Đại biểu Lê Xuân Đại: Kinh doanh nước không thể bất chấp lợi ích của người dân

(Baonghean.vn) - Tham gia thảo luận tại hội trường trong kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVII, liên quan đến chất lượng nước sinh hoạt cho người dân, đại biểu Lê Xuân Đại cho rằng, việc các công ty cung cấp nước tối đa hóa lợi nhuận, không có nghĩa bất chấp lợi ích của người dân.
Tại phiên thảo luận tại hội trường, liên quan đến công tác quản lý, chất lượng và giá nước sinh hoạt, nhiều ý kiến của đại biểu đề nghị làm rõ các nội dung: Tại sao không sử dụng nước của nhà máy sông Lam? Làm rõ số tiền chênh lệch giá nước thô đầu vào tại điểm lấy từ sông Lam và sông Đào. Công bố rõ chỉ số chất lượng nước để người dân yên tâm.
Đối với nguồn nước vào thì tiêu chuẩn như thế nào mới được đưa vào sản xuất; tương tự đối với “đầu ra” thì nước đạt bao nhiêu loại tiêu chuẩn để người dân có thể dùng được. Và quy chuẩn nước sạch ở các địa phương có giống nhau hay không? Ví dụ ở TP.Vinh có giống ở các huyện miền núi như Tương Dương, Kỳ Sơn hay không?
Hệ thống xử lý nước thô của Công ty cổ phần cấp nước Nghệ An . Ảnh: Nhật Lân
Hệ thống xử lý nước thô của Công ty cổ phần cấp nước Nghệ An . Ảnh: Nhật Lân 
Trực tiếp trả lời những ý kiến của đại biểu, ông Nguyễn Trường Giang - Quyền Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, việc cung cấp nước sạch có liên quan đến nhiều sở, ngành, trong đó, Sở Tài nguyên & Môi trường chịu trách nhiệm chất lượng nước thô đầu vào, Sở Y tế chịu trách nhiệm chất lượng nước sạch đầu ra, Sở Tài chính quản lý giá nước, ngoài ra UBND các huyện, thành, thị chịu trách nhiệm giám sát.
Ông Nguyễn Trường Giang - Quyền Giám đốc Sở Xây dựng giải trình các ý kiến của đại biểu. Ảnh: Thành Cường
Ông Nguyễn Trường Giang - Quyền Giám đốc Sở Xây dựng giải trình các ý kiến của đại biểu. Ảnh: Thành Cường
Liên quan đến việc bơm nước sông Đào, ông Nguyễn Trường Giang cho biết, đây là là thỏa thuận dựa trên hợp đồng số 04 năm 2015 của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cấp nước và Công ty cấp nước Sông Lam với UBND tỉnh. Sau khi cổ phần hóa, Công ty cổ phần cấp nước Nghệ An hoạt động theo mô hình doanh nghiệp và cũng đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận sử dụng nước sông Đào. 
Về việc điều chỉnh giá nước, trong trường hợp Công ty cấp nước Nghệ An sử dụng nguồn nước sông Đào có giá đầu vào thấp hơn, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan xác định phần lấy nước thô đầu vào từ sông Đào để hoàn trả cho người dân phần chênh lệch giá nước thô đầu vào tại địa điểm lấy từ sông Lam và sông Đào. Tuy nhiên, ông Giang cho biết, hiện nay chưa kết luận được thời điểm kết thúc sử dụng nước sông Đào, nên hiện tại Sở Tài chính vẫn chưa đưa ra được khối lượng chênh lệch để hoàn lại cho người dân.
Nhấn mạnh quan điểm của Sở Xây dựng, ông Nguyễn Trường Giang khẳng định mong muốn được lấy nguồn nước sạch từ sông Lam, song giá nước phải được kết cấu hợp lý để các công ty cấp nước và người dân đều cùng được hưởng lợi.
Đại biểu Lê Xuân Đại tham gia tranh luận về chất lượng và giá nước sạch. Ảnh: Thành Cường
Đại biểu Lê Xuân Đại tham gia tranh luận về chất lượng và giá nước sạch. Ảnh: Thành Cường
Đưa ví dụ minh họa "Hồng Lĩnh có thể cháy rừng, giảm bớt cây, Sông Lam có thể hạn hán, giảm nước. Nhưng vẫn đủ nguồn nước thô của Nhà máy nước Sông Lam để sản xuất ra nước thô và đáp ứng tiêu chuẩn nước sạch cơ bản để phục vụ cho người dân”, đại biểu Lê Xuân Đại cho rằng, không có lý do gì để sử dụng nước sông Đào. “Đây là việc không thể chấp nhận được”, ông Lê Xuân Đại nói.

Với cách giải thích của Sở Xây dựng khi đưa ra vai trò quản lý của Nhà nước, nhất là sau khi Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cấp nước Nghệ An cổ phần hóa thành Công ty cổ phần cấp nước, đại biểu Lê Xuân Đại cho rằng, chuyển thành công ty cổ phần không có nghĩa là làm méo mó đi hình ảnh của một công ty cấp nước. Ngược lại, công ty cổ phần phải làm tốt hơn, năng động hơn, nhất là nêu cao trách nhiệm và đạo đức trong kinh doanh. 

Trong điều kiện công nghệ xử lý nước của Nghệ An vẫn còn nhiều hạn chế, đại biểu Lê Xuân Đại đề nghị các ngành chức năng liên quan phải quan tâm đến chất lượng nguồn nước đầu vào, đảm bảo cung cấp cho người dân và đề nghị chấm dứt lấy nguồn nước sông Đào. "Tối đa hóa lợi nhuận, không có nghĩa là bất chấp lợi ích của người dân” - ông Lê Xuân Đại nói.
Cũng liên quan đến vấn đề chất lượng nước sạch, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nhận định, nguồn gốc của mọi nguyên nhân  là do sự cạnh tranh không lành mạnh. Do đó đề nghị UBND tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nước sạch, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, nhằm mang lại chất lượng nước sạch hơn cho người dân.
Giám đốc Sở Y tế Dương Đình Chỉnh tham gia giải trình. Ảnh: Thành Cường
Giám đốc Sở Y tế Dương Đình Chỉnh tham gia giải trình. Ảnh: Thành Cường
Với vai trò là cơ quan kiểm tra, giám sát chất lượng đầu ra của nguồn nước, ông Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế cho biết, các mẫu nước được tiến hành xét nghiệm tại Trung tâm Y tế dự phòng Nghệ An đều được Cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng của Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận, và phòng thí nghiệm của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh được cấp giấy chứng nhận ISO.
Giám đốc Sở Y tế cho biết thêm, theo bộ quy chuẩn chất lượng thì nguồn nước phải đảm bảo 109 tiêu chí. Tuy nhiên, với năng lực hiện tại của Nghệ An, thì mới chỉ tiến hành kiểm tra chất lượng với 24 chỉ tiêu. Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đã tiến hành thanh tra đột xuất các quy định của y tế về cung cấp nước sạch ở tất cả các đơn vị; đồng thời gửi công văn tới Viện sức khỏe của Bộ Y tế đề nghị hỗ trợ chuyên môn để xét nghiệm. Sau khi có kết quả xét nghiệm, Sở Y tế sẽ cung cấp với các cơ quan chức năng toàn bộ kết quả.
Kết luận nội dung này, ông Hoàng Viết Đường - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định, quản lý chất lượng sinh hoạt là trách nhiệm của nhiều ngành liên quan, vì vậy, cần thường xuyên tăng cường phối, kết hợp giữa các ngành để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt lâu dài, bền vững cho người dân. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng nước sạch sinh hoạt.

Tin mới