Cựu Ngoại trưởng trở thành tân Thủ tướng Anh; Người Đức lo Nga và Ukraine xích lại gần nhau

(Baonghean.vn) - Cựu Ngoại trưởng trở thành Thủ tướng Anh; Người Đức lo Nga và Ukraine xích lại gần nhau sau bầu cử nghị viện; Mỹ sẽ trục xuất người nhập cư lậu nhanh hơn trước; Hàn Quốc bắn hàng trăm phát đạn cảnh cáo máy bay Nga và Trung Quốc... là những tin tức nổi bật của thế giới 24h qua.

Ông Boris Johnson trở thành Thủ tướng Anh

nuoc anh da co tan thu tuong - ong boris johnson hinh 1
Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: New Daily

Cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson ngày 23/7/2019 đã được bầu làm lãnh đạo đảng Bảo thủ và trở thành Thủ tướng tiếp theo của Vương quốc Anh, thay thế Thủ tướng Theresa May. Theo BBC, ông Johnson đánh bại đối thủ cùng đảng, ông Jeremy Hunt. Ông Johnson giành được 92.153 phiếu bầu còn số phiếu của ông Hunt là 46.656. Đây là kết quả không bất ngờ bởi ngay từ khi cuộc đua giành chức thủ lĩnh đảng Bảo thủ Anh diễn ra sau tuyên bố từ chức của bà Theresa May đầu tháng 6/2019, ông Boris Johnson đã luôn được coi là ứng cử viên số 1, bỏ xa các đối thủ khác nhờ có được sự ủng hộ đông đảo của các đảng viên cơ sở của đảng Bảo thủ. 

Trong chiều hôm nay (24/7), ông Boris Johnson sẽ tiếp kiến Nữ hoàng Anh và chính thức nhậm chức Thủ tướng Anh, thay thế bà Theresa May với nhiệm vụ quan trọng nhất là tiếp quản tiến trình Brexit, đưa nước Anh rời khỏi EU một cách thành công.

Mỹ sẽ trục xuất người nhập cư lậu nhanh hơn trước

Mỹ sẽ trục xuất người nhập cư lậu nhanh hơn trước - Ảnh 1.
Người di cư bên hàng rào biên giới El Chaparral ở Tijuana, Mexico. Ảnh: AFP

Theo hãng tin Reuters, Chính phủ Mỹ thông báo sẽ tăng tốc quy trình trục xuất những người di cư bất hợp pháp vào nước này, bằng cách lược bỏ các khâu giám sát của tòa án, cho phép các quan chức trục xuất họ chỉ trong vòng vài ngày, thay vì vài tháng hay vài năm như trước kia.

Quy trình mới này, công bố vào ngày 23/7, áp dụng với hầu hết những người nhập cư lậu vào Mỹ, trừ khi họ chứng minh được đã sống trên đất nước này ít nhất hai năm. Các chuyên gia pháp lý cho biết đây là sự mở rộng kịch tính của một chương trình đã được sử dụng dọc biên giới Mỹ - Mexico.

Hàn Quốc bắn hàng trăm phát đạn cảnh cáo máy bay Nga và Trung Quốc

Một oanh tạc cơ Tu-95 của Nga bay trên Biển Hoa Đông. Ảnh: Reuters.

Một oanh tạc cơ Tu-95 của Nga bay trên Biển Hoa Đông. Ảnh: Reuters

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 23/7 cho biết, 3 máy bay quân sự Nga, bao gồm 2 oanh tạc cơ Tu-95 và 1 máy bay cảnh báo sớm A-50, ban đầu tiến vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của nước này ở ngoài khơi bờ biển phía đông, sau đó một trong các phi cơ đã xâm phạm không phận Hàn Quốc. Tiêm kích Hàn Quốc đã bắn vài phát đạn cảnh cáo, khiến máy bay Nga rời đi, nhưng 20 phút sau nó quay lại và tiến vào không phận Hàn Quốc lần nữa, buộc nước này phải tiếp tục bắn cảnh cáo.

Một quan chức giấu tên của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tiết lộ, 3 phi cơ Nga đi vào vùng ADIZ cùng 2 máy bay quân sự Trung Quốc, nhưng chưa rõ đây có phải hoạt động có chủ ý từ phía Moskva và Bắc Kinh hay không. Theo quan chức Hàn Quốc, trước khi xuất hiện cùng nhóm phi cơ Nga, các máy bay Trung Quốc đã xâm nhập vùng ADIZ của Hàn Quốc ở ngoài khơi bờ biển phía tây nam, động thái thỉnh thoảng diễn ra trong những năm gần đây. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga phủ nhận máy bay ném bom chiến lược nước này vi phạm không phận Hàn Quốc, theo hãng tin RIA. 

Người Đức lo Nga và Ukraine xích lại gần nhau sau bầu cử nghị viện

Tổng thống Vladimir Zelensky

Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky. Ảnh: Sputnik

Kết quả cuộc bầu cử Verkhovnaya Rada ở Ukraine có nghĩa là châu Âu có thể phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng, tờ báo Đức Die Welt viết. Tờ báo này nêu giả thiết rằng trong số những cử tri Ukraina đã bỏ phiếu cho đảng "Đầy tớ của nhân dân" do Tổng thống Vladimir Zelensky đứng đầu có rất nhiều người muốn cải thiện quan hệ với Nga. Mà nếu như điều đó diễn ra thì ắt sẽ là “vấn đề cho toàn châu Âu".

Báo cũng ghi nhận rằng ở Ukraine có sự phát triển xu hướng tương tự như châu Âu. Cụ thể, báo tuyên bố rằng lãnh đạo chính trị là những nhân vật nghiệp dư, cũng như đà gia tăng những chỉ trích nhắm vào giới tinh hoa. Mà chính nhờ điều đó nên Zelensky đã có thể giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống, và bây giờ nhận thêm sự hỗ trợ kỷ lục qua bầu cử Quốc hội.

Mỹ sẵn sàng bảo đảm an ninh để Triều Tiên phi hạt nhân hóa

Tổng thống Trump gặp Chủ tịch Kim tại Bàn Môn Điếm hôm 30.6 /// Reuters
Tổng thống Trump gặp Chủ tịch Kim tại Bàn Môn Điếm hôm 30/6. Ảnh: Reuters

Mỹ sẵn sàng đảm bảo an ninh cho Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng có thiện chí phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Đề xuất này được Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra ngày 23/7, sau khi Triều Tiên cảnh báo việc nối lại đàm phán có thể "bị ảnh hưởng" bởi kế hoạch tập trận Mỹ-Hàn trong tháng tới.

Ngoại trưởng Pompeo tái khẳng định Washington kêu gọi Bình Nhưỡng hành động để cụ thể hóa thỏa thuận giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được hồi tháng 6/2018 tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều Tiên lần thứ nhất. Ngoại trưởng Pompeo cũng lạc quan rằng các cuộc đàm phán cấp chuyên viên sẽ bắt đầu trong vài tuần tới.

Trung Quốc thừa nhận phải "lao tâm khổ tứ" để giữ mức tăng trưởng

Trung Quốc thừa nhận phải ‘lao tâm khổ tứ’ để giữ mức tăng trưởng - Ảnh 1.

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại còn 6,2% trong quý 2/2019. Ảnh: AFP

Bộ Công nghiệp Trung Quốc ngày 23/7 cho biết họ sẽ phải "lao tâm khổ tứ" để hoàn thành được mục tiêu tăng trưởng sản lượng công nghiệp năm nay. Những khó khăn này được liên kết với bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ đang gây sức ép đối với hoạt động xuất khẩu và triển vọng của toàn nền kinh tế Trung Quốc.

Theo đài CNBC, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại, còn 6,2% trong quý 2/2019. Đây là mức tăng trưởng yếu nhất trong vòng 27 năm qua. Nhu cầu cả trong và ngoài nước suy giảm vì chiến tranh thương mại với Mỹ được cho là nguyên nhân chính dẫn đến hệ quả này.

Tin mới