Cuốn nhật ký “Tiến về Sài Gòn” của người lính xứ Nghệ

(Baonghean.vn) - Mỗi năm, vào dịp kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Hồ Trọng Thanh lại lần giở những trang nhật ký và kỷ vật năm xưa, bao ký ức chợt ùa về khiến người cựu chiến binh này như được sống lại thời hoa lửa.

Những dòng nhật ký nóng hổi

44 năm, cuốn sổ nhật ký của ông Hồ Trọng Thanh (65 tuổi) ở xóm Yên Hạ, xã Hưng Thịnh (Hưng Nguyên), giờ đã phai màu, nét chữ cũng mờ dần theo năm tháng. Nhưng cựu binh này nói rằng, đây thực sự là thứ vô giá, không có gì có thể đánh đổi. Cuốn nhật ký đó gắn với một thời trai trẻ, chiến chinh, với những ngày tháng hào hùng và oanh liệt.

“Tôi có thói quen viết nhật ký từ hồi còn là học sinh, trong suốt những năm chiến tranh tôi viết đến 3 cuốn. Nhưng tiếc là khi gửi lại hậu cứ để hành quân đánh giặc, lúc trở lại 2 cuốn bị thất lạc, giờ chỉ còn một cuốn ghi lại chặng đường tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”, ông Thanh nói.

Mỗi khi rảnh rỗi, cựu chiến binh Hồ Trọng Thanh và đồng đội cũ thường ngồi ôn lại kỷ niệm xưa. Đặc biệt, ông Thanh thường lần giở những cuốn nhật ký chiến trường và bức ảnh chụp trong dịp làm công tác quân quản tại Sài Gòn sau chiến dịch Hồ Chí Minh để những ký ức năm xưa ùa về... Ảnh: Công Kiên và nhân vật cung cấp
Mỗi khi rảnh rỗi, cựu chiến binh Hồ Trọng Thanh và đồng đội cũ thường ngồi ôn lại kỷ niệm xưa. Đặc biệt, ông Thanh thường lần giở những cuốn nhật ký chiến trường và bức ảnh chụp trong dịp làm công tác quân quản tại Sài Gòn sau chiến dịch Hồ Chí Minh để những ký ức năm xưa ùa về... Ảnh: Công Kiên và nhân vật cung cấp
Cuốn nhật ký của ông Thanh còn giữ dài gần 100 trang, chữ viết khá ngay ngắn và thẳng hàng, vẫn còn rõ nét. Trang đầu có ghi dòng chữ bằng bút đỏ “Trang nhật ký miền Nam quê hương”, bên cạnh là tên tác giả và đơn vị Đội 59 - Đoàn 70.

Thời điểm bắt đầu cuốn nhật ký là ngày 8/4/1975 với những dòng suy nghĩ: “Hành quân liên tục cả đêm lẫn ngày. Cái nắng ở xứ sở miền Nam quê hương thật là gay gắt. Mệt nhọc không sao nói hết. Song, tin chiến thắng miền Nam đã làm cho cơn mệt nhọc tan biến, đường ra trận hôm nay rực rỡ cờ hoa…”.

Tiếp đến, từ ngày 9 đến 15/4 được chiến sỹ Hồ Trọng Thanh ghi lại khá chi tiết về diễn biến cuộc hành quân chiến đấu và suy nghĩ, cảm xúc của mình. Tất cả hiện lên với khí thế chiến đấu và chiến thắng, ai cũng dự cảm được thắng lợi đang đến rất gần, có thể nói đang trong tầm tay.

Ngày tiếp theo và cũng là ngày cuối cùng được ghi trong cuốn nhật ký là 21/4, nội dung được ghi lại vẫn là chuyện hành quân: “Trời đêm vừa buông xuống. Mệnh lệnh hành quân được phát ra, tất cả giờ đây đều trong nhẹ nhàng, trong tư thế lên đường nhận nhiệm vụ chiến đấu. Mình đoán chắc rằng về giải phóng Biên Hòa thì phải. Ôi chao ôi! Còn gì vui hơn thế nữa…”.

Dù cuộc sống mưu sinh có những lúc vất vả, thăng trầm nhưng những dòng nhật ký cùng bài thơ "Tiến về Sài Gòn" luôn đọng mãi trong tâm trí cựu chiến binh Hồ Trọng Thanh. Ảnh: Công Kiên
 Dù cuộc sống mưu sinh có những lúc vất vả, thăng trầm nhưng những dòng nhật ký cùng bài thơ "Tiến về Sài Gòn" luôn đọng mãi trong tâm trí cựu chiến binh Hồ Trọng Thanh. Ảnh: Công Kiên
Sau cùng là những lời giải thích nguyên do không thể viết tiếp những dòng nhật ký chiến trường: “Chiến dịch Hồ Chí Minh, trang sử vàng bất diệt, song tiếc thay vì phải theo binh đoàn thần tốc không sao ghi được những giờ phút huy hoàng đó. Nhớ đừng phai!”. Những dòng này được viết tại Trảng Bom (Biên Hòa).

Kỷ vật thiêng liêng

Cùng với cuốn nhật ký chiến trường, ông Hồ Trọng Thanh còn có những kỷ vật lưu dấu niềm vui trong những ngày toàn thắng, vừa quý giá, vừa thiêng liêng. Trước tiên là cuốn sổ ghi chép - chiến lợi phẩm thu được tại Phủ Tổng ủy công vụ của chế độ Việt Nam cộng hòa khi ông cùng đơn vị tiến vào đánh chiếm trưa 30/4. Cuốn sổ này được dùng để ghi chép nội dung học tập chính trị và nội dung thực hiện nhiệm vụ quân quản.

Bên cạnh đó là bức ảnh chụp cùng đồng đội trên chiếc xe máy của địch bỏ lại lúc tháo chạy khỏi Sài Gòn. Trong bức ảnh, ông Thanh là người bồng súng ngồi phía sau, nụ cười và nét mặt vô cùng rạng rỡ. “Sau ngày chiến thắng, chúng tôi được giao làm nhiệm vụ quân quản. Đi qua một hiệu ảnh, thấy có chiếc xe máy vứt ở phía trước, tôi cùng một người đồng đội ngồi lên chụp một kiểu làm kỷ niệm” - ông Thanh kể lại.

Những kỷ vật thiêng liêng của một thời hoa lửa là nguồn động lực giúp cựu chiến binh Hồ Trọng Thanh vươn lên trong cuộc sống. Ảnh: Công Kiên
Những kỷ vật thiêng liêng của một thời  hoa lửa là nguồn động lực giúp cựu chiến binh Hồ Trọng Thanh vươn lên trong cuộc sống. Ảnh: Công Kiên
Và không thể không kể đến bài thơ “Tiến về Sài Gòn” viết sau mấy ngày toàn thắng trong cuốn sổ tay. “Quê hương ơi, hỡi quê hương!/Lắng nghe nhịp thở chiến trường nơi xa/Xe người tấp nập cờ hoa/Máu tim ngừng tập, tim ta bước dồn/Đập tan xiềng xích, bốt đồn/Quân thù khiếp vía kinh hồn khắp nơi…”.

Cựu chiến binh Hồ Trọng Thanh chia sẻ, ông luôn tự hào mình từng là một người lính chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, càng tự hào hơn khi được tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần giải phóng Sài Gòn. "Những dòng nhật ký và kỷ vật chiến trường giúp tôi lưu giữ ký ức hào hùng, oanh liệt và nhắc nhở mình sống xứng đáng với sự hy sinh của bao đồng chí, đồng đội”, ông nói.

Tin mới