Cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội và Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long bị bắt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Chiều 7/6, các cơ quan chức năng đã thi hành lệnh khởi tố, tạm giam cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh và Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

* Lệnh khởi tố, tạm giam cựu chủ tịch Hà Nội về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, theo Điều 219 Bộ luật Hình sự, được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) thực thi ngày 7/6.

Gần ba tiếng trước khi lệnh bắt được thực thi, ông Chu Ngọc Anh bị HĐND thành phố bãi nhiệm cương vị Chủ tịch UBND Hà Nội. Hôm qua, ông đã bị khai trừ khỏi Đảng.

Ông Chu Ngọc Anh.
Ông Chu Ngọc Anh.

Cùng tội danh với ông Chu Ngọc Anh, C03 khởi tố, bắt tạm giam ông Phạm Công Tạc, cựu thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Ông Chu Ngọc Anh và Phạm Công Tạc bị cáo buộc vi phạm quy định của pháp luật trong việc giao, quản lý, sử dụng Đề tài khoa học và công nghệ cấp Quốc gia nghiên cứu, chế tạo Kit xét nghiệm Covid-19. Hành vi này gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước, theo cơ quan điều tra.

Ông Chu Ngọc Anh 57 tuổi, quê ở Ba Vì, Hà Nội; làm Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ từ tháng 4/2016 đến tháng 9/2020. Tháng 9/2020, ông làm Chủ tịch UBND Hà Nội, một tháng sau khi người tiền nhiệm là ông Nguyễn Đức Chung bị bắt trong ba vụ án.

Ông Phạm Công Tạc 60 tuổi, quê Nam Định, được bổ nhiệm Thứ trưởng từ tháng 8/2014, trước đó là Chánh văn phòng Bộ. Hôm qua, ông bị Thủ tướng ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc.

* Cùng ngày bị cách chức và bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bị khởi tố, tạm giam.

Chiều 7/6, ông Long bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) tống đạt quyết định truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo Điều 356 Bộ luật Hình sự. Nhà riêng trên đường Hoàng Hoa Thám bị khám xét.

Sáng cùng ngày, Quốc hội đã bãi nhiệm tư cách đại biểu khoá XV, phê chuẩn cách chức Bộ trưởng Y tế với ông Long. Một ngày trước, trong cuộc họp bất thường của Ban Chấp hành Trung ương, ông bị khai trừ khỏi Đảng.

Ông Nguyễn Thanh Long

Ông Nguyễn Thanh Long

Cựu bộ trưởng Y tế 56 tuổi bị cáo buộc can thiệp, tác động, hỗ trợ Công ty Việt Á trong quá trình cấp sổ đăng ký lưu hành tạm thời và chính thức; hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương đối với bộ kit xét nghiệm do doanh nghiệp này cung cấp. Ông ban hành các thông báo giá sinh phẩm trang thiết bị y tế chẩn đoán Covid-19 trái quy định...

Hiện, ông Long là người giữ chức vụ cao nhất tại Bộ Y tế bị xử lý do liên quan vụ Việt Á. Cuối tháng 12/2021, hai cựu vụ trưởng Nguyễn Nam Liên (Vụ Kế hoạch Tài chính) và Nguyễn Minh Tuấn (Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế) đã bị khởi tố.

Ông Long làm Thứ trưởng Y tế từ tháng 12/2011, tháng 10/2018 được điều động giữ cương vị Phó ban Tuyên giáo Trung ương.

Từ tháng 1/2020, ông trở lại làm Thứ trưởng Y tế. Ông là Bộ trưởng từ tháng 11/2020, nhận nhiệm vụ trong lúc Covid-19 bùng phát. Thời điểm này, Bộ Y tế đảm đương nhiều công việc từ điều phối lực lượng ngành y điều trị và chi viện các địa phương; tham gia hoạch định các quyết sách chống dịch đến đàm phán nguồn cung vaccine từ nước ngoài...

Hơn 10 ngày trước khi ông Long bị bắt, ông Nguyễn Huỳnh, thư ký của ông Long thời kỳ làm Thứ trưởng Bộ Y tế, đã bị C03 khởi tố, tạm giam với cáo buộc Lợi dụng chức vụ quyền hành trong khi thi hành công vụ. Lúc bị bắt hôm 25/5, ông Huỳnh giữ chức Phó phòng Quản lý giá, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế.

Bộ Công an cho rằng ông Huỳnh lợi dụng vị trí thư ký lãnh đạo để "giới thiệu, can thiệp và tác động" đến Vụ trưởng Nguyễn Minh Tuấn trong việc Bộ Y tế tiếp nhận, thẩm định hồ sơ xin cấp Số đăng ký lưu hành kit xét nghiệm Covid-19 cho Công ty Việt Á. Vì thế, hồ sơ của Việt Á được cấp trái quy định.

Năm 2020, khi Covid-19 bùng phát, Bộ Khoa học và Công nghệ, Học viện Quân Y nghiên cứu kit xét nghiệm với sự tham gia của Công ty Việt Á ngay từ những ngày đầu để kịp chuyển giao công nghệ, đưa vào sản xuất, phục vụ phòng chống dịch.

Tuy nhiên, C03 xác định, Tổng Giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt đã lợi dụng tính cấp bách của dịch bệnh để rao bán kit test cho các tỉnh, thành, nhằm thu lợi bất chính.

Tháng 12/2021, vụ án nâng khống giá tại Việt Á được điều tra. 6 tháng qua, Sở Y tế, CDC và bệnh viện của 16 tỉnh, thành đã bị cơ quan điều tra cáo buộc có liên quan sai phạm này.

Trong doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng, Việt Á chi "hoa hồng" lót tay cho các đơn vị, cá nhân gần 800 tỷ đồng.

Tin mới