Cuộc 'nội chiến' trên Đồi Capitol

(Baonghean.vn) - Chiều 6/1 (giờ Mỹ), hàng trăm người biểu tình ủng hộ Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Donald Trump lũ lượt kéo về Đồi Capitol hòng lật ngược thế cờ bất lợi đối với ông Trump. Kết quả là, họ “thành công” trì hoãn việc xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden thêm vài giờ đồng hồ, nhưng phải trả cái giá đắt là thương vong không đáng có trong các cuộc chạm trán với cảnh sát, và một vết nhơ không thể gột rửa đối với lịch sử nền dân chủ xứ cờ hoa.

Nỗi hổ thẹn của nền dân chủ Mỹ

Cảnh tượng tưởng chừng như chỉ có thể thấy trên phim ảnh lại xuất hiện ngay giữa đời thực ở Thủ đô Washington DC trong buổi chiều 6/1, khi Đồi Capitol - nơi được xem là biểu tượng của nền dân chủ Mỹ - bị đám đông người biểu tình ủng hộ ông Trump càn quét, phá phách.

Theo hãng thông tấn AP, chẳng ai khác mà chính vị Tổng thống sắp mãn nhiệm đã hô hào, thúc giục nhóm người này tuần hành quanh tòa nhà mái vòm, nơi các nhà lập pháp đang thực thi trách nhiệm theo Hiến pháp, nhóm họp để kiểm phiếu Đại cử tri, xác nhận gương mặt giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tốn nhiều giấy mực vừa qua. Cuộc họp chỉ vừa diễn ra chưa được bao lâu thì nhanh chóng phải tạm dừng, các thành phần dự họp phải “sơ tán” bởi những kẻ quấy rối đập vỡ cửa kính, ùa vào hành lang và lục lọi khắp bàn làm việc của các nghị sỹ.

Người biểu tình ủng hộ ông Trump đụng độ với lực lượng an ninh bảo vệ tòa nhà làm việc của Quốc hội Mỹ. 	Ảnh: AP
Người biểu tình ủng hộ ông Trump đụng độ với lực lượng an ninh bảo vệ tòa nhà làm việc của Quốc hội Mỹ. Ảnh: AP

Ở thời điểm chỉ còn cách lễ nhậm chức của ông Joe Biden 14 ngày tại chính địa điểm này, các quan chức dân cử phải tìm chỗ ẩn náu ngay tại nơi làm việc của mình. Các đặc vụ phải cố thủ trong các phòng làm việc của Quốc hội, trên tay lăm lăm khẩu súng. Lá cờ sọc - sao thường tung bay trên các tòa nhà công bị người biểu tình hạ xuống, sau đó thay thế bằng lá cờ màu xanh của ông Trump.

“Đây không phải là bất đồng chính kiến, mà là gây rối trật tự, là những vụ gây hỗn loạn”.

Ông Joe Biden

Không chỉ vậy, hình ảnh khó có thể xóa nhòa trong tâm trí nhiều người dân Mỹ, cũng như gây chú ý với dư luận quốc tế, là khi một kẻ xâm nhập tòa nhà, trong trang phục áo có mũ trùm đầu, nghênh ngang ngồi vào chiếc ghế trung tâm bao quát toàn cảnh Thượng viện, nơi chỉ vài phút đồng hồ trước đó là vị trí của Phó Tổng thống Mike Pence. Hiển nhiên, tình cảnh ấy không thể nào đặt cạnh cụm từ “chuyển giao quyền lực hòa bình” vốn dĩ vẫn được đề cao như nếp truyền thống của xứ cờ hoa. Thậm chí, Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Pat Toomey của bang Pennsylvania đã phải thốt lên: “Đây tuyệt đối là một nỗi hổ thẹn”.

Chính truyền thông của Mỹ cũng cho rằng, đất nước của họ vào ngày thứ Tư vừa qua dường như đã đối diện với nguy cơ trở thành kiểu quốc gia mà họ vẫn thường quả quyết rằng họ đang dang tay hỗ trợ, ấy là một “nền dân chủ mong manh”! Về phần mình, ông Joe Biden - người mà sau đó vào rạng sáng 7/1 (giờ Mỹ) được Quốc hội Mỹ chính thức công nhận là Tổng thống hợp hiến - trong bài phát biểu trên sóng truyền hình đã nêu quan điểm về vụ bạo loạn: “Đây không phải là bất đồng chính kiến, mà là gây rối trật tự, là những vụ gây hỗn loạn”.

Người biểu tình đột nhập, ngồi vào ghế chủ tọa trong phòng họp của Thượng viện. Ảnh: Huffington Post
Người biểu tình đột nhập, ngồi vào ghế chủ tọa trong phòng họp của Thượng viện. Ảnh: Huffington Post

“Gửi tới những ai đã phá phách tại Capitol hôm nay - các anh đã không chiến thắng”.

Phó Tổng thống Mike Pence

Vài giờ sau khi những kẻ quấy rối tiến vào tòa nhà Quốc hội Mỹ, các lực lượng an ninh kiểm soát được tình hình, lưỡng viện quay trở lại làm việc, tiến hành tranh luận đến tận rạng sáng ngày thứ Năm. Sau sự việc đáng tiếc trên, những ý kiến phản đối chiến thắng của ông Biden tại các bang chiến địa từ các nhà lập pháp ủng hộ ông Trump đã vấp phải sự bác bỏ áp đảo, thậm chí là từ hầu hết các thành viên đảng Cộng hòa. Phó Tổng thống Pence chủ trì, phát biểu trước lúc nhóm họp trở lại: “Gửi tới những ai đã phá phách tại Capitol hôm nay - các anh đã không chiến thắng”, và nhận được tràng pháo tay vang dội từ các đại biểu tham dự.

Thế giới sửng sốt, hối thúc chuyển giao hòa bình

Khi cơn “choáng váng” trước những gì đã xảy ra tại Capitol qua đi, hàng loạt nhà lãnh đạo trên khắp thế giới đã lên tiếng bày tỏ thái độ sửng sốt trước sự quá khích của những người ủng hộ ông Trump, đồng thời không ít ý kiến kêu gọi cần hướng đến quá trình chuyển giao quyền lực trong hòa bình, tránh bạo lực tái diễn.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres “cảm thấy buồn” trước những sự việc tại Đồi Capitol của Mỹ. Tuyên bố do người phát ngôn của ông Guterres đưa ra nêu: “Trong những trường hợp như thế, điều quan trọng là các nhà lãnh đạo chính trị nhấn mạnh với người ủng hộ mình sự cần thiết phải kiềm chế bạo lực, cũng như tôn trọng các quá trình dân chủ và pháp quyền”.

Lực lượng vệ binh quốc gia của Thủ đô Washington DC bên ngoài khu vực Đồi Capitol hôm 6/1. 	Ảnh: AP
Lực lượng vệ binh quốc gia của Thủ đô Washington DC bên ngoài khu vực Đồi Capitol hôm 6/1. Ảnh: AP

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đánh giá các cuộc biểu tình nhuốm màu bạo lực tại Washington là “những cảnh tượng gây sốc” và tuyên bố cần phải tôn trọng kết quả cuộc bầu cử dân chủ của Mỹ. Chủ tịch nhóm các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu Charles Michel cũng lên Twitter bày tỏ sự sửng sốt của mình trước những cảnh tượng tại Washington: “Quốc hội Mỹ là biểu tượng của nền dân chủ… Chúng tôi tin Mỹ sẽ bảo đảm được sự chuyển giao quyền lực hòa bình cho ông Joe Biden”.

Chung quan điểm, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố: “Tôi tin tưởng vào sức mạnh các thể chế và nền dân chủ của Mỹ. Chuyển giao quyền lực hòa bình là điều cốt lõi. Ông Joe Biden đã giành chiến thắng cuộc bầu cử. Tôi mong chờ được hợp tác với ông ấy trên cương vị Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ”.

 “Điều xảy ra hôm nay tại Washington DC chắc chắn là không phải điều thuộc về nước Mỹ". 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron 

Trong khi đó, các đồng minh của Washington cũng không thể im lặng trước diễn biến bất ngờ trên. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong một đoạn băng đăng trên tài khoản mạng xã hội Twitter khẳng định: “Điều xảy ra hôm nay tại Washington DC chắc chắn là không phải điều thuộc về nước Mỹ. Chúng tôi tin vào sức mạnh các nền dân chủ của mình. Chúng tôi tin tưởng sức mạnh nền dân chủ Mỹ”. Còn Thủ tướng Anh Boris Johnson thẳng thừng gọi các sự kiện tại Quốc hội Mỹ là một “nỗi nhục nhã”, cho rằng, nước Mỹ đại diện cho các nền dân chủ trên thế giới, nên hiện điều “sống còn” là phải đảm bảo chuyển giao quyền lực trong trật tự.

Về phần mình, Đức lại cho rằng kẻ thù của nền dân chủ sẽ ăn mừng trước những cảnh tượng bạo lực vừa xảy ra tại Mỹ. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhận định, bạo lực ở Capitol được châm ngòi từ giọng điệu kích động, và kêu gọi ông Trump cùng những người ủng hộ chấp nhận quyết định của cử tri Mỹ. Chưa hết, trong lúc xứ bạch dương cảnh báo Mỹ cần thận trọng bởi có vẻ như những hình ảnh về các cuộc biểu tình tại Ukraine dẫn đến việc Tổng thống Viktor Yanukovich bị lật đổ năm 2014 đang được tái hiện tại Washington DC, thì Tây Ban Nha lại mong chờ tân Tổng thống Biden sẽ đoàn kết được nhân dân Mỹ vượt qua giai đoạn căng thẳng này...

Quốc hội Mỹ họp để kiểm phiếu Đại cử tri bầu tổng thống hôm 6/1. Ảnh: AFP
Quốc hội Mỹ họp để kiểm phiếu Đại cử tri bầu tổng thống hôm 6/1. Ảnh: AFP

Có thể nói, dù tạm thời tình hình đã trong tầm kiểm soát, và đã có những tín hiệu tích cực hướng tới sự ổn định như Quốc hội Mỹ đã xác nhận được tư cách tổng thống hợp hiến thứ 46 của ông Biden, và ông Trump cũng đã chính thức hứa hẹn sẽ đảm bảo quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra trơn tru, nhưng có lẽ từ nay đến ngày 20/1, thậm chí là sau đó nữa, dư luận Mỹ và thế giới sẽ từng phút từng giây bám sát tình hình của xứ cờ hoa.

Số đông sẽ mong chờ sự bình yên quay trở lại với một trong những biểu tượng dân chủ lớn nhất thế giới, máu sẽ ngừng đổ và cuộc sống sẽ tiếp tục nhịp điệu như trước đây, để kịch bản nước Mỹ đặt cạnh những cụm từ như “cộng hòa chuối” (ám chỉ những nước chính trị bất ổn) hay tệ hơn là “giống như một quốc gia ở thế giới thứ ba”, là nơi dung dưỡng những cuộc nội chiến “nồi da nấu thịt” sẽ chỉ có thể xuất hiện trên màn ảnh rộng mà thôi.

Tin mới