Cuộc gọi cuối cùng của người tử nạn khi trên đường vượt biển qua Anh

(Baonghean.vn) -Trong những cuộc video mà chồng gọi về từ Pháp, chị Thảo không kìm nổi nước mắt khi nhìn thấy cuộc sống tạm bợ, những bữa ăn kham khổ của chồng và những người cùng cảnh ngộ chờ vượt biên qua Anh.
Gần 1 tháng nay, căn nhà lụp xụp của ông Lê Văn Châu (57 tuổi), ở xóm 6, xã Văn Thành (Yên Thành), luôn chìm trong  u ám. Vài ngày nay, khi cơ quan chức năng đã chính thức xác thực con trai ông - anh Lê Văn Hậu (29 tuổi), là 1 trong 27 người thiệt mạng trong vụ tai nạn chìm xuồng tại eo biển Manche khi vượt biển từ Pháp sang Anh, gia đình đã làm bàn thờ vọng. 
Bố và vợ nạn nhân bên bàn thờ vọng. Ảnh: TH
Bố và vợ nạn nhân bên bàn thờ vọng. Ảnh: T.H

"Giờ chỉ muốn đưa tro cốt anh ấy về càng sớm càng tốt. Chứ để anh ấy một mình nơi đất khách như thế lại càng thương, lạnh lẽo", người vợ trẻ của anh Hậu, chị Nguyễn Thị Phương Thảo nói. 

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Hậu mang theo hoài bão của tuổi trẻ đi khắp nhiều tỉnh phía Nam để lập nghiệp. Sau nhiều năm không thành công, Hậu quyết định về quê lấy vợ. Đến nay, hai vợ chồng có với nhau 1 cô con gái 4 tuổi. "Chúng nó cưới nhau đã 5 năm rồi. Nhưng vì nhà không có tiền nên chưa xây nhà ra riêng được, vẫn phải ở chung với bố mẹ trong căn nhà cũ kỹ này", bố Hậu, ông Lê Văn Châu nói trong tiếng nấc nghẹn. 
Vài tháng trước, Hậu quyết định sang châu Âu để làm thuê. Hai vợ chồng sau đó vay mượn gần 300 triệu đồng chi phí. Chị Thảo kể rằng, thông qua một môi giới ở xã Hoa Thành gần đó, anh Hậu đóng tiền cho một công ty ở Hà Nội để làm thủ tục để đi Ba Lan. Ngày 18/11, anh lên máy bay ở Hà Nội để sang Ba Lan.
 
Người vợ trẻ kể về những cuộc gọi cuối cùng của chồng. Ảnh: TH
Người vợ trẻ kể về những cuộc gọi cuối cùng của chồng. Ảnh: T.H

"Chỉ mới một tháng trước, gia đình vẫn còn quây quần bên nhau. Làm mâm cơm chúc mừng con lên đường bình an, ai ngờ giờ đã ở bên kia thế giới", ông Châu không kìm nổi nước mắt. 

Sau khi tới Ba Lan, Hậu gọi điện về cho gia đình và thông báo đang trên đường tới Pháp trong cùng ngày hôm đó. Sau khi tới được Pháp, Hậu thường xuyên gọi video về cho vợ. Trong những cuộc gọi cuối cùng ấy là hình ảnh cuộc sống tạm bợ của những người chờ vượt biên qua Anh. "Họ sống trong những lều bạt chật chội, ăn uống cũng rất kham khổ", chị Thảo kể. 
Tin nhắn cuối cùng chị nhận được từ chồng. Ảnh: TH
Tin nhắn cuối cùng chị nhận được từ chồng. Ảnh: T.H

Hơn 1h sáng 24/11 (giờ Việt Nam), chị Thảo nhận được tin nhắn từ anh Hậu với nội dung "chồng bắt đầu đi đây". Tuy nhiên, lúc đó chị Thảo đã đi ngủ, chưa kịp trả lời tin nhắn. Sáng ngủ dậy, chị liên tục gọi cho chồng thì đã không còn liên lạc được. 

Một ngày sau, truyền thông bắt đầu đưa tin vụ chìm xuồng khiến 27 người vượt biên qua Anh thiệt mạng, cả gia đình đã nghĩ đến kịch bản tồi tệ nhất. Những ngày sau đó, gia đình thấp thỏm chờ một cuộc gọi của anh Hậu, nhưng chìm trong vô vọng. Hơn 20 ngày sau, gia đình liên lạc được với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, biết người bị nạn là anh Hậu.
"Bây giờ gia đình cũng chẳng biết lấy đâu ra tiền để gửi qua Anh lo hỏa táng cho chồng rồi mang tro cốt. Rất mong nhận được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng cũng như cộng đồng", chị Thảo nói.
Gia cảnh của nạn nhân ở quê rất khó khăn. Mẹ Hậu đang chống chọi với ung thư. Ảnh: TH
Gia cảnh của nạn nhân ở quê rất khó khăn. Mẹ Hậu đang chống chọi với ung thư. Ảnh: T.H

Trước đó, ngày 24/11 đã xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng khiến 1 xuồng cao su bị lật tại khu vực ngoài khơi tỉnh Pas de Calais của Pháp, làm 27 người thiệt mạng. Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ tai nạn, Đại sứ quán Việt Nam đã chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng sở tại để tìm hiểu thông tin, danh tính và quốc tịch các nạn nhân.

Sau quá trình điều tra và xác minh, ngày 16/12, cảnh sát Pháp thông báo, 1 nạn nhân là công dân Việt Nam, sinh năm 1992, nguyên quán Nghệ An. Nạn nhân là 1 trong 27 người xấu số đã thiệt mạng khi chiếc thuyền hơi chở họ bị lật trên đường di chuyển từ Pháp sang Anh ngày 24/11. 26 nạn nhân còn lại được xác định mang nhiều quốc tịch khác nhau: Iraq, Iran, Ethiopia, Somalia, Afghanistan và Ai Cập, trong đó, có 7 phụ nữ và 2 trẻ em. Chỉ có 2 người sống sót nhờ sự hỗ trợ của lực lượng bảo vệ biển của Pháp.

Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã liên hệ với gia đình công dân để phối hợp xác minh thông tin, động viên, tìm hiểu nguyện vọng và hướng dẫn các thủ tục cần thiết.

Tin mới