Đặc sắc lễ Khàu Bủa Sa của người Thái miền Tây Nghệ An

(Baonghean) - Để tỏ lòng biết ơn đấng sinh thành, từ sau ngày 15/7 đến tháng 8 âm lịch hằng năm, các gia đình người Thái ở Nghệ An sẽ tổ chức lễ cúng, gọi là Khàu Bủa Sa, tạm dịch là Tết hoa quả.

Theo phong tục của đồng bào người Thái ở phía Tây Nam Nghệ An, tháng 7 âm lịch hằng năm được coi là tháng kiêng, vì đây là thời điểm ông bà tổ tiên phải lên mường trời làm việc cho “Pọ Thén”, mãi đến tháng 8 âm lịch mới được trở về hạ giới. 

Lễ vật đa dạng

Ngày xưa, khi cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn thì linh vật cúng tổ tiên có giá trị tượng trưng, ví như con dế được tượng trưng cho con trâu trên mâm cúng. Từ xa xưa, người Thái quan niệm con dế là linh vật mang lại sung túc cho người dân. Đến nay, dế làm vật cúng vẫn còn tồn tại trong một số dòng họ người Thái ở huyện Kỳ Sơn.

Trên mâm cúng tổ tiên không thể thiếu bánh chưng và cá nướng. Ảnh: Lữ Phú
Trên mâm cúng tổ tiên không thể thiếu bánh chưng và cá nướng. Ảnh: Lữ Phú

Giờ đây, khi cuộc sống của đồng bào ở một số bản làng đã có những khởi sắc nhất định, thì lễ vật Khàu Bủa Sa có phần đa dạng hơn nhiều. Nhà bình thường cũng bày biện đủ đầy các nông sản tự sản xuất, nhà có điều kiện khá giả thì mua thêm các vật phẩm hiện đại. Với quan niệm có càng nhiều đồ cúng dâng lên tổ tiên càng tốt, nên trong mâm cúng thường có đủ hoa quả, cá, thịt, rượu... 

Ông Kha Văn Hùng ở bản Xốp Tụ, xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn - chủ hộ đang chuẩn bị một lễ cúng tháng kiêng cho biết: “Các ngày lễ, Tết khác tùy theo điều kiện mà có thể tổ chức nhanh gọn, sơ sài, chỉ riêng lễ Khàu Bủa Sa thì phải tổ chức chỉn chu, đầy đủ, vì lễ cúng cho ông bà, tổ tiên mình, nếu sơ sài thì đó là người con bất hiếu.

Vào những ngày này, tất cả mọi nhà ai cũng phải làm, nếu trong 1 gia đình có 3 anh em, nhưng đều đã tách hộ ra ở riêng thì cả 3 anh em vẫn phải tổ chức lần lượt mỗi nhà 1 ngày”.

Mâm cúng dành cho vong hồn lang thang

Mỗi dòng họ lại tổ chức lễ Khàu Bủa Sa vào thời gian khác nhau. Thậm chí ở mỗi vùng người Thái lại có một cách gọi ngày này khác nhau.

Ví dụ người Thái ở các xã Thạch Giám, Tam Thái, Xá Lượng, Lưu Kiền (huyện Tương Dương) gọi lễ này là Lông Kiếng; người Thái ở huyện Con Cuông lại gọi là Lông Cắm; còn người Thái ở các xã vùng cao Kỳ Sơn thường tổ chức sớm hơn, các dòng họ bắt đầu từ ngày 15 tháng 7 âm lịch trở đi, vì theo quan niệm của người Thái nơi đây thì tháng được tính theo trăng, vì vậy họ gọi phong tục này là Khàu Bủa Sa.

Lễ Khàu Bủa Sa là dịp để người thân, bạn bè ngồi lại bên nhau, thêm gắn kết tình cảm. Ảnh: Lữ Phú
Lễ Khàu Bủa Sa là dịp để người thân, bạn bè ngồi lại bên nhau, thêm gắn kết tình cảm. Ảnh: Lữ Phú

Trong mâm cúng Khàu Bủa Sa thường có 3 mâm, vì theo quan niệm của người Thái, ngoài cúng tổ tiên bên nhà nội, nhà ngoại của gia chủ, thì thêm một mâm cúng ngoài trời dành cho những người đã khuất nhưng không có con cháu để về, không có chỗ để ăn. Đây là phong tục truyền thống mà người Thái lưu truyền lại cho đến ngày nay” - bà Vi Thị Quyên - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn chia sẻ thêm.

Lễ Khàu Bủa Sa là dịp để gia đình, anh em sum họp, con cháu ở xa nhớ về báo hiếu với ông bà, cha mẹ và cũng là cơ hội để bạn bè, láng giềng thân thiết có dịp gần gũi, đoàn kết, vì theo quan niệm của người Thái, càng có nhiều người tham gia thì càng mang lại nhiều phúc đức, may mắn.

Tin mới