Đại biểu HĐND tỉnh: Cấp lưới điện quốc gia chậm, hàng trăm thôn bản dùng quạt tay, đèn dầu

(Baonghean.vn) - Phiên thảo luận tổ tại kỳ họp 4, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 chiều 11/7, tại tổ 1, đại biểu cho biết có hàng trăm thôn bản chưa có điện (Kỳ Sơn có 108 bản, Quỳ Châu có 39 bản...).

Tham gia thảo luận tại tổ 1 có đồng chí Phan Đức Đồng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng ban Ban pháp chế HĐND tỉnh; các đại biểu HĐND tỉnh được bầu ở các huyện Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu cùng đại diện một số sở, ban, ngành cấp tỉnh và Thường trực HĐND các huyện Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu.

Quang cảnh phiên thảo luận tổ 1. Ảnh: Mai Hoa
Quang cảnh phiên thảo luận tổ 1. Ảnh: Mai Hoa

Có giải pháp phát triển nông - lâm vùng cao

Các đại biểu đánh giá cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng thẳng thắn nêu lên một số tồn tại, khó khăn.

Nêu băn khoăn tình trạng giá chanh leo thời điểm đầu năm 2017 rớt giá, chỉ còn 1/2 giá so với năm 2016, mặc dù cây chanh leo nằm trong đề án cây trọng điểm của tỉnh, đại biểu Lưu Văn Hùng (Quế Phong), đề nghị tỉnh cần có cơ chế, chính sách để đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững; trong đó cần quan tâm công tác quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh và thực hiện quản lý tốt quy hoạch, tránh phát triển tự phát.

Riêng đối với địa bàn huyện Quế Phong, theo đại biểu Lưu Văn Hùng, có lợi thế về đất đai, thuận lợi cho phát triển lâm nghiệp và cây dược liệu. Tuy nhiên, do nguồn lực của địa phương khó khăn, cho nên việc quy hoạch để phát triển lâm nghiệp và các cây trồng có lợi thế như dược liệu gặp khó khăn.

Đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để huyện lập quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đây chính là “con đường” phát triển bền vững cho vùng cao, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào.

Đại biểu Lưu Văn Hùng đề nghị tỉnh cần quy hoạch và quản lý tốt quy hoạch phát triển nông - lâm nghiệp mang tính bền vững. Ảnh: Mai Hoa
Đại biểu Lưu Văn Hùng đề nghị tỉnh cần quy hoạch và quản lý tốt quy hoạch phát triển nông - lâm nghiệp mang tính bền vững. Ảnh: Mai Hoa

Cũng quan tâm đến lĩnh vực nông - lâm, đại biểu Lô Minh Hoạt (Kỳ Sơn), nêu thực tế ở huyện Kỳ Sơn diện tích đất bằng ít, chủ yếu là đất rừng, đồi núi dốc, cho nên người dân chủ yếu phát nương làm rẫy.

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn huyện, hơn 65.000 ha đất lâm nghiệp được Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn quản lý, người dân không có đất để sản xuất.

Bởi vậy, đề nghị tỉnh cần có chính sách chuyển đổi đất rừng sang đất rẫy để người dân có đất sản xuất, nhất là các xã không hề có đất trồng lúa nước, đảm bảo lương thực cho người dân.

Cùng huyện Kỳ Sơn, đại biểu Vi Văn Hòe, đề nghị tỉnh quan tâm đến các giải pháp xóa đói, giảm nghèo đối với các huyện miền núi cao, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng cũng như một số cây, con đặc thù của địa phương.

Đại biểu Vi Văn Hòe (Kỳ Sơn) đề nghị tỉnh cần có giải pháp, chú trọng xây dựng các mô hình cây, con hiệu quarcho các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc, góp phần giảm nghèo bền vững. Ảnh: Mai Hoa
Đại biểu Vi Văn Hòe (Kỳ Sơn) đề nghị tỉnh cần có giải pháp, chú trọng xây dựng các mô hình cây, con hiệu quả cho các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc, góp phần giảm nghèo bền vững. Ảnh: Mai Hoa

Liên quan đến vấn đề sinh kế, nâng cao đời sống cho người dân vùng miền núi cao, một số đại biểu cũng kiến nghị các cấp, các ngành quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt chính sách cho các hộ vay vốn để trồng rừng sản xuất, chăn nuôi trâu, bò và các gia súc khác; đề nghị tỉnh bố trí nguồn vốn theo Nghị quyết số 75/2015/NĐ-CP, ngày 9/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2015 - 2020...

Quan tâm các điều kiện sinh hoạt cho người dân

Vấn đề được đại biểu ở các huyện miền núi cùng đề xuất, đó là cần đẩy nhanh việc cấp điện lưới quốc gia cho các bản chưa theo chủ trương của Chính phủ, giai đoạn 2015 - 2020. Đại biểu Lô Thanh Luận (Quỳ Châu) cho rằng, chủ trương này với mục tiêu đặt ra đến năm 2020, điện sẽ đến được 100% thôn, bản vùng sâu, vừng xa. Tuy nhiên, thời gian triển khai đã 2 năm nhưng ở huyện Quỳ Châu vẫn còn 39 bản chưa có điện. Tương tự, ở huyện Kỳ Sơn, theo đại biểu Lô Minh Hoạt, “hơn 1 năm nay chương trình này vẫn dậm chân tại chỗ, không có thêm bản nào có điện. Trên địa bàn Kỳ Sơn hiện đang còn 108 thôn, bản chưa có điện”.

Nêu thực trạng đồng bào miền núi thiếu nước sạch sinh hoạt. Một số công trình mặc dù đã được đầu tư, nhưng chủ yếu là các công trình lắp đặt đường ống tự chảy, trong khi đó ở địa bàn miền núi về mùa mưa thường có lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, làm hư hỏng các đường ống dẫn nước; đại biểu Lục Thị Liên (Quỳ Châu) đề xuất tỉnh cần nghiên cứu để đầu tư xây dựng các nhà máy nước, đảm bảo nước sạch thường xuyên cho người dân.

Đại biểu Hoàng Văn Hảo - Quyền Giám đốc Sở Y tế giải trình làm rõ tình trạng bội chi BHYT ở Nghệ An. Ảnh: Mai Hoa
Đại biểu Hoàng Văn Hảo - Quyền Giám đốc Sở Y tế giải trình làm rõ tình trạng bội chi BHYT ở Nghệ An. Ảnh: Mai Hoa

Phiên thảo luận tại tổ 1, nhiều vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ rừng; tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng giao thông; vốn thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia chậm; khó khăn trong xây dựng nông thôn mới; giải quyết dôi dư giáo viên; quản lý y dược tư nhân..., cũng được các đại biểu phản ánh, kiến nghị.

Đại diện một số sở, ngành: Sở Y tế, Tài nguyên - Môi trường, Kế hoạch - Đầu tư, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã giải trình làm rõ nhiều vấn đề như tình trạng bội chi BHYT, ô nhiễm môi trường, thực hiện chính sách hỗ trợ vốn cho đồng bào phát triển rừng sản xuất, chăn nuôi gia súc, phát triển hạ tầng giao thông miền núi....

Mai Hoa

TIN LIÊN QUAN

Tin mới