Cuối năm 2023 phải gỡ được thẻ vàng EC

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Chiều 01/6, Ban chỉ đạo Quốc gia về chống đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, không quy định và không báo cáo (gọi tắt là IUU) tổ chức cuộc họp trực tuyến với các bộ ngành và địa phương lần thứ VII về tiếp tục tăng cường các giải pháp xử lý vi phạm IUU.

Chủ trì từ điểm cầu Hà Nội có đồng chí Trần Lưu Quang - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Cùng dự có đại diện các bộ, ngành là thành viên Ban chỉ đạo IUU Quốc gia và lãnh đạo UBND 28 tỉnh, thành ven biển.

Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Cùng dự có đại diện các sở, ngành, UBND các huyện thị và xã, phường ven biển.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo từ điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hải (chụp từ màn hình)

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo từ điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hải (chụp từ màn hình)

Từ năm 2012 đến nay có 4 trong tổng số 11 nước ở Đông Nam Á nhận “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC). Campuchia là nước đầu tiên nhận “thẻ vàng” vào tháng 11/2012 và sau một năm “thẻ vàng” chuyển thành “thẻ đỏ,” tức các sản phẩm thủy sản bị cấm nhập vào Cộng đồng châu Âu (EU). Tháng 10/2017, Việt Nam nhận “thẻ vàng” do một số ngư dân chưa chấm dứt việc khai thác hải sản bất hợp pháp.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ đây là cuộc họp để xem xét, xử lý về vấn đề không mới là tình trạng khai thác IUU. Tình trạng này bị EC khuyến cáo, phạt thẻ vàng cách đây 6 năm và Ban chỉ đạo IUU quốc gia đã họp đến lần thứ 7. EC cũng đã sang kiểm tra 3 lần và gần nhất vào tháng 10 năm 2022, EC tiếp tục ra khuyến cáo. Cuộc kiểm tra cuối tháng 5 vừa qua bị hoãn và dời đến tháng 10 năm nay nhưng không vì thế mà các bộ ngành và địa phương lơi lỏng. Từ cuộc họp này, các bộ, ngành và địa phương phải quyết tâm, tìm ra giải pháp để chấn chỉnh hoạt động khai thác nhằm gỡ thẻ vàng vào cuối năm.

Làm thủ tục đăng ký cấp phép cho tàu cá của ngư dân xuất bến đánh bắt tại cảng Lạch Quèn. Ảnh: Nguyễn Hải

Làm thủ tục đăng ký cấp phép cho tàu cá của ngư dân xuất bến đánh bắt tại cảng Lạch Quèn. Ảnh: Nguyễn Hải

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, thời gian vừa qua, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng công tác quản lý đánh bắt theo IUU vẫn còn một số hạn chế. Tình trạng tàu cá các địa phương Việt Nam sang vùng biển các nước trong khu vực đánh bắt và bị bắt vẫn còn. Từ đầu năm 2023 đến nay có 16 tàu/84 ngư dân các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bến Tre, Bạc Liêu và Kiên Giang bị Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Campuchia bắt giữ, xử lý và EC khẳng định sẽ không gỡ cảnh báo “thẻ vàng” nếu không chấm dứt tình trạng này.

Lực lượng kiểm ngư Nghệ An tuyên truyền nhắc nhở ngư dân đảm bảo an toàn lao động và thủ tục khi đánh bắt trên biển. Ảnh: Nguyễn Hải

Lực lượng kiểm ngư Nghệ An tuyên truyền nhắc nhở ngư dân đảm bảo an toàn lao động và thủ tục khi đánh bắt trên biển. Ảnh: Nguyễn Hải

Bên cạnh đó, cường lực đánh bắt đội tàu nước ta còn lớn nhưng công tác thực thi pháp luật, xử phạt các hành vi khai thác IUU tại một số địa phương còn nhiều yếu kém, thiếu trách nhiệm và chưa đồng bộ; công tác cấp phép và quản lý, giám sát tàu cá tại cảng vẫn còn lỏng lẻo; một số địa phương vẫn còn hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài nhưng kết quả điều tra, xử lý còn hạn chế...

Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo IUU tỉnh Nghệ An chủ trì hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Hải

Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo IUU tỉnh Nghệ An chủ trì hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Hải

Tại buổi làm việc, đại diện các bộ ngành và địa phương có tàu cá vi phạm phát biểu nêu kết quả kiểm tra thời gian qua. Bên cạnh công tác tuyên truyền, nhắc nhở, một số bộ ngành và địa phương đã kiểm tra xử phạt để răn đe và khởi tố một số chủ tàu vi phạm nặng nhưng hiện tượng đánh bắt trái phép vẫn chưa chấm dứt; kiến nghị sớm ban hành chính sách chuyển đổi nghề cho bà con ngư dân sau khi giảm cường lực đội tàu đánh bắt...

Lực lượng kiểm ngư lai dắt 1 tàu cá vi phạm về bờ để xử phạt hành chính. Ảnh: Nguyễn Hải

Lực lượng kiểm ngư lai dắt 1 tàu cá vi phạm về bờ để xử phạt hành chính. Ảnh: Nguyễn Hải

Thông qua nêu một số tình huống mà lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý trên biển, các bộ, ngành, địa phương cũng kiến nghị một số giải pháp xử lý như tăng cường phối hợp giữa các lực lượng chức năng và địa phương trên biển để vừa xử lý kịp thời tàu cá ngư dân vi phạm nhưng cũng bảo vệ được tàu cá ngư dân ta đánh bắt hợp lý, xua đuổi các tàu cá nước khác sang đánh bắt vi phạm; sớm xem xét sửa đổi Nghị định về chính sách hỗ trợ đóng tàu xa bờ, vươn khơi bám biển; tăng nặng mức xử phạt...

Trên thực tế, tại một số vùng biển giáp ranh và chưa phân định không chỉ có tàu cá của ngư dân nước ta mà còn tàu cá các nước bạn vào đánh bắt, vì vậy để có cơ sở xua đuổi hay xử phạt tàu cá vi phạm, cần nâng cao chất lượng thiết bị VMS cũng như năng lực hệ thống giám sát tàu cá thì lực lượng chức năng trên biển mới xử phạt tàu cá vi phạm; đồng thời, bảo vệ ngư dân đánh bắt hợp pháp…

(Trích phát biểu của đại diện UBND tỉnh Cà Mau)

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo IUU quốc gia giải đáp một số nội dung các bộ ngành và địa phương đề xuất. Ảnh: Nguyễn Hải (chụp từ màn hình)

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo IUU quốc gia giải đáp một số nội dung các bộ ngành và địa phương đề xuất. Ảnh: Nguyễn Hải (chụp từ màn hình)

Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến phát biểu, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang kết luận nhấn mạnh vai trò của việc gỡ thẻ vàng EC đối với thủy sản mà còn là vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Thẳng thắn nêu lên những hạn chế của công tác quản lý khai thác IUU, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và địa phương cố gắng để không còn tàu cá vi phạm để gỡ thẻ vàng và không bị thẻ đỏ. Phấn đấu cùng với các giải pháp khác, cuối năm 2023 phải gỡ được thẻ vàng để đưa thủy sản Việt Nam trở lại EC và hơn nữa là tới các thị trường lớn khác như Nhật, Mỹ...

Các địa phương phải quyết liệt, xử lý mạnh tay và có tính răn đe để mỗi chủ tàu, ngư dân khi đánh bắt phải cân nhắc. Đồng tình với kiến nghị của một số bộ ngành và địa phương đưa một số vụ việc vi phạm ra xét xử để làm điểm; đồng thời từ nay đến tháng 10 sẽ lập đoàn kiểm tra các địa phương; các bộ ngành và địa phương tăng cường phối hợp và có lộ trình cụ thể và giải pháp cụ thể; nâng cao chất lượng thiết bị giám sát qua hệ thống tàu cá và thiết bị VMS trên tàu cá; quan tâm đảm bảo chế độ, trang thiết bị cho lực lượng chức năng, chấp pháp trên biển; chuẩn bị tốt các điều kiện để đón đoàn EC sang kiểm tra.

(Trích kết luận của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang)

Tin mới