Cựu Đại sứ Đức: Chủ nghĩa đơn phương hiếu chiến biến Mỹ thành “quốc gia bất hảo”?

(Baonghean.vn) - Một nhà ngoại giao kỳ cựu của Đức cảnh báo, Tổng thống Donald Trump đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng với quan hệ của Berlin và Washington. Song một số chuyên gia cho rằng chủ nghĩa đơn phương của nhà lãnh đạo Mỹ có những tác động toàn cầu vượt ngoài phạm vi Berlin.
Biểu tình phản đối Mỹ tại Berlin. Ảnh: Global Look Press
Biểu tình phản đối Mỹ tại Berlin. Ảnh: Global Look Press
Cựu Đại sứ Đức tại Mỹ Wolfgang Ischinger đã bày tỏ lo ngại rằng những động thái chính sách gây bất ổn của Donald Trump - từ việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, đến đánh thuế nhằm vào Liên minh châu Âu (EU) - có thể khuyến khích làn sóng bài Mỹ tại Đức, khiến Berlin ngày một khó bảo vệ mối quan hệ của họ với Washington.

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, Ischinger đã hối thúc người Đức không từ bỏ quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương với Mỹ, song thừa nhận rằng những động thái gây xa lánh của Trump có thể trở nên “nguy hại” cho quan hệ Mỹ-Đức.

Trump đối đầu thế giới?

Giáo sư Peter Schulze, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Gottingen nhận xét, Đức không phải nước đơn độc cảm thấy thách thức trước những sáng kiến chính sách đối ngoại gây cô lập của Tổng thống Mỹ.

“Chính quyền Trump cùng Quốc hội về cơ bản đã tìm cách tách rời Mỹ trong con mắt của đa số các quốc gia có chủ quyền trên thế giới”, ông phát biểu, nói thêm rằng một “vết rạn nứt sâu” đã hình thành giữa châu Âu với Washington. Tuy nhiên, ông hoài nghi việc những chính sách gây xa lánh của Trump sẽ dẫn tới một “chủ nghĩa bài Mỹ nguy hiểm, thù địch” tại châu Âu, thay vào đó dự báo rằng Đức và các nước châu Âu khác đơn giản sẽ cố gắng chờ đợi một chính quyền mới lên nắm quyền tại Washington - chiến lược mà Schulze gọi là “trốn tránh”.

John Laughland - một triết gia, sử gia và tác giả người Anh lại nêu quan điểm, EU bị sốc trước việc Trump quyết định áp thuế với khối nước này. Nhưng những quyết định trước đó của Tổng thống Mỹ nhằm rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và công nhận Jerusalem là thủ đô Israel vốn cũng đã là những cảnh báo nguy hiểm đối với châu Âu.

“Toàn bộ những biện pháp này khiến các nước châu Âu suy nghĩ - và tôi nghĩ họ đúng - rằng chính quyền mới của Mỹ muốn theo đuổi chính sách quyền lực, chính sách khẳng định các lợi ích của Mỹ một cách đơn phương. Và dĩ nhiên điều đó đặt châu Âu vào thế rất yếu, vì EU đã quen với việc hợp tác cùng người Mỹ. Không có hợp tác ấy, chính dự án châu Âu này sẽ trở nên rắc rối”.

Laughland nói thêm, trong khi Trump đang tìm cách xa lánh các nước châu Âu và Canada, những thỏa thuận của ông với Saudi Arabia và Israel dường như lại nhằm củng cố các liên minh cũ. Ngay cả Nhật Bản, một đồng minh thân thiết khác của Mỹ, nhìn chung cũng đã được “miễn” những hành vi gây xa lánh của Trump.

Chủ thể khó dự đoán

Ảnh minh họa: Getty
Ảnh minh họa: Getty
Gác lại những lo ngại về chủ nghĩa bài Mỹ đang gia tăng, sự hờ hững của Trump cũng đã đem lại những hậu quả khó lường mà người ta có thể cảm nhận được trên trường quốc tế.

Laughland lưu ý việc Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận Iran 2015 và hiệp ước khí hậu Paris đã khiến Mỹ trở thành một đối tác không đáng tin cậy trong con mắt các đồng minh châu Âu.

“Trump biến nước Mỹ trở thành một chủ thể không thể dự đoán trong các quan hệ quốc tế. Thật hiếm có chính phủ nào xé bỏ những hiệp ước và hiệp định được người tiền nhiệm ký kết”. Ông khẳng định, trong khi các tổng thống khác khó dự đoán “theo cách riêng”, thì Trump về căn bản “củng cố tiếng tăm" của Mỹ với tư cách là một quốc gia bất hảo, một quốc gia không chơi theo luật”.

Dù vậy, Laughland khẳng định, đáng quan ngại nhất là những chính sách gây xa lánh của Trump có thể đặt ra nguy cơ xung đột với Iran: “Chúng ta biết về vấn đề đó, những người theo trường phái tân bảo thủ, Lầu Năm Góc và ông Trump nhất trí với nhau”.

Schulze lại nói rằng chủ nghĩa đơn phương của Trump có thể gây ra những hậu quả sâu xa làm ảnh hưởng đến địa chính trị trong nhiều thập niên tới.

Sự ưu ái của nhà lãnh đạo Mỹ dành cho những đồng minh truyền thống có vũ lực có thể “tăng tốc quá trình hình thành một chòm sao các chủ thể chính - dù thông qua hợp tác hay xung đột”, Schulze lưu ý. Ông nói thêm rằng trong khi cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc có khả năng sẽ quyết định “trật tự thế giới đang nổi lên”, thì việc xa lánh các nước châu Âu và các quốc gia khác có thể sẽ không giúp Washington thành công duy trì vị thế bá quyền của họ.

Đừng tin Trump hoàn toàn

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Canada hôm 8/6. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Canada hôm 8/6. Ảnh: Reuters
Laughland nhận xét, dù những cú giáng của Trump vào châu Âu có thể táo bạo đến mức nào, thì điều quan trọng, vẫn phải ghi nhớ rằng Tổng thống Mỹ từng là một ngôi sao truyền hình thực tế.

“Trump là thiên tài trong việc khiến người khác nói về mình. Ông là chủ một chương trình truyền hình thực tế, ông đã giành chiến thắng các vòng sơ bộ bằng việc thi thoảng không tham gia các cuộc tranh luận. Ông có tài biến mình thành trung tâm chú ý. Và ông thường làm điều đó bằng cách phát biểu những thứ mình không nghĩ vậy, hay những thứ sau đó ông sẽ rút lại. Chúng ta đã chứng kiến điều này sau hội nghị thượng đỉnh Helsinki. Vì thế tương tự, trong chính sách đối ngoại của mình, ông Trump có thể nói những thứ có vẻ rất gây sốc, và khiến nhiều người phiền muộn vì họ không quen với ngôn từ của ông, nhưng thực sự đó lại không phải là điều ông ta nghĩ. Hay điều ông nghĩ không hẳn là điều ông nói”, chuyên gia Laughland phát biểu.

Tin mới