Đại biểu Đoàn Nghệ An nêu 3 lý do đồng tình với Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) -  Chiều 8/6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Toàn cảnh phiên làm việc chiều 8/6 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Nam An

Toàn cảnh phiên làm việc chiều 8/6 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Nam An

Phát biểu thảo luận, đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nghệ An bày tỏ ủng hộ và đồng tình cao về sự cần thiết ban hành Nghị quyết trên, trước hết là nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cùng với đó, Thành phố Hồ Chí Minh là 1 trong 2 cực tăng trưởng lớn nhất của cả nước, là đầu tàu dẫn dắt phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây cũng là thành phố có vị trí chiến lược quan trọng của cả nước và khu vực.

“Việc ban hành cơ chế đặc thù sẽ tạo điều kiện cho thành phố phát huy được thế mạnh, tiềm năng sẵn có để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”, vị đại biểu Đoàn Nghệ An nêu quan điểm.

Các vị đại biểu Quốc hội tại phiên làm việc chiều 8/6 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Phan Hậu

Các vị đại biểu Quốc hội tại phiên làm việc chiều 8/6 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Phan Hậu

Đi vào một số nội dung tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, liên quan đến đề xuất sử dụng ngân sách thành phố để thực hiện các dự án, công trình quan trọng có tính chất vùng, liên vùng, đại biểu Thái Thị An Chung cho rằng: Đây là một cơ chế mới và khác với các quy định của Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã định hướng rất rõ chủ trương phát triển kinh tế vùng để khai thác tốt hơn và phát huy tốt hơn các lợi thế của mỗi vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa chính trị, kinh tế và nguồn nhân lực.

Liên kết phát triển vùng là nhiệm vụ trọng tâm trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025).

Việc đầu tư cơ sở hạ tầng có tính chất vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông không chỉ góp phần tăng cường thương mại giữa các địa phương vùng Đông Nam Bộ, mà còn giúp cải thiện sự kết nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh trong vùng và giữa vùng Đông Nam Bộ với cả nước để cùng tạo cơ hội cho các địa phương có sự phát triển bứt phá về kinh tế - xã hội.

Đại biểu Thái Thị An Chung - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nam An

Đại biểu Thái Thị An Chung - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nam An

Trên cơ sở phân tích đó, đại biểu Thái Thị An Chung đồng tình với quy định trong dự thảo Nghị quyết cho “HĐND thành phố quyết định sử dụng ngân sách thành phố để thực hiện các dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng nằm trên ranh giới, địa giới hành chính giữa thành phố và địa phương khác, các dự án quốc lộ, cao tốc đi qua địa bàn thành phố; hỗ trợ các địa phương khác trong nước, hỗ trợ một số địa phương tại một số nước khác trong trường hợp cần thiết”.

Về chính sách hỗ trợ hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nghệ An nhắc lại nội dung chất vấn liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ diễn ra vào ngày 7/6 đã có một số lượng kỷ lục các ĐBQH đăng ký chất vấn; qua đó cho thấy, đây là lĩnh vực rất cần được quan tâm.

Qua chất vấn, các ĐBQH đã thống nhất quan điểm: Khoa học công nghệ có ý nghĩa rất quan trọng, tạo bứt phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chỉ có phát triển khoa học công nghệ mới giúp thoát khỏi “bẫy” gia công và thu nhập thấp.

Quan trọng là vậy, song theo vị đại biểu Đoàn Nghệ An vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong việc phát triển và phát huy vai trò then chốt của khoa học và công nghệ. Hệ thống đổi mới, sáng tạo quốc gia đang giai đoạn hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả. Doanh nghiệp chưa thực sự là trung tâm, đóng vai trò quyết định cho đổi mới, sáng tạo; năng lực kết nối giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Do đó, nội dung dự thảo Nghị quyết đưa ra 2 nhóm cơ chế, chính sách liên quan đến khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo, gồm nhóm chính sách hỗ trợ hoạt động đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên của thành phố và nhóm chính sách về tiền công và tiền lương của chuyên gia, nhà khoa học trong thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ

“Tôi đồng tình với 2 nhóm chính sách này, bởi vì các chính sách hỗ trợ phát triển khoa học, khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo hiện nay đang được áp dụng chung cho các địa phương trong cả nước, nên một số chính sách chưa thực sự phù hợp với thực tế và tốc độ phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo của các thành phố lớn, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh”, đại biểu Thái Thị An Chung phân tích.

Cũng theo quan điểm đại biểu, các chính sách đề xuất trong dự thảo Nghị quyết mang tính thiết thực, phù hợp với chủ trương Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi sang nền kinh tế dựa trên đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số và công nghệ cao.

Đồng thời, việc thông qua các chính sách này sẽ tạo điều kiện thu hút và giữ chân các chuyên gia, các nhà khoa học, những người có tài năng đặc biệt và cá nhân khởi nghiệp sáng tạo, góp phần hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong các lĩnh vực ưu tiên của thành phố.

Liên quan đến việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp được xây dựng tại dự thảo Nghị quyết, đại biểu Thái Thị An Chung nêu quan điểm đồng tình với việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp, nhưng đề nghị không nên áp dụng chung thời hạn miễn sắc thuế này cho các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp giống như đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Mặt khác, do thời gian ươm tạo và phát triển một doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có thể dao động từ 5-15 năm, vì vậy, để việc hỗ trợ phù hợp với từng đối tượng và từng lĩnh vực, vị đại biểu Đoàn Nghệ An đề nghị dự thảo Nghị quyết chỉ nên quy định thời gian miễn thuế thu nhập doanh nghiệp tối đa không quá 6 năm và giao cho HĐND thành phố thẩm quyền quyết định thời gian miễn thuế cụ thể cho từng đối tượng và từng lĩnh vực.

“Để các cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố được thực hiện một cách hiệu quả, kính đề nghị các bộ, ngành cần quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện và hàng năm nên có đánh giá việc thực hiện để kịp thời nhân rộng các cơ chế, chính sách đã phát huy hiệu quả”, đại biểu Thái Thị An Chung nêu ý kiến.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024. Ảnh: Phan Hậu

Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024. Ảnh: Phan Hậu

Trước khi tiến hành phiên thảo luận, trong ngày làm việc thứ 15 tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 với tỷ lệ 91,30% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

Tin mới