Cựu chủ tịch xã giao 14.000 m2 đất trái thẩm quyền

Ông Nguyễn Trung Thành, cựu chủ tịch xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, được tòa phúc thẩm hưởng án treo 30 tháng tù do không hưởng lợi từ sai phạm giao đất.

HĐXX cấp phúc thẩm TAND Hà Nội tuyên giữ nguyên mức phạt của tòa sơ thẩm với bị cáo Thành song chuyển tù giam thành tù treo về tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai, theo Điểm b, Khoản 2, Điều 174 Bộ luật Hình sự 1999.

Bị cáo Quanng (trái) và Thành trong phiên phúc thẩm ngày 25/3. Ảnh: Hải Thư
Bị cáo Quang (trái) và Thành trong phiên phúc thẩm ngày 25/3. Ảnh: Hải Thư

Đồng phạm, bị cáo Trần Mạnh Quang, cựu Phó Chủ tịch HĐND xã Cổ Đô, cũng được HĐXX cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo, cho hưởng 20 tháng tù treo.

Theo bản án sơ thẩm của TAND huyện Ba Vì, năm 2012, UBND Hà Nội có chủ trương xây dựng nông thôn mới. Theo hướng dẫn của sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, UBND xã Cổ Đô, huyện Ba Vì thành lập Ban chỉ đạo dồn ghép ruộng đất. Bị cáo Thành và Quang, (khi đó là Chủ tịch xã và phó Chủ tịch HĐND xã) lần lượt đảm nhiệm chức vụ trưởng ban và phó ban. Mỗi thôn có một tiểu ban gồm các cán bộ thôn, xã.

Do đất canh tác có chất lượng khác nhau, các tiểu ban họp bàn tính hệ số K để quy đổi chênh lệch diện tích đất tốt, xấu để lên phương án đền bù.

Qua tổng hợp, Tiểu ban thôn Viên Châu, xã Cổ Đô nhận thấy thôn có tổng 34.000 m2 đất thuộc diện được bù hệ số K. Tiểu ban trình kế hoạch bán các khu đất này với giá 15 triệu đồng/sào để lấy tiền chi trả đền bù hệ số K, được ông Thành ký phê duyệt. Ông Quang tham dự nhiều cuộc họp của Tiểu ban, đều đồng thuận kế hoạch.

Tháng 10/2013, Tiểu ban bàn giao hơn 61.000 m2 đất cho 6 hộ dân có nhu cầu mua, thời hạn 50 năm với giá 2,5 tỷ đồng. Trong số này, hơn 14.000 m2 thuộc đất công ích để nuôi trồng thủy sản. Trên lý thuyết, đất phải chia cho các hộ dân hoặc trả về cho UBND xã quản lý, song lại bị các bị cáo giao thầu tư nhân, hưởng lợi nhuận.

HĐXX sơ thẩm nhận định, bị cáo Thành giữ vai trò chủ mưu cầm đầu do biết rõ diện tích đất trên không nằm trong diện tích đất được dồn điền đổi thửa, đồng thời nhận thức được UBND xã không có thẩm quyền chuyển nhượng, giao bán đất song vẫn ký phê duyệt các kế hoạch của Tiểu ban.

Bị cáo Quang với tư cách phó ban, tham dự tổng 10 cuộc họp với nội dung giao đất thu tiền, nhận thức rõ về pháp luật song vẫn phát biểu ý kiến chỉ đạo và đồng ý với chủ trương trên, nên phải chịu hình phạt cao thứ 2 trong vụ án.

Trong phiên phúc thẩm, hai bị cáo thừa nhận sai phạm song nói không móc nối trục lợi, cũng được hưởng lợi gì từ tiền cho thuê đất. Bị cáo Thành khẳng định không quen biết, bàn bạc với các hộ mua đất, chỉ do sơ suất và "quá tin tưởng cấp dưới" dẫn đến vi phạm pháp luật. "Sau khi bị khởi tố, tôi mới biết mình sai. Một phần vì quá nhiều việc", bị cáo bào chữa.

Bị cáo Quang khai có được trả 630.000 đồng tiền bồi dưỡng trong các cuộc họp, song đều không cầm. Số tiền các hộ mua đất nộp về, sổ sách thu chi thể hiện, đều được chi trả hệ số K cho dân, thuê máy xúc, công giám sát và hỗ trợ san lấp...

"Các bị cáo biết rõ thẩm quyền cấp xã không được bán, chuyển nhượng đất nông nghiệp mà vẫn làm, dù không được hưởng lợi nhưng trách nhiệm là rất lớn", Chủ tọa nghiêm khắc nhắc nhở. Bị cáo Thành và Quang cúi đầu im lặng.

HĐXX phúc thẩm cũng kiến nghị UBND huyện Ba Vì thu hồi diện tích đất bị giao trái phép cho 6 hộ dân trong vụ án.

Liên quan vụ án, bốn bị cáo là thành viên của Tiểu ban thôn Viên Châu bị phạt từ 13 đến 20 tháng tù treo, song không kháng cáo.

Tin mới