Cựu tiền vệ Trương Quang Tuấn: 'Kẻ gieo sầu' U16 Trung Quốc năm 2000, bây giờ ở đâu?

(Baonghean.vn) - Vào thời điểm trận đấu giữa U16 Việt Nam và U16 Trung Quốc tại VCK 16 châu Á năm 2000 đang đi về những phút cuối cùng, nhận được đường chọc khe tinh tế của Phan Như Thuật, cầu thủ mang áo số 7 bình tĩnh đẩy bóng thêm một nhịp rồi tung cú dứt điểm chính xác, ấn định tỉ số 3 - 2 cho đội chủ nhà. Đó là tiền vệ Trương Quang Tuấn.
Mỗi khi nhắc đến chiến tích của U16 Việt Nam tại VCK U16 châu Á năm 2000, đa phần người hâm mộ bóng đá nước nhà đều thường chỉ nhớ đến sự xuất sắc của "cậu bé vàng" Phan Văn Quyến, "nhạc trưởng" Phan Như Thuật hay thủ môn Phạm Đức Anh. Đây là điều chưa công bằng với một số thành viên còn lại, đặc biệt là Trương Quang Tuấn, người góp công lớn giúp thầy trò HLV Nguyễn Văn Thịnh đánh bại đối thủ trực tiếp U16 Trung Quốc để rộng đường vào vòng bán kết.
Trương Quang Tuấn (số 7) trong trận đấu giữa U16 Việt Nam và U16 Nhật Bản. Ảnh: Bóng Đá
Trương Quang Tuấn (số 7) trong trận đấu giữa U16 Việt Nam và U16 Nhật Bản. Ảnh: Bóng Đá

Với những ai theo dõi kỹ toàn bộ hành trình của U16 Việt Nam tại VCK U16 châu Á năm 2000, đều không thể không đánh giá cao vai trò của Trương Quang Tuấn. Được HLV Nguyễn Văn Thịnh sắp xếp thi đấu ở vị trí tiền vệ cánh phải, cầu thủ người Đô Lương đã chơi vô cùng ấn tượng, bên cạnh Phan Như Thuật, Nguyễn Khánh Khùng ở tuyến giữa của U16 Việt Nam. Sự xuất sắc của bộ ba Phan Như Thuật - Nguyễn Khánh Hùng - Trương Quang Tuấn ở khu vực giữa sân, giúp cặp tiền đạo Phạm Văn Quyến - Nguyễn Ánh Cường có nhiều cơ hội thuận lợi trước khung thành của đối phương.

Đội hình chính thức của U16 Việt Nam tại VCK U16 châu Á năm 2000. Ảnh: TT&VH
Đội hình chính thức của U16 Việt Nam tại VCK U16 châu Á năm 2000. Ảnh: TT&VH

Nhắc lại sơ qua như vậy để thấy, tầm quan trọng của Trương Quang Tuấn với U16 Việt Nam tại VCK U16 châu Á năm 2000 là lớn như thế nào, dù không thể so sánh được với những Phạm Văn Quyến, Phan Như Thuật, Nguyễn Minh Đức, Phạm Đức Anh, Nguyễn Ánh Cường... Nhưng Trương Quang Tuấn vẫn xứng đáng được ngợi ca. Bởi, không phải ngẫu nhiên mà tiền vệ mang áo số 7 luôn có mặt trong đội hình xuất phát của U16 Việt Nam tại giải đấu được tổ chức trên sân Chi Lăng (Đà Nẵng), cách đây gần 20 năm tròn.

Tiếc rằng, VCK U16 châu Á năm 2000 không phải là bệ phóng cho sự nghiệp của Trương Quang Tuấn. Trở lại lò đào tạo SLNA, cầu thủ sinh năm 1983 "bỗng" trở thành "cái bóng của chính mình". Do không phát triển tài năng thêm được nữa, nên đầu năm 2003, Trương Quang Tuấn phải chia tay lò đào tạo SLNA để gia nhập lò đào tạo Đà Nẵng. Sau 2 năm tích cực luyện tập, phần thưởng cho Trương Quang Tuấn là một suất tham dự mùa giải 2005 cùng đội bóng sông Hàn. 22 tuổi, Trương Quang Tuấn mới có lần đầu tiên được "hít thở bầu không khí của V.League".
Tại sân Chi Lăng, Trương Quang Tuấn nhận được rất nhiều sự kỳ vọng của giới chuyên môn và người hâm mộ bóng đá xứ Quảng. Thế nhưng càng chơi, cựu tuyển thủ U16 Việt Nam càng mờ nhạt và nhanh chóng bị lãng quên trên băng ghế dự bị. Mặc dù nằm trong thành phần CLB SHB Đà Nẵng lên ngôi tại V.League 2009, nhưng đóng góp của Trương Quang Tuấn với đội bóng chủ quản là khá khiêm tốn. Kết thúc mùa giải 2012, Trương Quang Tuấn nói lời giã từ sự nghiệp "quần đùi, áo số".
Kể từ ngày chia tay sân cỏ đến nay, Trương Quang Tuấn hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh. Hiện tại, gia đình nhỏ của cựu tiền vệ U16 Việt Nam đang sinh sống ở thành phố Đà Nẵng./.

Tin mới