Cuộc gặp Putin - Zelensky: Đọ sức nặng hòa bình và chủ quyền

(Baonghean) - Trong khuôn khổ cuộc họp của Nhóm Bộ tứ Normandy tại Paris, Pháp, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có cuộc gặp gỡ song phương với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cuộc gặp này diễn ra trong bầu không khí đầy hoài nghi từ chính nội bộ Ukraine, bởi người dân nước này lo sợ vị Tổng thống của họ sẽ nhượng bộ quá nhiều trước nhà lãnh đạo nổi tiếng cứng rắn là ông Putin để thực hiện lời cam kết khi tranh cử.

“Cuộc đấu không cân sức”

Cuộc gặp giữa ông Zelensky và ông Putin là cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên giữa hai nước kể từ năm 2016 và cũng là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Zelensky trở thành Tổng thống của Ukraine.

Cuộc gặp này diễn ra sau một loạt động thái “dọn đường” để thể hiện thiện chí của cả hai bên như đợt trao đổi tù nhân lớn hồi tháng 9, Nga trao trả 3 tàu hải quân Ukraine bị bắt trong cuộc đụng độ trên Biển Đen hồi tháng 11, và mới đây nhất là việc quân đội chính phủ Ukaine và các lực lượng đòi độc lập ở miền Đông rút quân khỏi 3 thị trấn là Zolote, Petrivske và Donetsk ở miền Đông Ukraine.

Zelensky - Putin: “Cuộc đối đầu không cân sức”. Ảnh: NBC News
Zelensky - Putin: “Cuộc đối đầu không cân sức”. Ảnh: NBC News

Cuộc gặp được kỳ vọng sẽ đặt nền móng để mở ra cơ hội chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài hơn 5 năm qua tại miền Đông Ukraine. Trong đó, mục tiêu trước mắt là thực thi Thỏa thuận Minsk từng đạt được hồi năm 2015 tại Belarus với các nội dung là các bên thực hiện ngừng bắn, rút vũ khí hạng nặng tại khu vực miền đông Ukraine, khôi phục quyền kiểm soát của Ukraine với toàn bộ khu vực biên giới phía Đông, đồng thời thông qua quy chế đặc biệt đối với vùng lãnh thổ do phe ly khai được Nga hậu thuẫn kiểm soát và tổ chức các cuộc bầu cử tại vùng lãnh thổ này.

Tổng thống Ukraine Zelensky gửi gắm nhiều kỳ vọng vào cuộc gặp gỡ với Tổng thống Nga Vladimir Putin, bởi đây là bước đi đáng chú ý nhất sau hàng loạt nỗ lực của ông nhằm thực hiện cam kết khi tranh cử, đó là chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài hơn 5 năm ở miền đông Ukraine trong vòng 12 tháng.

Ông Zelensky từng nhiều lần tuyên bố rằng, chỉ cần hai nhà lãnh đạo ngồi xuống cùng với nhau, khi miền Đông Ukraine lặng im không có tiếng súng, đó đã là một chiến thắng. Nhưng dưới góc nhìn của giới phân tích, khi ông Zelensky bước vào cuộc gặp với những kỳ vọng lớn lao để khẳng định vai trò cá nhân, ông vô tình đã tự đặt mình vào thế “cửa dưới” so với nhà lãnh đạo lão luyện Vladimir Putin.

Trước cuộc gặp, người phát ngôn của Điện Kremlin đã tuyên bố rằng Tổng thống Putin sẵn sàng giải quyết bất cứ vấn đề nào mà ông Zelensky mong muốn. Tuyên bố cho thấy ông Putin vô cùng thoải mái khi bước vào cuộc họp này, bởi đơn giản, ông Putin đang nắm trong tay lá bài cực kỳ có sức nặng là ảnh hưởng với lực lượng ly khai ở khu vực miền Đông Ukraine.

Nga đã phải gồng mình hứng chịu quá nhiều lệnh trừng phạt từ phía Mỹ và châu Âu liên quan đến việc sáp nhập bán đảo Crimea và các bước đi ở miền đông Ukraine. Ảnh: TTXVN/Reuters
Nga đã phải gồng mình hứng chịu quá nhiều lệnh trừng phạt từ phía Mỹ và châu Âu liên quan đến việc sáp nhập bán đảo Crimea và các bước đi ở miền Đông Ukraine. Ảnh: TTXVN/Reuters

Trong khi đó, với vấn đề Crimea, Nga đã từng khẳng định Ukraine “không có cửa” để lấy lại bán đảo này, bởi thế ông Putin bước vào cuộc gặp trong tư thế gần như không có sức ép. Thậm chí, lập trường cứng rắn của ông Putin trong cuộc gặp với ông Zelensky để đòi bằng được cơ chế đặc biệt cho khu vực Donbass còn được nhận định là chiến thuật đã được xác lập từ trước.

Lý do là vì suốt thời gian qua, Nga đã phải gồng mình hứng chịu quá nhiều lệnh trừng phạt từ phía Mỹ và châu Âu liên quan đến việc sáp nhập bán đảo Crimea và các bước đi ở miền đông Ukraine, bởi vậy nhượng bộ Ukraine sẽ chỉ cho thấy những nỗ lực của Nga là vô nghĩa.

Người Ukraine muốn “Ruxit”

Người dân Ukraine cũng hiểu rất rõ về vị thế của Tổng thống Zelensky khi bước vào cuộc gặp với Tổng thống Putin, bởi vậy họ đã bày tỏ thái độ phản đối mạnh mẽ với bất cứ động thái “vượt giới hạn đỏ” nào của Tổng thống Zelensky. “Giới hạn đỏ” trong mắt nhiều cử tri Ukraine chính là việc đảm bảo toàn vẹn chủ quyền của Ukraine ở khu vực phía Đông.

Dù phía Nga đã khẳng định cuộc gặp của lãnh đạo hai nước ngày hôm qua là nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho khu vực miền Đông Ukraine, nhưng trong suy nghĩ của những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Ukraine, Tổng thống Nga Putin không chỉ sử dụng tầm ảnh hưởng với lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine làm đòn bẩy để thiết lập sự kiểm soát ở khu vực này, mà xa hơn nữa là sự kiểm soát đối với toàn bộ quốc gia láng giềng.

Chính vì thế, nhiều chính trị gia của Ukraine, trong đó có Ngoại trưởng Gulym Pristaiko, đã kêu gọi bất kỳ bước đi nào tiếp theo của ông Zelensky sau cuộc gặp đều phải thể hiện rõ lập trường mong muốn “Ruxit” của Ukraine. Yêu cầu đơn giản nhất của lập trường này là tất cả lực lượng của Nga và các đồng minh phải rời khỏi khu vực miền Đông Ukraine.

Người dân Ukraine xuống đường biểu tình phản đối việc Ukraine nhượng bộ Nga. Ảnh: AFP
Người dân Ukraine xuống đường biểu tình phản đối việc Ukraine nhượng bộ Nga. Ảnh: AFP

Cùng với giới chính trị gia, hàng nghìn người cũng đã đổ xuống Quảng trường Độc lập ở Thủ đô Kiev để cảnh báo ông Zelensky không được vượt qua “giới hạn đỏ” trong các cuộc đàm phán.

Họ kiên quyết yêu cầu Tổng thống Zelensky bằng mọi cách phải duy trì toàn vẹn lãnh thổ, yêu cầu Nga phải trả lại bán đảo Crimea cho Ukraine.

Những người biểu tình cho rằng hòa bình mà ông Zelensky đang theo đuổi là chính đáng, nhưng người dân Ukraine, đất nước Ukraine không chấp nhận thỏa thuận hòa bình với chi phí quá lớn là độc lập và chủ quyền quốc gia.

Ngay việc Tổng thống Zelensky chấp nhận rút toàn bộ quân khỏi 3 thị trấn là Zolote, Petrivske và Donetsk ở miền Đông Ukraine để mở đường cho cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin cũng đã từng gặp phản ứng dữ dội của những người theo chủ nghĩa dân tộc, đặc biệt là các cựu binh.

Thậm chí, một số cựu binh Ukraine còn thiết lập các trạm kiểm soát tự phát để cản trở kế hoạch rút quân này. Với ý định của ông Zelensky về việc tổ chức bầu cử tại khu vực miền Đông, những người theo chủ nghĩa dân tộc cũng kiên quyết việc bầu cử chỉ được tiến hành sau khi các lực lượng thân Nga trao lại quyền kiểm soát toàn bộ khu vực này cho Ukraine.

Theo một cuộc thăm dò ý kiến mới đây, 53,2% số người Ukraine được hỏi phản đối việc ban hành quy chế đặc biệt cho vùng Donbass và 62,7% không chấp nhận ân xá cho những người từng chiến đấu chống lại quân đội chính phủ trong cuộc xung đột ở miền đông Ukraine.

Trong khi đó, cuộc thăm dò do Viện Xã hội học Quốc tế Kiev cho thấy mức tín nhiệm của ông Zelensky đã giảm từ 73% trong tháng 9 xuống còn 52% vào cuối tháng 11 - và một trong những nguyên nhân của sự suy giảm tín nhiệm này chính là cách thức xử lý cuộc khủng hoảng miền Đông Ukraine của ông Zelensky.

Cuộc xung đột tại Ukraine đã trải qua hơn 5 năm và làm 13.000 người thiệt mạng. Ảnh: Getty
Cuộc xung đột tại Ukraine đã trải qua hơn 5 năm và làm 13.000 người thiệt mạng. Ảnh: Getty

Với cuộc xung đột đã kéo dài hơn 5 năm, cướp đi sinh mạng của hơn 13.000 người, cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Ukraine Zelenseky và Tổng thống Nga Putin thực sự được thế giới chờ đợi sẽ mở ra một giai đoạn mới trong tìm kiếm giải pháp hòa bình cho khu vực miền Đông Ukraine.

Nhưng liệu ông Zelensky có tiến thêm được bước đi có ý nghĩa nào trong thời gian tới hay không, đó thực sự là một phép thử đầy khó khăn trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông. Đó không chỉ là phép thử về khả năng cân bằng giữa “chủ quyền” và “hòa bình”, mà còn là phép thử quyền lực về khả năng áp chế các tiếng nói phản đối trong nước.

Tin mới