Đại biểu HĐND tỉnh thảo luận sôi nổi tại hội trường

(Baonghean.vn) - Trên tinh thần tập trung, dân chủ, thẳng thắn, nhiều ý kiến thảo luận của các đại biểu được nêu ra tại kỳ họp HĐND tỉnh. Một số ý kiến của các đại biểu đã được UBND tỉnh và các ngành giải trình, làm sáng tỏ thêm những vấn đề mà cử tri quan tâm. ​

Bước sang ngày làm việc thứ 2, sáng 21/7, kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 – 2021, tiến hành phiên thảo luận tại hội trường.

Tham dự kỳ họp có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Xuân Sơn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các huyện, thành, thị xã. Ảnh: Thành Cường
Tham dự kỳ họp có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Xuân Sơn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các huyện, thành, thị xã. Ảnh: Thành Cường

Trước phiên thảo luận tại hội trường, kỳ họp đã được nghe Thư ký kỳ họp, ông Phạm Văn Hóa báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ chiều 20/7. Với không khí sôi nổi, tập trung, dân chủ, thẳng thắn, tại 8 tổ thảo luận đã có 116 lượt ý kiến của các đại biểu. Qua tổng hợp, một số ý kiến của các đại biểu đã được UBND tỉnh và các ngành giải trình, làm sáng tỏ thêm những vấn đề mà cử tri quan tâm. 

Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với Báo cáo của UBND tỉnh về kết quả và một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020 cũng như nhiệm vụ và giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2020. 

Đoàn chủ tọa điều hành kỳ họp. Ảnh: Thành Cường
Đoàn chủ tọa điều hành kỳ họp. Ảnh: Thành Cường

Tập trung tháo gỡ khó khăn

Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, trong điều kiện có nhiều khó khăn do thiên tai, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt, do đó đã đạt được những kết quả tích cực. Trong 6 tháng cuối năm, UBND tỉnh cần giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành, địa phương đề ra các giải pháp cụ thể triển khai thực hiện tốt kế hoạch đã đề ra.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu lên một số nội dung cần tiếp tục quan tâm, đó là: Việc tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đóng vai trò quan trọng trong việc hồi phục, tăng trưởng kinh tế.

Đại biểu phản ánh một số khoản thu ngân sách đạt thấp như: Thu từ doanh nghiệp Trung ương (chỉ đạt 34,4% dự toán); Thu từ khu vực công thương nghiệp - dịch vụ ngoài quốc doanh (chỉ đạt 34,9% dự toán); Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chỉ đạt 43,2% dự toán). Đề nghị UBND tỉnh có biện pháp cụ thể trong chỉ đạo, điều hành để khắc phục những khó khăn, hoàn thành dự toán HĐND tỉnh đã giao.

Chánh Văn phòng HĐND tỉnh Phạm Văn Hóa báo cáo tổng hợp thảo luận tổ. Ảnh: Thành Cường
Chánh Văn phòng HĐND tỉnh Phạm Văn Hóa báo cáo tổng hợp thảo luận tổ. Ảnh: Thành Cường

Các đại biểu đề nghị tỉnh chỉ đạo ngành Điện cần có những giải pháp căn cơ để giải quyết tốt nhất sự cố cắt điện nhưng không thông báo cho người dân, doanh nghiệp; tình trạng mất điện trên tuyến đường 48; tình trạng điện yếu; hệ thống lưới điện nhiều nơi xuống cấp nghiêm trọng, cử tri kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết; đẩy nhanh tiến độ kéo điện cho người dân các vùng sâu, vùng xa, hiện nay nhiều thôn, bản vẫn chưa được sử dụng điện lưới Quốc gia...

Đại biểu đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo các giải pháp kích cầu du lịch nội địa trong tỉnh. Đại biểu đề nghị UBND tỉnh có giải pháp hiệu quả, tận dụng việc mở rộng các tuyến bay đến các điểm du lịch trong nước nhằm phát triển du lịch, thu hút du khách về với tỉnh Nghệ An…

Về đầu tư phát triển, đại biểu đề nghị UBND tỉnh làm rõ một số nội dung như: Giải pháp và tính khả thi trong việc huy động nguồn lực cho các công trình trọng điểm của tỉnh; quan tâm thu hút đầu tư bên ngoài, đồng thời tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tỉnh để thực hiện tốt các biện pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn "hậu Covid-19"...

Các đại biểu phản ánh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư còn chậm; công tác thu hút đầu tư đạt hiệu quả chưa cao; công tác kiểm tra, thu hồi các dự án chậm tiến độ, dự án “treo” chưa quyết liệt gây mất lòng tin của nhân dân.

Đại biểu băn khoăn thu hút đầu tư của tỉnh còn kém hơn so với các tỉnh khác. Đề nghị tỉnh chỉ đạo tổng kết, đánh giá hiệu quả Hội nghị Xúc tiến đầu tư trong 10 năm vừa qua để có giải pháp căn cơ nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới…

Về tài nguyên và môi trường, đại biểu phản ánh, hằng năm HĐND tỉnh đều thông qua các nghị quyết thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng thực hiện việc đạt tỷ lệ thấp; đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, những khó khăn, vướng mắc và giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Đại biểu đề nghị UBND tỉnh cần sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc thu hồi đất và giao đất cho một số dự án sản xuất, kinh doanh có thuê đất…

Băn khoăn về chế độ, chính sách cho cán bộ cơ sở

Đối với lĩnh vực văn hóa - xã hội, đại biểu cho rằng, UBND tỉnh cần quan tâm công tác bảo tồn, tôn tạo trùng tu các di tích, nhất là các di tích đã được công nhận, xếp hạng, hạn chế tình trạng nhiều di tích xuống cấp như hiện nay.

Các đại biểu yêu cầu ngành Giáo dục cần đánh giá lại phương thức học trực tuyến. Việc soạn giáo án dạy học trực tuyến chưa đảm bảo, học sinh nắm bắt kiến thức cũng chưa thật sự tập trung như học trực tiếp.

Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: Thành Cường
Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: Thành Cường

Đại biểu đề nghị UBND tỉnh quan tâm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, cần đầu tư trang thiết bị cho tuyến xã phù hợp với xã có bác sỹ để nâng các chất lượng khám, chữa bệnh, nhất là các huyện miền núi. Đại biểu đề nghị cần có giải pháp đẩy mạnh giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội sau dịch Covid-19, trong đó có đối tượng lao động ở nước ngoài về nước.

Về  lĩnh vực nội vụ, cải cách hành chính, thanh tra, tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, các đại biểu cho rằng, việc thực hiện Quyết định số 14/2020/QĐ-UBND ngày 27/5/2020 của UBND tỉnh về mức chi bồi dưỡng và quy trình thực hiện mức chi bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của xóm, khối, bản trên địa bàn tỉnh Nghệ An có nhiều bất cập không thể thực hiện.

Các đại biểu phản ánh, tại nhiều địa phương sau khi sáp nhập xã, xóm cơ sở vật chất vừa thừa vừa thiếu vì không đủ quy mô cho xã, xóm mới sau khi sáp nhập.

Đề nghị UBND tỉnh cần có hướng dẫn cụ thể, thống nhất phương án xử lý tài sản sau sáp nhập để vừa tránh lãng phí, vừa có cơ sở mới để đảm bảo sinh hoạt của xã, xóm sau khi sáp nhập; đồng thời có cơ chế hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất tại các xã, xóm sau khi sáp nhập.

Một số đại biểu cũng đề nghị UBND tỉnh có giải pháp để cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu để đẩy mạnh phân cấp một số thủ tục thuộc một số lĩnh vực cho cấp huyện để đảm bảo sự hiệu quả, nhanh chóng trong công tác quản lý Nhà nước.

Phiên thảo luận tổ cũng “nóng” lên với nhiều vấn đề liên quan được đông đảo người dân và cử tri quan tâm như bất cập trong thực hiện Nghị quyết 22/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh về số lượng, chức danh, mức phụ cấp, chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác ở xã, phường, thị trấn và xóm, khối, bản trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Quyết định số 14/2020/QĐ-UBND ngày 27/5/2020 của UBND tỉnh Nghệ An về mức chi bồi dưỡng và quy trình thực hiện mức chi bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của xóm, khối, bản trên địa bàn tỉnh, khi đi vào áp dụng tại các đơn vị.

Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Thành Cường
Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Thành Cường

Tại phiên thảo luận tại hội trường sáng 21/7, nhiều đại biểu tiếp tục đặt ra khó khăn trong thực tiễn thực hiện Nghị quyết 22/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và Quyết định số 14/2020/QĐ-UBND của UBND tỉnh.

Đại biểu Ngô Thị Thu Hiền (thành phố Vinh), nêu ý kiến, trong Quyết định số 14/2020/QĐ-UBND có quy định về đối tượng áp dụng là người trực tiếp tham gia công vệc ở khối, xóm, bản, trong đó, ưu tiêu chi hội trưởng của 5 đoàn thể Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh, Người cao tuổi, Đoàn thanh niên.

Đại biểu Ngô Thị Hiền (TP. Vinh) phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: Thành Cường
Đại biểu Ngô Thị Hiền (TP. Vinh) phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: Thành Cường

Tuy nhiên, những người tham gia công việc thường xuyên ở khối, xóm, bản còn có Chi hội Chữ thập đỏ, Khuyến học, Tổ trưởng các tổ dân cư… Với số lượng người hoạt động ở khối, xóm hiện nay so với mức khoán theo Nghị quyết 22/2019/NQ-HĐND khó đảm bảo mức chi cho tất cả đối đối tượng.

Trả lời làm rõ băn khoăn của các đại biểu, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Quốc Chung khẳng định: Trong thực tiễn vẫn đang đặt ra nhiều bất cập, vì vậy, sau kỳ họp này đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ, Sở Tài chính khảo sát, đánh giá lại thực tiễn để tháo gỡ, nếu chính sách đã đúng thì cần làm tốt công tác tuyên truyền để chính sách đi vào cuộc sống. 

Nhiều đại biểu nêu lên những khó khăn do thời tiết nắng nóng, hạn hán khốc liệt ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân; vấn đề phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đơn vị Kỳ Sơn) góp ý bổ sung Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của HĐND tỉnh. Ảnh: Thành Cường
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đơn vị Kỳ Sơn) góp ý bổ sung Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của HĐND tỉnh. Ảnh: Thành Cường

Công tác quản lý, bảo vệ rừng, giao đất, giao rừng, quản lý đất đai, khoáng sản, môi trường vẫn còn nhiều bất cập, có nhiều vụ cháy rừng lớn xảy ra. Tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép vẫn diễn ra tại một số địa phương. Công tác cải cách hành chính chuyển biến còn chậm

Ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu khách mời liên quan đến các nội dung đề nghị chỉnh sửa, bổi sung làm rõ nội dung Nghị quyết của HĐND tỉnh như: Nghị quyết thông qua danh mục công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Nghệ An cần thu hồi đất quy định tại Khoản 3, Điều 26, Luật Đất đai.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Duy Việt trả lời làm rõ ý kiến của các đại biểu góp ý nội dung các Nghị quyết về đất đai. Ảnh: Thành Cường
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Duy Việt trả lời làm rõ ý kiến của các đại biểu góp ý nội dung các Nghị quyết về đất đai. Ảnh: Thành Cường

Các đại biểu cũng góp ý các Nghị quyết về chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện công trình dự án trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết về chính sách hỗ trợ kinh phí mua thiết bị giám sát hành trình và hỗ trợ cước phí thuê bao dịch vụ cho thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá…

Kết luận phiên thảo luận tại hội trường, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền cho biết 17 lượt ý kiến tham gia tập trung thảo luận thẳng thắn làm rõ nhiều vấn đề về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và các báo cáo, dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền kết luận phiên thảo luận tại hội trường. Ảnh: Thành Cường
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền kết luận phiên thảo luận tại hội trường. Ảnh: Thành Cường

Đồng chí Cao Thị Hiền cho biết, ngoài một số ý kiến đã được các ngành tiếp thu giải trình làm rõ, đối với các vấn đề chưa trả lời hết tại phiên thảo luận tại hội trường, HĐND tỉnh sẽ yêu cầu các ngành, UBND tỉnh tiếp thu trả lời ngay sau kỳ họp để báo cáo đại biểu.

Tin mới