Cựu danh thủ SLNA Hà Thìn: ‘Không thể xem thường U22 Indonesia’

(Baonghean.vn) - Trước khi diễn ra trận chung kết môn bóng đá nam SEA Games 30 giữa U22 Việt Nam và U22 Indonesia, Báo Nghệ An đã có cuộc trò chuyện ngắn với cựu danh thủ Hà Thìn xung quanh trận đấu này.

Nhận định về màn so tài giữa U22 Việt Nam và U22 Indonesia tại trận Chung kết môn bóng đá nam SEA Games 30, cựu danh thủ Hà Thìn cho rằng: “Mặc dù thầy trò HLV Park Hang-seo được đánh giá cao hơn U22 Indonesia, nhưng trong bóng đá không thể nói trước được điều gì. Hẳn mọi người vẫn chưa quên “cú sốc” tại trận Chung kết SEA Games 2009, khi đội tuyển của chúng ta bị U23 Malaysia giành mất tấm Huy chương Vàng đầy bất ngờ và cay đắng. U22 Indonesia lúc này cũng tương tự như U23 Malaysia cách đây 10 năm".

“Khách quan mà nói, đội bóng trẻ đến từ xứ vạn đảo là một đối thủ hết sức đáng gờm, với lối chơi gắn kết và sở hữu nhiều gương mặt xuất sắc. Có thể kể đến là tiền đạo mang áo số 20 (Osvaldo Haay) và cầu thủ chạy cánh trái mang áo số 15 (Saddil Ramdani). Với những gì đã thể hiện ở giải đấu năm nay, U22 Indonesia xứng đáng là đối thủ của U22 Việt Nam trong trận chung kết. Dẫu sao, tôi vẫn tin tưởng về một chiến thắng dành cho đội tuyển của chúng ta. Tỷ số có thể là 1 - 0 và người ghi bàn không phải là Nguyễn Tiến Linh và Hà Đức Chinh”.

Trận U22 Việt Nam – U22 Indonesia (2 – 1) tại vòng bảng. Ảnh tư liệu
Trận U22 Việt Nam - U22 Indonesia (2 - 1) tại vòng bảng. Ảnh tư liệu
Nhắc đến cựu danh thủ Hà Thìn thì không một cổ động viên nào của SLNA là không biết. Ông sinh năm 1952 tại Hà Tĩnh, từng gắn bó với SLNA suốt gần một nửa thế kỷ (47 năm). Trong quá khứ, cựu danh thủ này thi đấu ở vị trí trung vệ, lúc cần có thể thi đấu với trò là trung phong cắm. Bởi ngoài nền tảng kỹ thuật cá nhân điêu luyện, ông còn sở hữu khả năng không chiến tuyệt vời. Không ít lần, cựu danh thủ Hà Thìn ghi bàn thắng bằng những pha đánh đầu mang thương hiệu của mình.
Sau quãng thời gian thăng trầm cùng đội bóng quê hương trên cương vị cầu thủ, năm 1988, ông được tỉnh Nghệ Tĩnh cử sang nước Đức du học về ngành bóng đá. Những tháng ngày “dùi mài kinh sử” tại châu Âu xa xôi đã giúp ông lĩnh hội được nhiều tri thức và kinh nghiệm từ nền bóng đá phát triển thuộc vào hàng bậc nhất thế giới. Kết thúc 4 năm du học, Hà Thìn trở lại SLNA đảm nhận vai trò đào tạo cầu thủ trẻ. Dưới sự “nhào nặn” của danh thủ này, lò SLNA đã trình làng hàng loạt tài năng sáng giá, điển hình như Lê Quốc Vượng, Phạm Văn Quyến, Lê Công Vinh…
Cựu danh thủ Hà Thìn tham gia trận giao hữu cùng các lão tướng SLNA. Ảnh: FBNV
Cựu danh thủ Hà Thìn tham gia trận giao hữu cùng các lão tướng SLNA. Ảnh: FBNV
Tuy nhiên, dấu ấn đặc biệt nhất của cựu danh thủ Hà Thìn trong những năm tháng làm công tác huấn luyện, chính là góp phần giúp lối chơi của SLNA trở nên mềm mại hơn, không còn “chém đinh, chặt sắt” như xưa. Đáng tiếc, mùa giải 2006 là lần đầu tiên cũng là cuối cùng, ông được giữ cương vị thuyền trưởng của đội bóng xứ Nghệ. Kết thúc mùa giải năm đó, SLNA cán đích ở vị trí thứ 5 tại đấu trường V.League. Tháng 7/2015, ông đệ đơn xin nghỉ lên Ban lãnh đạo SLNA và đã được phê duyệt.
Hơn 4 năm qua, ông dành thời gian cho những thú vui tao nhã là chăm sóc hoa lan và theo dõi những trận cầu hấp dẫn có sự hiện diện của SLNA và các đội tuyển bóng đá Việt Nam.                                                         

Tin mới