Đại biểu Nghệ An: Cần bảo vệ quyền lợi người gửi tiền khi 'kiểm soát đặc biệt' tổ chức tín dụng

(Baonghean.vn) - Trong ngày làm việc thứ 4, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tham gia ý kiến vào một số dự thảo luật.

Quang cảnh phiên thảo luận tổ 18 trong ngày làm việc thứ 4, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: CTV
Quang cảnh phiên thảo luận tổ 18 chiều 26/10 trong ngày làm việc thứ 4, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: CTV

Trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho biết cơ bản đồng tình cao với dự thảo luật và báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng (TCTD), đồng thời tham gia một số ý kiến để hoàn thiện dự án luật.

Về nội dung phương án tự phục hồi và nội dung phương án chuyển giao bắt buộc TCTD được kiểm soát đặc biệt (quy định tại tại điểm 5 điều 148a và điểm 6 điều 151b), ông Hiền cho rằng dự thảo Luật chỉ mới chú trọng đến việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng là pháp nhân mà còn thiếu khách hàng là cá nhân người dân gửi tiền trong trường hợp TCTD bị đặt vào trường hợp "kiểm soát đặc biệt".

"Trong trường hợp TCTD đang bị đặt vào tình trạng 'kiểm soát đặc biệt', khách hàng là cá nhân đến hạn rút tiền thì Ngân hàng Nhà nước có cho phép TCTD chi trả hay không? Nếu không chi trả thì TCTD đó vi phạm pháp luật", đại biểu này đặt vấn đề, đồng thời đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền trong trường hợp này.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: CTV
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: CTV

Nêu ý kiến liên quan đến nguồn lực thực hiện phương án cơ cấu lại nhằm bảo đảm tính khả thi của các quy định trong dự thảo Luật, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Nghệ An đồng ý với phương án bỏ quy định về biện pháp hỗ trợ chi trả tiền gửi vượt hạn mức cho người gửi tiền cá nhân khi thực hiện phương án phá sản TCTD, đồng thời, bổ sung quy định giao Chính phủ quyết định áp dụng biện pháp đặc biệt và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất tại điểm b khoản 1 Điều 146 của dự thảo Luật.

Tuy nhiên, vị đại biểu này trăn trở thêm: “Vấn đề chúng ta cần quan tâm và phải làm rõ là biện pháp đặc biệt đó là gì? Nguồn lực để Chính phủ áp dụng biện pháp đặc biệt đó? Chính phủ có được phép sử dụng ngân sách Nhà nước không? Theo tôi dự thảo Luật phải quy định rõ.”

Hiện nay, hệ thống Ngân hàng đang áp dụng biện pháp phá sản TCTD chi trả tiền gửi theo hạn mức chi trả của Bảo hiểm tiền gửi, quy định 75 triệu/1 người/1 TCTD.

Ông Hiền cũng quan tâm mức hỗ trợ của Chính phủ đối với khách hàng cá nhân (người dân) khi TCTD bị phá sản, lập luận đây là vấn đề xã hội, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân và trật tự an toàn xã hội.

Vì thế, đại biểu Nghệ An kiến nghị cần phải bổ sung các biện pháp hỗ trợ TCTD bao gồm cả việc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tham gia mua trái phiếu Chính phủ dài hạn để tăng vốn cấp 2 cho TCTD hỗ trợ, góp phần nâng cao vai trò của bảo hiểm tiền gửi trong việc tham gia hỗ trợ nguồn tài chính cho các TCTD để cơ cấu lại các TCTD yếu kém.

Cũng trong ngày làm việc thứ 4, tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Trần Văn Mão - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đại diện đoàn ĐBQH Nghệ An góp ý vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

PV-CTV

TIN LIÊN QUAN

Tin mới