Cup Quốc gia và nỗi lo cho các tài năng trẻ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) -  Trước khi V-League 2023 trở lại sau quãng nghỉ, bóng đá Việt khởi động bằng loạt trận vòng loại Cup quốc gia diễn ra trong 2 ngày 1 và 2/4/2023.

Thể thức đấu cup này là sân chơi của cả các đội V-League và đội hạng Nhất nên sự chênh lệch là không thể tránh khỏi, như kết quả các trận đấu Viettel -Bình Thuận (6-0), Bình Dương - Huế (4-0)… Nhưng nếu không có tham vọng, chỉ dồn sức cho V-League thì các đội như Thành phố Hồ Chí Minh hay Sông Lam Nghệ An vẫn có thể “nhường” chiến thắng cho các đội Vũng Tàu hay Quảng Nam như đã thấy sau các loạt đá luân lưu.

Lão tướng Trọng Hoàng đã có trận đấu đầy nỗ lực, nhưng không thể giúp đội nhà có được kết quả như mong muốn trước Quảng Nam tại Cúp Quốc gia. Ảnh: Chung Lê

Lão tướng Trọng Hoàng đã có trận đấu đầy nỗ lực, nhưng không thể giúp đội nhà có được kết quả như mong muốn trước Quảng Nam tại Cúp Quốc gia. Ảnh: Chung Lê

Vấn đề đáng quan tâm nhất, từ ông Phillippe Troussier tới người hâm mộ bình thường là liệu những cầu thủ trẻ nào có dịp được tung vào sân thi đấu trong một dịp hiếm hoi này? Điểm qua các trận đấu ở Vinh, Hàng Đẫy hay Thủ Dầu Một, rõ ràng điều này đang được đáp ứng cụ thể.

Ở sân Vinh, hàng loạt cầu thủ trẻ Sông Lam Nghệ An như Xuân Tiến, Văn Cường, Văn Bách, Văn Thành được giao đá chính, rồi Mạnh Quỳnh, Nam Hải, Xuân Đại vào sân từ ghế dự bị. Bàn thắng mở tỷ số của đội chủ sân Vinh là pha kiến tạo xuất sắc của Văn Cường từ pha bứt tốc bên cánh phải, chuyền vào trong như đặt để lão tướng Trọng Hoàng lập công. Việc Xuân Tiến, Văn Cường được chơi 90 phút và cả việc Xuân Tiến được giao sút luân lưu cho thấy các ngôi sao trẻ này đang thực sự là những trụ cột trẻ trung và đầy tiềm năng của đội bóng. Trong khi đó, Nguyễn Đình Bắc bên phía Quảng Nam cũng là một nhân tố trẻ đáng chú ý, thi đấu rất tốt trong suốt cả trận đấu.

Ở sân Hàng Đẫy, dưới sự chứng kiến của ông Troussier, người hùng SEA Games 31 Nhâm Mạnh Dũng lập một cú đúp trong chiến thắng đậm đà 6-0 của Viettel trước Bình Thuận. Tất nhiên, Mạnh Dũng là quân bài chiến lược của ông thầy người Pháp cho Đội tuyển Việt Nam, còn ở SEA Games sắp tới, cầu thủ này đã quá tuổi (anh sinh năm 2000). Trận này cầu thủ trẻ Danh Trung cũng ra sân từ đầu nhưng đáng nói nhất là Văn Khang hay Tuấn Tài đều không ra sân vì lý do “cần được nghỉ ngơi” sau một giải đấu nặng?

Viettel cho thấy sự khác biệt về đẳng cấp so với Bình Thuận.
Viettel cho thấy sự khác biệt về đẳng cấp so với Bình Thuận.

Trên sân Thủ Dầu Một, Bùi Vĩ Hào được ra sân từ đầu và có pha kiến tạo trong bàn thắng mở tỷ số của chủ nhà Bình Dương. Như vậy, những cái tên không lên tập trung U23 Việt Nam để dự Doha Cup 2023 mới đây đều được ra sân và để lại dấu ấn đáng kể. Trong khi đó, ở những đội bóng dồi dào nhân lực như Viettel, Hà Nội FC hay Công an Hà Nội, vì chưa thi đấu vòng loại cup quốc gia nên chưa thể biết các nhân tố trẻ xuất sắc có được ra sân thi đấu hay nghỉ ngơi như cách của Viettel? Vì vậy, ông Troussier hẳn cũng sốt ruột chờ xem những Quang Thịnh, Văn Đô, Tiến Long, Văn Chuẩn, Đức Việt, Quốc Việt… sẽ có cơ hội ở đội bóng chủ quản hay không và khi có được liệu họ sẽ thể hiện được những điều gì đáng nói?

Để thấy, điều ông Troussier mong mỏi là các nhân tố trẻ sớm được trui rèn, thực chiến ở câu lạc bộ là chính đáng, cấp thiết, nhưng không phải ở đâu cũng được đáp ứng. Vì áp lực thành tích, vì sự dư dả lực lượng, người ta vẫn phải ưu tiên cho những trụ cột sẽ đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, rất ít cơ hội cho những thử nghiệm mang tính dài hơi. Còn chuyện cung cấp nhân tài, đóng góp cho các đội tuyển, nói cho cùng có thì vinh dự, không có cũng chẳng sao khi mọi việc chỉ là… không xuống hạng hoặc một thứ hạng chấp nhận được mà thôi.

Ở V-League, lâu nay chỉ có Sông Lam Nghệ An, Hoàng Anh Gia Lai và Đà Nẵng đáp ứng yêu cầu này bởi lý do chủ quan của chính đội bóng. Một mặt, họ đào tạo trẻ tốt và có đủ nguồn lực trẻ để thay thế những người đã cống hiến, đã hết hợp đồng thi đấu. Mặt khác, đây là những đội bóng không có nguồn lực đầu tư dồi dào để mua sắm rình rang, để có ngay thành tích nên buộc phải đôn sớm lên những nhân tố trẻ, chấp nhận “đá cho vui”, “dành cả thanh xuân để trụ hạng” như đã biết. Trước đây, ai cũng biết chuyện “chảy máu nhân tài” ở Sông Lam Nghệ An khiến đội bóng sau đó thi đấu bết bát và mấp mé xuống hạng, toàn hòa và thua. Gần đây, một đội bóng khác tiếp bước, cũng ra đi hàng loạt công thần là Hoàng Anh Gia Lai, cũng lại kết quả hòa là cơ bản, thắng là xa xỉ. Trong những môi trường không có cạnh tranh khốc liệt như thế, thật khó để các nhân tố trẻ phát huy tốt năng lực vốn có để đạt tới điều nọ, điều kia.

Một câu trả lời nhãn tiền là lâu nay rất ít các nhân tố trẻ của Sông Lam Nghệ An sau thời Văn Đức, Xuân Mạnh lọt vào danh sách cuối cùng của U23 Việt Nam. Hai kỳ SEA Games đoạt huy chương vàng của U23 dưới tay ông Park Hang-seo không có một ai đến từ sân Vinh. Giải U23 Đông Nam Á thời ông Đinh Thế Nam có một loạt nhân tố trẻ Sông Lam nhưng đến Giải U23 châu Á 2022 thời ông Gong Oh-kyun thì bị loại hết. Mới đây, U23 đi Doha Cup dưới thời ông Troussier cũng rơi rớt về …"mo", dù có vài cái tên được cho là đội chủ quản không “nhả quân”…

Vậy nên, chuyện ông Troussier đến sân Hàng Đẫy để tìm thấy một nhân tố…quá tuổi dự SEA Games, trong khi những người trong độ tuổi đang phấn đấu thì không được quan tâm, xem ra thật sự “bẽ bàng” cho tất cả? Và khi các trận đấu cup như là một thủ tục, một trận đấu không mục đích rõ ràng, thì liệu những Xuân Tiến, Văn Cường, Nam Hải…sẽ chứng minh được điều gì với đội chủ quản, với ông thầy ở xa tít ngoài kia?

Bộn bề nỗi lo với ông thầy mới trước thềm SEA Games 32 là thế, nhưng cách mà các cầu thủ trẻ đang phấn đấu, đang được tạo điều kiện xem ra càng khiến nỗi lo đó dày thêm.

Tin mới