden tuyên bố chiến thắng và đối thủ chưa thừa nhận thất bại cũng là điều dễ hiểu.

Những cử tri ủng hộ ông Trump (71 triệu) hoàn toàn có thể đặt hy vọng vào cuộc chiến pháp lý với mong muốn đảo ngược tình thế. Bởi thực tế, cho đến giờ, chưa bang nào có xác nhận chính thức ông Biden được 290 phiếu đại cử tri. Với một quốc gia “đề cao pháp quyền” như nước Mỹ, luôn có đầy đủ luật để xử lý tất cả các vấn đề nảy sinh tranh chấp, đặc biệt trong các vấn đề chính trị.

Người dân Washington ăn mừng chiến thắng của ứng cử viên Joe Biden. Ảnh: AP
Người dân Washington ăn mừng chiến thắng của ứng cử viên Joe Biden. Ảnh: AP

Tất nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, cuộc đấu nhằm “đảo ngược” cục diện đang trở nên khó khăn hơn cho đương kim Tổng thống Trump. Bởi lẽ, nếu việc khởi kiện chỉ diễn ra ở 1 hoặc 2 hạt, thậm chí một, hai bang, kết quả có thể thay đổi. Thế nhưng, số phiếu của ứng cử viên Biden giành được đã bỏ quá xa và vượt lên ông Trump ở đa số các bang chiến địa, việc khởi kiện hay đòi kiểm phiếu lại sẽ có ít hiệu quả tích cực. Đó là chưa kể, đội ngũ của ông Trump cần tìm ra bằng chứng cho những cáo buộc về gian lận phiếu bầu nếu muốn được tòa án các bang hoặc liên bang chấp nhận vụ kiện. Thực tế, cho đến nay dù tỏ ra tức giận với nhiều lời cảnh báo và chỉ trích, nhưng chiến dịch của đương kim Tổng thống vẫn chưa đưa ra những bằng chứng thuyết phục nhằm yêu cầu việc kiểm phiếu lại. Các chuyên gia pháp lý cho rằng, các vụ kiện khó có thể thành công trong việc thay đổi kết quả bầu cử.

Song với tính cách của mình cùng sự ủng hộ của hàng chục triệu cử tri đã bỏ phiếu, ông Trump sẽ không dễ dàng bỏ cuộc trong cuộc chiến pháp lý sắp tới dù kết quả có ra sao. Chính bởi vậy, có thể nói diễn biến cuộc giằng co của cuộc bầu cử Mỹ vẫn sẽ tiếp tục, có lẽ vẫn cần chờ thêm!

Cuộc chuyển giao khó khăn

Cuộc bầu cử Mỹ chưa đến hồi kết đồng nghĩa với vấn đề chuyển giao quyền lực cũng trở nên khó đoán. Thông thường, quá trình chuyển giao được thực hiện dựa trên sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền sắp mãn nhiệm và chính quyền mới, kể cả khi hai bên là những đảng phái đối lập. Nhưng việc Tổng thống Trump tuyên bố không chấp nhận kết quả và cam kết sẽ thực hiện các biện pháp pháp lý để “lật ngược tình thế” được cho là sẽ gây nhiều khó khăn trong cuộc chuyển giao lần này.

Tổng thống Donald Trump trở về Nhà Trắng từ sân golf ở Virginia sau khi hãng tin AP đưa tin Joe Biden thắng cử. Ảnh: AFP
Tổng thống Donald Trump trở về Nhà Trắng từ sân golf ở Virginia sau khi hãng tin AP đưa tin Joe Biden thắng cử. Ảnh: AFP

Trong nhiều tuần qua, ông Trump đã cáo buộc rằng cuộc bầu cử lần này có nhiều sai phạm và gian lận nghiêm trọng dù không đưa ra được bằng chứng cụ thể. AP dẫn nguồn một nghị sỹ giấu tên cho biết các nghị sỹ đảng Cộng hòa sẽ cho Tổng thống Trump và đội ngũ của ông thời gian để cân nhắc các phương án pháp lý phù hợp. Hiện Nhà Trắng cũng chưa xác nhận kết quả để kích hoạt quá trình chuyển giao quyền lực.

Thực tế này khiến giới quan sát đặt ra nhiều kịch bản tiếp theo, thậm chí cả trường hợp ông Trump sẽ không chấp nhận thất bại và không rời khỏi Nhà Trắng. Trong lịch sử Mỹ, chưa có trường hợp nào tổng thống mãn nhiệm không chịu hợp tác tới mức không rời khỏi Nhà Trắng. Tuy nhiên, truyền thông Mỹ lo ngại kịch bản này có thể xảy ra và gọi đây là “một chương đen tối của nước Mỹ” nếu thành hiện thực.

Đây rõ ràng là một thách thức lớn đối với ông Joe Biden trong việc xây dựng bộ máy chính quyền mới. Sau khi tuyên bố chiến thắng, hiện cựu Phó Tổng thống đang tiến hành các bước chuẩn bị nắm quyền ngay sau lễ nhậm chức và nhóm của ông đã lập một website phục vụ cho việc chuyển giao chính quyền. Nhóm này sẽ chọn ra người tham gia nội các, bàn thảo các chính sách ưu tiên và chuẩn bị cho việc nắm quyền quản lý. Bài phát biểu chiến thắng của ông vào sáng 8/11 (theo giờ Việt Nam) cũng đã phác họa những ưu tiên trong chính quyền của ông thời gian tới. Theo đó, ông tập trung vào hàn gắn rạn nứt trong nội bộ nước Mỹ và đối mặt với những thách thức trước mắt. Ông cũng cam kết trở thành “tổng thống của tất cả người Mỹ, không tìm cách chia rẽ mà là thống nhất”. 

Liên danh tranh cử của đảng Dân chủ Joe Biden và Kamala Harris trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2020. Ảnh: Getty
Liên danh tranh cử của đảng Dân chủ Joe Biden và Kamala Harris trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2020. Ảnh: Getty

Tuy nhiên, con đường vào Nhà Trắng của chính trị gia 78 tuổi này chắc chắn sẽ là nhiều chông gai nhất so với các ứng cử viên từng tuyên bố chiến thắng trong các cuộc bầu cử trước đây. Kể cả khi ông đã nhận nhiệm sở, có lẽ thách thức còn đè nặng hơn thế. Bởi lẽ, ông phải xây dựng chính phủ trong bối cảnh quyền kiểm soát Thượng viện có thể vẫn nằm trong tay đảng Cộng hòa, số đồng minh đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ đang ít đi. Một quốc hội với sự chia rẽ đảng phải sâu sắc sẽ gây trở ngại cho ông Biden khi tìm cách thông qua các dự luật trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm sở. Đó là chưa kể hơn 70 triệu dân - những người đã bầu cho ông Trump - mong muốn ông Trump vẫn lãnh đạo nước Mỹ.

Là một chính trị gia lão luyện, đã từng đảm nhận vị trí Phó Tổng thống Mỹ nhưng việc xây dựng bộ máy trong thời gian 10 tuần trước ngày tuyên thệ nhậm chức 20/1/2021 vẫn sẽ là một sức ép lớn với ông Biden. Xa hơn nữa, ông sẽ phải đối mặt với hàng núi thách thức trong chương trình nghị sự để đảm bảo những cam kết khi tranh cử có thể được hiện suôn sẻ. Đó là câu chuyện hàn gắn nước Mỹ hậu bầu cử, là cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và bài toán vực dậy nền kinh tế.

Vì vậy, để hạn chế những tác động tiêu cực do cuộc bầu cử gây tranh cãi nhất đang gây ra, có lẽ nước Mỹ cần một cuộc chuyển giao quyền lực trong hòa bình và sau đó, trách nhiệm hàn gắn, giải quyết thách thức sẽ phụ thuộc vào tài chèo lái của người sẽ trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ.

Tân Tổng thống Joe Biden sẽ gặp thách thức lớn trong việc xây dựng bộ máy chính quyền mới. Ảnh: Reuters
Tân Tổng thống Joe Biden sẽ gặp thách thức lớn trong việc xây dựng bộ máy chính quyền mới. Ảnh: Reuters

Tin mới