Cuộc sống của bà con Đan Lai sau 20 năm về nơi ở mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Sau 20 năm về nơi ở mới, cuộc sống của người dân Đan Lai ở xã Môn Sơn (Con Cuông) đã có nhiều thay đổi. Đồng hành với họ luôn có sự giúp đỡ, quan tâm của chính quyền và người dân sở tại. 

Ngôi nhà của gia đình bà La Thị Nguyệt nằm ngay trung tâm của bản Cửa Rào, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Đó là một ngôi nhà cấp 4, dẫu khá cũ kỹ nhưng điều kiện sống khá đầy đủ. Nhà của đồng bào Đan Lai nhưng lối sắp đặt, bày biện khá giống với nhiều gia đình ở vùng nông thôn xứ Nghệ.

Người dân Đan Lai vào rừng thu hoạch tre, nứa. Ảnh: Mỹ Hà
Người dân Đan Lai vào rừng thu hoạch tre, nứa. Ảnh: Mỹ Hà

Ở bản Cửa Rào, gia đình bà La Thị Nguyệt là một gia đình đặc biệt bởi từ năm 2013, đây là hộ gia đình đầu tiên tự nguyện viết đơn xin thoát khỏi hộ nghèo.

Trước đó, năm 1999, khi có chủ trương di dời người Đan Lai trong vùng lõi của vườn quốc gia Pù Mát, bà là một trong những người đầu tiên ký vào danh sách di dời đến chỗ ở mới.

Bà La Thị Nguyệt vui mừng chia sẻ với cán bộ xã về mùa ngô bội thu. Ảnh: Mỹ Hà

Bà La Thị Nguyệt vui mừng chia sẻ với cán bộ xã về mùa ngô bội thu. Ảnh: Mỹ Hà

Ngoài trồng lúa nước, người dân Đan Lai đã biết trồng thêm các loại hoa màu để tăng thu nhập. Ảnh: Mỹ Hà

Ngoài trồng lúa nước, người dân Đan Lai đã biết trồng thêm các loại hoa màu để tăng thu nhập. Ảnh: Mỹ Hà

Hiện gia đình bà đang sống với vợ chồng người con trai, cuộc sống so với bà con chòm xóm được xem là “có của ăn của để”, nhưng tất cả các thành viên vẫn đều rất chăm chỉ, chịu thương chịu khó.

Mùa này, đến gia đình bà, lúa mới được thu hoạch xếp gọn gàng theo từng bao chật một góc sân. Gian nhà bếp nhỏ cũng đã được dành một nửa để làm nơi phơi ngô. Tranh thủ khoảnh vườn trống, bà Nguyệt còn trồng thêm vừng, thêm rau xanh, túc tắc cũng đủ ăn và còn bán thêm được vài yến cho bà con dưới chợ…

Mùa thu hoạch năm nay, nhiều gia đình có đủ lúa, không lo thiếu đói. Ảnh: Mỹ Hà

Mùa thu hoạch năm nay, nhiều gia đình có đủ lúa, không lo thiếu đói. Ảnh: Mỹ Hà

Bãi đất hoang được cải tạo làm ruộng lúa và nước sạch được cung cấp cho người dân Đan Lai sản xuất và sinh hoạt. Ảnh: Mỹ Hà

Bãi đất hoang được cải tạo làm ruộng lúa và nước sạch được cung cấp cho người dân Đan Lai sản xuất và sinh hoạt. Ảnh: Mỹ Hà

Sau nhiều năm về nơi ở mới, dù đã quen với cuộc sống mới, nói tiếng Kinh thành thạo nhưng bà Nguyệt vẫn rất ngại khi nói về mình. Người đàn bà có nước da ngăm đen đặc trưng của người Đan Lai cho biết: “So với trước đây, cuộc sống của chúng tôi giờ khá hơn rất nhiều. Gia đình tôi nuôi được 5 con trâu, 4 con bò, còn thêm gà lợn, trồng được 4 sào lúa với hoa màu. Cuộc sống đã không còn thiếu ăn, thiếu mặc”.

Bản Cửa Rào là bản tái định cư đầu tiên của người Đan Lai. Sau gần 20 năm về khu tái định cư Cửa Rào, cuộc sống của người dân có nhiều đổi khác. Từ 20 hộ ban đầu, đến nay, bản Cửa Rào đã có 36 hộ với 152 khẩu, cuộc sống dần ổn định, con cái được học hành đầy đủ. Sự thay đổi thể hiện không chỉ trong đời sống kinh tế mà trong cả nhận thức, tư duy.

Đường vào bản Cửa Rào rợp bóng cây xanh. Ảnh: Mỹ Hà
Đường vào bản Cửa Rào rợp bóng cây xanh. Ảnh: Mỹ Hà

Nói về bản Cửa Rào, ông Lương Viết Tùng - Trưởng phòng dân tộc huyện Con Cuông, trước đây nguyên là Chủ tịch UBND xã Môn Sơn là người nắm rõ nhất, thậm chí giờ đã chuyển công tác sang lĩnh vực mới nhưng danh sách của từng hộ gia đình, hoàn cảnh mỗi người ông vẫn còn nhớ rất rõ.

Trong quá trình công tác ở Môn Sơn, ông cũng cho rằng, do những đặc điểm riêng nên để ổn định cuộc sống, thay đổi thói quen tập quán cho người dân Đan Lai đến vùng tái định cư gặp rất nhiều khó khăn. Ban đầu, đa phần người dân chỉ biết vào rừng bắt thú, xuống suối bắt cá, cuộc sống tự túc, phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên.

Một góc bản Cửa Rào. Ảnh: Mỹ Hà

Một góc bản Cửa Rào. Ảnh: Mỹ Hà

Để giúp người dân, chính quyền huyện Con Cuông đã trích kinh phí cải tạo hơn 2h đất hoang để làm ruộng lúa nước, cấp đất cho người dân làm hoa màu. Người dân cũng được “cầm tay chỉ việc” để từng bước làm quen với việc chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế. Bản Cửa Rào hiện nay còn được gọi là bản người già và trẻ con bởi phần lớn những người trong độ tuổi lao động đều đã đi làm ăn xa hoặc đi vào rừng để làm keo.

Ông Ngân Văn Trường - Phó Chủ tịch xã Môn Sơn cũng nói rằng: Người dân Đan Lai chăm chỉ, chịu khó. Nhận thức thay đổi, họ biết đi làm, kiếm tiền về tích trữ cho gia đình, nuôi con cái ăn học.

Không chỉ khu tái định cư Khe Rạn, cuộc sống tái định cư của người dân Đan Lai ở bản Tân Sơn (xã Môn Sơn), bản Thạch Sơn, bản Bá Hạ (xã Thạch Ngàn) cũng đã từng bước thay đổi. Người Đan Lai ở các bản tái định cư, đã có 13-14 người đi xuất khẩu lao động, khoảng 30 người đi làm thuê ở các công ty ngoại tỉnh, việc phát triển kinh tế không còn gói gọi trong thôn bản nữa.

Cỏ voi được nhiều gia đình trong bản trồng để chăn nuôi gia súc. Ảnh: Mỹ Hà

Cỏ voi được nhiều gia đình trong bản trồng để chăn nuôi gia súc. Ảnh: Mỹ Hà

Mô hình chăn nuôi dê tại hộ gia đình Đan Lai. Ảnh: Mỹ Hà

Mô hình chăn nuôi dê tại hộ gia đình Đan Lai. Ảnh: Mỹ Hà

Về quê mới, chung sống với người dân sở tại, những hủ tục hôn nhân cận huyết, tảo hôn cũng đang từng bước được xóa bỏ, nhiều mô hình kinh tế mới đã hình thành, trẻ con được đi học gần nhà, nhiều gia đình đã thoát nghèo và cuộc sống ấm no đang đến gần hơn với người dân nơi đây…

Tin mới