Cuộc họp của Hội đồng Nga - NATO có dấu hiệu giảm căng thẳng

Ngày 12/1, cuộc họp của Hội đồng Nga-NATO đã kết thúc tại Brussels sau 4 giờ thảo luận. Tuyên bố được Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đưa ra về kết quả cuộc họp cho thấy dấu hiệu giảm căng thẳng từ khối này đối với Nga.
Phát biểu tại cuộc họp báo về kết quả cuộc họp của Hội đồng Nga-NATO sau 2,5 năm, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố, các nước thành viên NATO tin tưởng vào đối thoại với Nga, bất chấp những bất đồng nghiêm trọng về tình hình Ukraine và các vấn đề an ninh châu Âu, đồng thời, muốn khôi phục công việc của cơ quan đại diện ngoại giao của các bên. Theo ông, cuộc thảo luận không dễ dàng, nhưng hữu ích.

Đồng thời, cả Tổng thư ký liên minh và Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất của Mỹ Wendy Sherman cho biết, NATO từ chối thỏa hiệp về việc kết nạp một số quốc gia, bao gồm Ukraine vào liên minh. Ông Stoltenberg nhấn mạnh: “Tất cả các đồng minh đều thống nhất theo nguyên tắc chính của liên minh: mỗi quốc gia được tự do lựa chọn con đường riêng của mình. Chỉ Ukraine và 30 thành viên NATO mới có thể quyết định khi nào Kiev sẵn sàng trở thành thành viên của liên minh. Nga không có quyền phủ quyết về việc Ukraine có tham gia tổ chức hay không. Các đồng minh sẵn sàng hỗ trợ Kiev trên con đường trở thành thành viên NATO”.

Cuộc họp của Hội đồng Nga-NATO (Nguồn: rianovosti)
Cuộc họp của Hội đồng Nga-NATO (Nguồn: rianovosti)
Tuy nhiên, Tổng thư ký Jens Stoltenberg cho biết, NATO đã đề xuất với Moscow, họ tổ chức một loạt cuộc tham vấn để thảo luận chi tiết về các vấn đề và bất đồng, bao gồm cả việc đồng ý về các hạn chế chung và có thể kiểm chứng đối với vũ khí tên lửa ở châu Âu. NATO cũng đã tuyên bố rõ ràng với Nga mong muốn mở lại phái bộ của liên minh tại Moscow và phái bộ của Nga tại Brussels.
Về phần mình, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga A. Grushko cho rằng, cuộc họp của Hội đồng Nga-NATO là hoàn toàn cần thiết, nó giúp hiểu rõ hơn lập trường của các bên. Theo ông, "cuộc hội đàm diễn ra khá thẳng thắn, trực tiếp, sâu sắc, phong phú, nhưng đồng thời cũng bộc lộ một số lượng lớn khác biệt về các vấn đề cơ bản”. Và một trong những vấn đề chính là NATO hiểu nguyên tắc bất khả phân chia của an ninh một cách có chọn lọc.
"Trong mắt NATO, họ chỉ tồn tại đối với các thành viên của liên minh và NATO sẽ không tính đến lợi ích an ninh của những người khác trong các hoạt động thực tế của mình", đồng thời nhấn mạnh, nếu các nước NATO thực sự muốn hợp tác với Nga, họ phải tính đến vai trò rất quan trọng của nước này với tư cách là quốc gia đảm bảo hòa bình trong không gian Châu Âu-Đại Tây Dương rộng lớn, đóng góp tuyệt đối vào việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực này", Thứ trưởng Grushko lưu ý.

Bình luận về cuộc họp của Hội đồng Nga-NATO ở Brussels, nhà khoa học chính trị người Đức Alexander Rahr lưu ý: "Không thể mong đợi những cảm giác, những thay đổi quan trọng ở quan điểm của bên này hay bên kia. Có những yêu cầu của Nga, chúng ở trên bàn, chúng được đưa ra một cách sắc bén và cứng rắn.” Theo ông, “dường như NATO hiểu chúng, nhận thức được sự nghiêm túc về lập trường của Nga, nhưng không thể mất mặt và rút lui khỏi các nguyên tắc của mình”.

Vì vậy, về bản chất, xung đột về việc Ukraine gia nhập NATO vẫn còn. Nhưng có rất nhiều ngữ điệu đã thay đổi, giọng điệu ở các cuộc đối thoại cả ở Brussels và ở Geneva không còn mang tính cáo buộc, đã trở nên thực dụng. Chuyên gia cho rằng, “phía Nga và NATO sẵn sàng tiếp tục đối thoại không phải bằng sự cao giọng mà bằng một giọng điệu bình thường”. Nga có cơ hội "đạt được một bước tiến mới" trong đối thoại với phương Tây.

Cuộc họp của Hội đồng Nga-NATO lần này là cuộc họp thứ hai trong một loạt các cuộc đàm phán về đảm bảo an ninh. Lần đầu tiên được tổ chức tại Geneva giữa các phái đoàn của Bộ Ngoại giao Nga và Bộ Ngoại giao Mỹ, lần thứ ba dự kiến vào ngày 13/1 trong khuôn khổ Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE)./.

Tin mới