Cuộc sống cơ cực của người đàn ông có 11 đứa con ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Sau khi sinh đứa con thứ 11 không lâu, chán cảnh đói nghèo, vợ ông Thuận mang theo 2 con nhỏ bỏ nhà đi tìm cuộc sống mới. Ông Thuận đành phải sống một mình lay lắt dưới căn nhà rách nát.

Qua giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà ông Pay Văn Thuận, trú tại bản Cha Lũm, xã Yên Tĩnh (Tương Dương). Bước vào căn nhà, điều đầu tiên chúng tôi dễ nhận thấy đó là căn nhà khung gỗ 2 gian được lợp bằng lá cọ tuềnh toàng, xập xệ, trong ngôi nhà không có gì đáng giá mà chỉ có vỏn vẹn đôi ba cái nồi được dùng để nấu ăn. 

Căn nhà của ông Thuận lọt thỏm dưới chân núi.
Căn nhà của ông Thuận lọt thỏm dưới chân núi.

Ở cái bản người Thái này, hỏi vợ chồng ông Thuận (55 tuổi) và vợ Lương Thị T. (43 tuổi), không ai không biết vì cả gia đình có thể “thành lập được cả một đội bóng”. Theo ông Vi Văn Khiêm - Chủ tịch UBND xã Yên Tĩnh, đây là gia đình có đông con nhất ở vùng này. “Và đây cũng là một trong những hộ nghèo đói nhất của xã”, ông Khiêm nói.

Hơn 2 năm trước, không chịu được cảnh nghèo đói, bà T. dắt theo 2 con nhỏ bỏ nhà đi, tìm cuộc sống mới ở huyện khác. Kể từ đó, ông Thuận một mình sống lay lắt qua ngày. Con đường dẫn vào nhà ông Thuận ngoằn ngoèo, gập ghềnh như chính cuộc đời của ông vậy. Căn lán lọt thỏm dưới chân núi đã rách nát, ẩm ướt. Ở trong đó, chẳng có nổi một tài sản nào đáng giá 100.000 đồng.

Căn nhà hiện nay đã rách nát.
Căn nhà hiện nay đã rách nát.

“Mưa xuống thì cả nhà ướt sũng. Nhưng dù sao ngày xưa cũng khó khăn hơn nhiều”, ông Thuận kể. Căn lán này do hàng xóm thương tình, vào rừng chặt tre dựng cho ông từ 3 năm trước.

Cũng như nhiều người cùng trang lứa khác ở bản này, ông Thuận không được học hành. Lớn lên cũng chỉ biết dựa vào nương rẫy, đi rừng. Lớn lên, ông nên duyên vợ chồng với bà T. - lúc đó mới chỉ hơn 15 tuổi. "Trước đây hai vợ chồng toàn ở trong rẫy để lao động sản xuất, thường gần gũi nhau nên nảy sinh ham muốn, các biện pháp tránh thai thì không nắm vững nên vỡ kế hoạch”, ông Thuận lý giải việc sinh quá nhiều con.

Sau khi vợ bỏ đi, ông Thuận phải sống một mình.
Sau khi vợ bỏ đi, ông Thuận phải sống một mình.

Người đàn ông này nói rằng, do không hiểu biết mới sinh con nhiều như vậy. Đông con, dù ông và vợ lao động quần quật từ sáng đến tối nhưng vẫn không đủ ăn, chưa nói đến việc học của các con. Qua 11 lần sinh đẻ, nhưng 2 đứa con của vợ chồng ông Thuận không may qua đời khi còn nhỏ. Cũng vì cái nghèo, cái đói, chẳng có đứa con nào của ông được ăn học đến nơi, đến chốn. Cứ đến tầm lớp 3, lớp 4, khi vừa đủ để biết cái chữ, tất cả đành phải bỏ dở việc học để theo cha mẹ lên rẫy kiếm cái ăn.

Khi đứa con thứ 8 ra đời, ông Thuận đặt tên cho cháu là Pay Thị Giang Giở. Ông nói rằng, vì khi đó ông đã nhận ra, sinh nhiều con là rất "giở" là nguyên nhân dẫn tới đói nghèo. Ông cũng không đủ cái chữ để biết rằng, cái tên đó thậm chí còn sai lỗi chính tả so với ý nghĩa của nó. Ngoài cái tên này, nhiều đứa con ông Thuận cũng được đặt những cái tên khá đặc biệt như Pay Thừa Kế, Pay Sinh Nhật...

Trong nhà ông Thuận, chẳng có nổi tài sản nào đáng giá 100.000 đồng.
Trong nhà ông Thuận, chẳng có nổi tài sản nào đáng giá 100.000 đồng.

“Đông con nhưng hiện tôi chỉ sống một mình. Vì cuộc sống quá vất vả nên vợ bỏ tôi, theo người khác cách đây 2 năm, các con thì mỗi đứa đi kiếm ăn một nơi. Ông Thuận cho biết thêm.

Đứa con lớn tuổi nhất hiện còn của vợ chồng sinh năm 1992, tiếp đến là 1995, 1997, 2000, 2000, 2001, 2005, 2008 và ít tuổi nhất là 2014. Không có nghề nghiệp, quanh năm chỉ đào nương phát rẫy trồng ngô, trồng sắn để đổi lấy gạo. Con lại đông nên cái đói, cái nghèo thường xuyên đeo bám gia đình ông là điều dễ hiểu.

Trong số các con ông đã có 3 người lập gia đình, còn một số đứa thì phiêu bạt khắp nơi để tự kiếm ăn, người thì ở Thanh Hóa, người thì ở Hà Nội, người lại Bắc Ninh...

Do trước đây lao động quá sức để có tiền nuôi con, giờ ông thường xuyên bị đau ốm, không còn lên nương rẫy được nữa. Thi thoảng bà con hàng xóm hay họ hàng thấy thương trước hoàn cảnh của ông nên cho ít gạo, ít muối, ít mắm để ông sống qua ngày.

Trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An, ông Pay Văn Thông - Trưởng bản Cha Lũm (xã Yên Tĩnh) cho biết, thi thoảng con cái ông Thuận cũng ghé qua, cho bố ít gạo để ăn. Các con ông dù đã lập gia đình nhưng cũng chẳng khá giả gì, nên việc hỗ trợ cũng chỉ khiêm tốn. “Trước đây, cán bộ dân số nhiều lần đến hướng dẫn vợ ông ấy kế hoạch hóa nhưng cả 2 vợ chồng không hiểu. Uống thuốc thì cứ dạy mãi mà uống không đúng trình tự nên không hiệu quả, còn đặt vòng tránh thai thì cứ đặt vào thì lại rơi ra...”, ông Thông lắc đầu ngao ngán.

Tin mới