Cứu lấy… Quốc lộ 7!

Đi trên Quốc lộ 7, từ Nhà máy Thủy điện Chi Khê (Con Cuông) đến thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn) những ngày này, có cảm giác tuyến độc đạo huyết mạch lên miền Tây Nghệ An đã như một người già cả lắm tật bệnh. Bởi, đầy rẫy những điểm ách yếu…

___________________________

Ngược Kỳ Sơn sau hoàn lưu cơn bão số 4 ít ngày, không quá khó để nhận thấy giờ đây huyết mạch Quốc lộ 7 đã có quá nhiều đoạn ách yếu, hết sức đáng lo ngại. Ách yếu không chỉ do mưa lũ đẩy trôi đất, đá, bùn vùi lấp quốc lộ. Mà bởi ở nhiều vị trí, bề mặt quốc lộ sau mưa lũ đã xuất hiện những vết nứt, rạn, lún, sụt; nhiều đoạn taluy âm bị sạt lở nghiêm trọng. Bên cạnh đó, hành lang bảo vệ quốc lộ cũng có rất nhiều đoạn bị xâm hại nghiêm trọng. Có nơi hành lang chỉ còn rộng chừng 1m, bị xói lở hở hàm ếch.

Vị trí bị nứt rạn và sụt lún đáng lo ngại nhất phải kể đến là đoạn quốc lộ 7 đi qua xã Chiêu Lưu của huyện Kỳ Sơn, tại Km185. Cung đoạn này, có đến 100m đường đang trong tình trạng “đứt, gãy”, bề mặt nhựa lồ lộ những vết nứt rạn, và bị lún sụt chạy suốt từ taluy dương đến taluy âm. Có những vết nứt khá rộng, bỏ lọt cả bàn tay. Trong khoảng 100m chiều dài của quốc lộ này, vừa chùng võng, lại vừa bị biến dạng trồi lên 20 – 30 cm, hết sức nguy hiểm cho các phương tiện giao thông qua lại. Chưa hết, tại đây còn có một khu vực lún sụt cục bộ nằm sát với vực sông rộng khoảng vài chục m2. Chỗ tụt sâu nhất so với bề mặt quốc lộ khoảng 10cm. Đứng trên đó, đã cảm nhận hẫng, bất an. Với tình trạng sụt lún này cho thấy nền địa chất của đoạn quốc lộ tại đây như đang “mỏi” do bị những tác động xấu.

Theo quốc lộ 7 lên xã Hữu Kiệm, tại khu vực Km 197, thật xót xa khi phải chứng kiến hàng trăm mét hành lang bảo vệ đường đã bị mưa lũ xé nát. Có những vị trí, hành lang bảo vệ quốc lộ chỉ còn rộng trên 1m, lở lói, hở hàm ếch. Hệ thống cột điện đứng chân trên hành lang quốc lộ vì vậy chông chênh bên miệng vực…

Nhẩm tính trên quốc lộ 7, từ Nhà máy thủy điện Chi Khê lên đến thị trấn Mường Xén, tình trạng mặt đường bị nứt vỡ, lún sụt, sạt lở taluy âm, chân hộ lan và hành lang bảo vệ quốc lộ đang ở tình trạng đáng báo động lên đến hàng chục vị trí. Trong đó, nhiều nhất là tại địa bàn huyện Tương Dương (các xã Tam Quang, Xá Lượng, Lưu Kiền…) và huyện Kỳ  Sơn (các xã Chiêu Lưu, Hữu Kiệm…). Bên cạnh đó, bên phía taluy dương, hiện có rất nhiều vách núi, khe núi bị mưa lũ gây xói lở đã trở thành những điểm sạt trượt, tiếp tục tiềm ẩn những nguy cơ xấu cho quốc lộ 7…

Thời điểm chúng tôi tìm hiểu về quốc lộ 7, là đã hơn một tuần sau hoàn lưu bão số 4. Thế nhưng cán bộ, công nhân các Hạt quản lý đường bộ Tương Dương, Kỳ Sơn vẫn phải căng sức bám tuyến để dọn đất, đá và bùn nhão do mưa lũ tống xuống. Hạt trưởng Hạt quản lý đường bộ Kỳ Sơn, anh Nguyễn Xuân Lương nói như phân trần: “Đất, đá, bùn tống xuống quốc lộ nhiều quá, dễ phải đến cả chục ngàn khối nên anh em Hạt phải kịp thời thông tuyến. Nay mới tập trung cho việc làm sạch…”.

Anh Lương xác nhận, và đọc chi tiết ra từng vị trí quốc lộ bị nứt rạn, sụt lún, và cũng có chung cảm nhận như chúng tôi, mưa lũ lớn, nước sông dâng cao lâu ngày nên nền địa chất của quốc lộ đã bị ảnh hưởng xấu. Nhưng theo anh, “Dù sao đây cũng mới là cảm quan. Để xác định nguyên nhân có cơ sở, phải từ cơ quan chuyên môn. Chúng tôi đã có báo cáo gửi công ty và Chi cục quản lý đường bộ 2. Cán bộ kỹ thuật của công ty và chi cục cũng đã lên kiểm tra. Hiện tại, ở những vị trí ách yếu mất an toàn giao thông, Hạt đã đặt biển cảnh báo. Còn việc khắc phục ra sao, đành chờ…”.

Hạt quản lý đường bộ Kỳ Sơn đặt biển cảnh báo ở những vị trí ách yếu mất an toàn giao thông.
Hạt quản lý đường bộ Kỳ Sơn đặt biển cảnh báo ở những vị trí ách yếu mất an toàn giao thông.

Về hành lang bảo vệ quốc lộ 7, anh Lương cho biết đều có chiều rộng 6 – 7m trở lên. Tuy nhiên sau đợt mưa lũ vừa qua, có những vị trí bị xói lở chỉ còn rộng 1,5m. “Đây là hệ lụy từ việc dòng chảy của sông bị thay đổi. Chúng tôi cũng đã báo cáo thực trạng này để cấp trên có giải pháp xử lý…” – anh Lương trao đổi.

Với hướng dẫn của Hạt trưởng Hạt quản lý đường bộ Kỳ Sơn, chúng tôi đã quan sát lại đoạn sông Nậm Mộ chạy qua xã Hữu Kiệm. Thấy rõ rằng, khúc sông ở đoạn này đã bị nắn dòng bởi việc san lấp đất. Khu vực san lấp khá rộng, kéo dài vài trăm mét. Do vậy, hướng chảy của dòng Nậm Mộ thúc thẳng vào hành lang bảo vệ quốc lộ, từ Km 197 đến Km 199. Mưa lớn, mực nước sông dâng cao, nền hành lang đường bị ngấm nước, khi nước thượng nguồn đổ về, với cường độ của lũ lớn đâm thốc vào nên hành lang bảo vệ quốc lộ bị sạt lở…

Các đập thủy điện Khe Bố (trên) và Bản Vẽ xả lũ.
Các đập thủy điện Khe Bố (trên) và Bản Vẽ xả lũ.

Ngày 27/8/2017, tại huyện Tương Dương diễn ra một cuộc họp giữa đoàn công tác của tỉnh với chính quyền sở tại, Cục quản lý đường bộ 2 và nhà máy thủy điện Khe Bố. Một phần nội dung cuộc họp là đôn đốc chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Khe Bố này phải hoàn thành đường chống ngập trên quốc lộ 7 (đoạn qua xã Tam Thái và xã Thạch Giám) sau hơn… 6 năm thi công. Trong cuộc họp, UBND huyện Tương Dương thông tin hệ lụy mới phát sinh từ việc nhà máy thủy điện Khe Bố xả lũ. Riêng với quốc lộ 7, là gây ngập 3 điểm đoạn qua xã Tam Quang làm ách tắc giao thông nhiều giờ.

Bày tỏ những băn khoăn về cái sự “yếu” đi nền địa chất quốc lộ 7 với ông Đào Văn Minh – Cục phó Cục quản lý đường bộ 2. Theo ông Minh, khi các nhà máy thủy điện còn chưa được xây dựng trên thượng nguồn sông Lam, quốc lộ 7 từ huyện Con Cuông lên đến Kỳ Sơn, chưa bao giờ xảy ra tình trạng bị ngập. Nhưng giờ đây, khi có nước thượng nguồn đổ về và thủy điện xả lũ là quốc lộ 7 bị ngập, thậm chí, ngập sâu trong thời gian dài. Có những đoạn như Km 120 đến Km 123, phía dưới thủy điện Khe Bố ngập sâu đến 3m; đoạn trên thủy điện Khe Bố, tại Km 174 đến Km 175 và Km 178 đến Km 179 ngập đến 1 – 1,2m… Do ngập, mọi hoạt động giao thông đi lại bị ngưng trệ. Sau khi nước rút, hệ thống taluy âm bị sạt lở nghiêm trọng. Thậm chí, như tại vị trí Km 185 còn có hiện tượng “đứt, gãy” quốc lộ hết sức nguy hiểm. Ông Minh nói: “Rõ ràng đây là nhân tai…!”.

Xử lý đất, đá ở các điểm sạt trượt trên quốc lộ 7 ở Con Cuông, Kỳ Sơn.
Xử lý đất, đá ở các điểm sạt trượt trên quốc lộ 7 ở Con Cuông, Kỳ Sơn.

Băn khoăn về giải pháp khắc phục lún sụt trên tuyến quốc lộ 7, bởi những nơi nền địa chất đã bị yếu đi, muốn gia cố được là hết sức khó khăn. Như vị trí “đứt gãy” tại Km 185 + 100 đến KM185 + 200 chênh vênh một bên là núi, một bên vực sâu hun hút đến dăm bảy chục mét, nay lũ thượng nguồn về, nước sông dâng cao, làm sao để gia cố?

Phó Cục trưởng Đào Văn Minh trao đổi: “Để khắc phục được những hư hỏng của quốc lộ 7 như hiện nay là việc vô cùng gian nan. Chúng tôi đã giao cho các đơn vị quản lý khắc phục bước một để đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, với những sạt lở, sụt lún như vậy, quốc lộ 7 có thể sẽ xẩy ra đứt đường bất kỳ lúc nào. Cục Quản lý đường bộ II đã có báo cáo gửi Tổng cục đường bộ để xin ý kiến chỉ đạo”.

Nghĩ rằng, dẫn đến tình trạng quốc lộ bị xuống cấp, hư hỏng, ngoài do thiên tai bất khả kháng, còn có quá nhiều tác động xấu đến từ con người. Nhiều năm trước đây, là tình trạng các phương tiện quá khổ quá tải. Nay là việc lòng sông bị thu hẹp, bị nắn dòng chảy; việc dự báo, cảnh báo về thời tiết còn chưa chính xác, chưa thể đưa ra những dự báo sớm tình hình mưa lũ từ phía nước bạn Lào; trong khi quy trình vận hành liên hồ chứa của các nhà máy thủy điện thì còn có vấn đề…

Để Quốc lộ 7 – tuyến huyết mạch độc đạo dài trên 220km lên các huyện miền Tây Nghệ An và Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn – được thông suốt, đảm bảo các vấn đề kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng của cả một khu vực trọng yếu, ngoài việc sớm gia cố, khắc phục những hư hỏng, cần phải tìm cho được những giải pháp hữu hiệu ngăn chặn những tác động xấu. Dù đó là tác động xấu đến từ thiên tai hay nhân tai!.

Một số hình ảnh đẹp trên quốc lộ 7.
Một số hình ảnh đẹp trên quốc lộ 7.