Cuộc đua vũ trang trở lại bán đảo Triều Tiên?

(Baonghean.vn) - Tuần này, một trong những sự kiện được dư luận thế giới dành nhiều quan tâm là kỳ Đại hội đảng Lao động Triều Tiên 5 năm mới diễn ra 1 lần; cùng với đó là việc nhà lãnh đạo tại Bình Nhưỡng - ông Kim Jong-un công bố các kế hoạch về các hệ thống vũ khí mới, hiện đại. Diễn biến này đang thôi thúc nhiều lời kêu gọi Chính phủ Hàn Quốc tăng cường hệ thống phòng thủ để ứng phó với mọi kịch bản có thể xảy ra trên bán đảo Triều Tiên.

Lo sợ tấn công phủ đầu

Theo DW, Hàn Quốc đã lên tiếng xác nhận thông tin nước này đang xem xét phát triển 1 tàu ngầm năng lượng hạt nhân. “Động cơ” thôi thúc xứ kim chi phải đặt lên bàn cân ý đồ trên là bởi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Đại hội đảng Lao động - sự kiện chính trị trọng đại bậc nhất ở Thủ đô Bình Nhưỡng, tuyên bố rằng, ông sẽ “thúc đẩy thống nhất đất nước thông qua sức mạnh quân sự mạnh mẽ”. Không những thế, ông Kim Jong-un còn lớn tiếng đề cập đến việc triển khai tên lửa siêu thanh, vệ tinh do thám, tên lửa đạn đạo liên lục địa mang nhiều đầu đạn và tàu ngầm năng lượng hạt nhân thuộc sở hữu riêng của Triều Tiên. Phản hồi một câu hỏi được phóng viên đặt ra trong buổi họp báo ở Thủ đô Seoul vào thứ Hai vừa rồi, Moon Hong-sik - người phát ngôn của Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc tiết lộ, hiện họ vẫn chưa đưa ra quyết định mang tính chung cuộc, song có thể thúc đẩy sắm sửa trang bị 1 tàu năng lượng hạt nhân “sau khi xem xét toàn diện về cấp độ công nghệ và ngân sách quốc phòng”.

Phát biểu tại Đại hội đảng Lao động Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhiều lần đề cập đến vũ khí hạt nhân. Ảnh: KCNA
Phát biểu tại Đại hội đảng Lao động Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhiều lần đề cập đến vũ khí hạt nhân. Ảnh: KCNA

Các chuyên gia phân tích nhận định, điều đáng quan ngại là việc Triều Tiên đang khơi mào một cuộc chạy đua vũ trang với người láng giềng phương Nam, và có thể là cả Nhật Bản, trong lúc yêu cầu những sự nhượng bộ của cộng đồng quốc tế về các đòn trừng phạt vốn dĩ gây trở ngại cho sự phát triển kinh tế và quân sự của nước này kể từ khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân ngầm lần thứ tư vào tháng 3/2016.

Đơn cử, Garren Mulloy - Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Daito Bunka (Nhật Bản), đồng thời cũng làm việc cho một cơ quan về các vấn đề quốc phòng phân tích: “Tham vọng của Triều Tiên là giành được sự công nhận của Mỹ rằng, họ là một “siêu cường” và họ đã quyết định cách tốt nhất để làm điều đó là xây dựng kho vũ khí hạt nhân và tên lửa, kể cả khi điều đó đồng nghĩa với việc họ phải xao nhãng mọi vấn đề khác trong nước”.

Ông nói thêm, nỗi lo sợ lớn trong con mắt của Triều Tiên là khả năng Mỹ tấn công phủ đầu. Với họ, một trong những phương án để ngăn chặn kịch bản xấu này trở thành hiện thực chính là sở hữu các tàu ngầm năng lượng hạt nhân có khả năng phóng tên lửa đạn đạo. “Những tàu này rất khó bị phát hiện, nhất là ở những vùng biển sâu của Thái Bình Dương, và chúng sẽ đặt ra một mối đe dọa thực sự đối với lục địa Mỹ”, vị chuyên gia này đánh giá. Tuy nhiên, cũng theo ông Mulloy, vẫn còn rất nhiều cảnh báo lớn được đưa ra xoay quanh các kế hoạch phát triển và triển khai một tàu ngầm như vậy của Bình Nhưỡng. Cụ thể, chi phí cần bỏ ra cũng như khả năng sở hữu công nghệ sản xuất tàu ngầm hạt nhân thực sự “tàng hình”, không gây ra tiếng động khi vận hành là một bước đại nhảy vọt về công nghệ so với vị thế hiện tại của Triều Tiên. Nếu không, trường hợp tàu ngầm không đủ độ “tĩnh” và ai cũng có thể phát hiện nó, thì rõ ràng đó không thể xem là một mối đe dọa đáng gờm được.

Tàu ngầm lớp 214 chạy bằng diesel và điện của Hàn Quốc. Ảnh: dpa
Tàu ngầm lớp 214 chạy bằng diesel và điện của Hàn Quốc. Ảnh: dpa

Còn với thông tin quân đội Hàn Quốc xác nhận đang cân nhắc chế tạo tàu ngầm hạt nhân làm đối trọng với hàng xóm phương Bắc, nhiều quan điểm cho rằng, nếu đứng từ góc độ chiến lược, ý tưởng đó chẳng mang ý nghĩa nhiều nhặn gì cho cam. Nói cách khác, không ai dám khẳng định liệu đó là một kế hoạch mang tính thực tế hay đơn thuần chỉ là động tác giả nhằm vào Triều Tiên. Thực vậy, khách quan mà nói, Hàn Quốc hiện có mối quan hệ đồng minh an ninh thân thiết với Mỹ, nên họ không cần sở hữu tàu ngầm trong hạm đội của mình, ấy là chưa kể đến thực tế là những loại tàu ngầm hiệu quả nhất trong vùng biển nông bao quanh bán đảo Triều Tiên phải là các tàu diesel nhỏ, tàng hình, khó bị phát hiện.

Cành ô liu khó xuất hiện?

Trong bài phát biểu tại Đại hội đảng Lao động Triều Tiên, người ta thống kê nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đề cập đến vũ khí hạt nhân không dưới 36 lần. Dù vậy, ông lại không hề nhắc đến các động thái hướng đến phi hạt nhân hóa, điều vốn được đề xuất vào lúc sự ấm lên trong quan hệ của Bình Nhưỡng với Seoul và Washington đạt đỉnh năm 2018.

Giới phân tích cho rằng, thời điểm Triều Tiên lựa chọn để tung ra những tuyên bố mang màu sắc hiếu chiến gần đây xoay quanh các chương trình vũ khí của họ rõ ràng là có liên quan đến lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ sắp sửa diễn ra của ông Joe Biden. Leif-Eric Easley - Phó Giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Ewha ở Seoul nêu quan điểm: “Không những không chìa cành ô liu cho chính quyền sắp nhậm chức của Biden, Bình Nhưỡng thậm chí đang hứa hẹn sẽ nâng sự phát triển vũ khí hạt nhân của họ lên cấp độ tiếp theo”.

Chuyên gia này cho rằng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang cố gắng xây dựng hình ảnh Triều Tiên gắn với một cường quốc hạt nhân có trách nhiệm. Đồng thời, ông Kim kiên quyết rằng, việc có muốn cải thiện các quan hệ song phương hay không là tùy vào Washington, xem liệu họ có muốn từ bỏ “chính sách thù địch” chĩa vào Bình Nhưỡng suốt nhiều đời Tổng thống Mỹ hay không. Nếu nhìn từ lập trường như vậy, việc Triều Tiên không chịu thực hiện các cam kết và tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, mà thay vào đó đòi phải chấm dứt các vòng trừng phạt và ngừng các cuộc tập trận quân sự chung Mỹ - Hàn - động thái mà họ cho là chuẩn bị để xâm lược Triều Tiên, âu cũng dễ hiểu.

Một vụ thử tên lửa tầm ngắn dẫn đường chiến lược kiểu mới tại địa điểm không xác định ở Triều Tiên ngày 25/7/2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Một vụ thử tên lửa tầm ngắn dẫn đường chiến lược kiểu mới tại địa điểm không xác định ở Triều Tiên ngày 25/7/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy vậy, theo Easley, ông vẫn tin rằng, vẫn có nhiều điểm phi thực tế trong tham vọng quân sự của ông Kim Jong-un; nói cách khác, việc đưa ra một danh sách các mục tiêu kinh tế và quân sự đầy tham vọng là một nhẽ, còn khả năng tài chính để thực hiện chúng lại là chuyện khác. Từ lập luận đó, học giả này “bắt bài”, nếu trước đây, trong các vòng đàm phán Bình Nhưỡng đề xuất từ bỏ các tài sản mà họ không còn cần đến nữa, chẳng hạn như các cơ sở hạt nhân cũ kỹ ở Yongbyon, thì nay “nước này lại quảng bá về những tài sản họ chưa sở hữu”, trong nỗ lực giành được những sự nhượng bộ từ bên kia “chiến tuyến”.

Điều đáng đề cập hiện nay là những mối đe dọa từ ông Kim Jong-un đã làm bùng lên những quan ngại âm ỉ ở Hàn Quốc thời gian qua, không chỉ trong phạm vi quân đội mà còn trong tầng lớp dân thường. Một bài xã luận trên tờ Korea Herald hôm thứ Tư tuần này đã kêu gọi Chính phủ Hàn Quốc “ngừng bấu víu mù quáng vào đối thoại khi Triều Tiên tìm cách có được các vũ khí khủng khiếp”. Không chỉ vậy, bài viết còn cáo buộc chính quyền Tổng thống Moon Jae-in đã bị mắc “bẫy đàm phán” của ông Kim, cho rằng Triều Tiên vốn dĩ không có ý định hoàn tất đàm phán mà lợi dụng chúng để phát triển thêm các hệ thống vũ khí tối tân. Bài viết có đoạn: “Thái độ dễ chịu của Hàn Quốc hòng lấy lòng ông Kim chỉ khiến ông ta hành động thêm phần táo bạo. Hàn Quốc không thể bảo vệ an ninh của mình theo cách đó”. Giải pháp mà tác giả đưa ra, là đáp lại động thái tăng cường quân sự của Triều Tiên bằng những bước đi tương tự. Mà nếu điều này trở thành hiện thực, thì không nghi ngờ gì căng thẳng lại sắp sửa bùng lên, cuộc đua vũ trang lại sắp nóng hơn bao giờ hết trên bán đảo này.

Tin mới